Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà đầu tư ‘nín thở’ chờ quyết định lãi suất của Nhật Bản, Mỹ và Anh

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Nhật Bản, Mỹ và Anh sẽ họp trong tuần này. Các quyết định hoặc thông điệp của họ có thể kích hoạt những chuyển động mạnh trên thị trường trái phiếu, cổ phiếu và tiền tệ trên toàn cầu.

Các quyết định hoặc thông điệp của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Nhật Bản, Mỹ và Anh trong những cuộp họp trong tuần này có thể kích hoạt những chuyển động mạnh trên thị trường trái phiếu, cổ phiếu và tiền tệ trên toàn cầu. Ảnh: commoditysamachar.com

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ họp vào ngày 31-8. Sau đó một ngày là cuộc họp của Ngân hàng trung ương Anh (BoE). Nhà đầu tư đang hồi hộp theo dõi các động thái chính sách sau những cuộc họp này. Câu hỏi lớn đối với họ là liệu BoJ có tăng lãi suất hay không, khi nào Fed và BoE bắt đầu giảm lãi suất và giảm ở mức độ nào.

Đồng yen Nhật Bản tăng giá mạnh trong thời gian gần đây khi thị trường dự báo là BoJ sẽ tăng lãi suất. Sau khi tăng giá lên mức cao nhất trong 1 năm so với đô la Mỹ, đồng bảng Anh giảm 0,5% trong tuần trước do nhà đầu tư kỳ vọng BoE sẽ giảm lãi suất.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn ngắn đang đi vào xu hướng giảm do nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng Chín.

“Đây sẽ là tuần thú vị hơn nhưng cũng có thể mệt mỏi hơn đối với nhà đầu tư”, Wong Kok Hoong, người đứng đầu bộ phận giao dịch cổ phiếu cho nhà đầu tư tổ chức của Công ty chứng khoán Maybank Securities bình luận.

Thị trường không chắc chắn về quyết định của BoJ

Thị trường đang không chắc chắn về quyết định của BoJ trong cuộc họp vào thứ Tư tới. Thống đốc BOJ, Kazuo Ueda rất ít khi đưa ra các bình luận công khai trước cuộc họp chính sách. Dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy, lạm phát của Nhật Bản đang tăng nhanh nhưng chi tiêu tiêu dùng trong nước lại gây thất vọng.

Tuần trước, đồng yen tăng giá mạnh vì nhà đầu tư tăng kỳ vọng BoJ thắt chặt tiền tệ hơn nữa sau khi lần đầu tiên tăng lãi suất trong 17 năm hồi tháng 3, từ mức âm 0,1% lên biên độ 0 - 0,1%. Đồng yen đã tăng giá khoảng 5% so với đồng đô la Mỹ kể từ ngày 11-7.

Các nhà giao dịch trên thị trường phái sinh đang đặt cược xác suất BoJ tăng lãi suất là 50%, cho thấy thị trường có phần lưỡng lự. Theo khảo sát mới nhất của Bloomberg, các nhà kinh tế cũng không chắc chắn khi chỉ có 30% dự báo BoJ sẽ tăng lãi suất.

Biến động mạnh của giá đồng yen có thể nhanh chóng gây tác động lan tỏa khắp thị trường toàn cầu. Điều này là vì mối liên kết giữa đồng yen với một loạt các khoản đầu tư sử dụng đòn bẩy cao thông qua giao dịch “carry trades”. Trong đó, đồng tiền Nhật Bản được vay để mua các tài sản có lợi suất cao hơn, bao gồm đô la Mỹ.

Đà tăng giá gần đây của đồng tiền gây tổn thương cho chiến lược “carry trades”, vay đồng yen để mua các đồng tiền mạnh khác từ đôla Mỹ, đô la Úc cho đến đồng peso Mexico.

Trụ sở của Ngân hàng trung ương Nhật Bản ở Tokyo. Ảnh: Bloomberg

Nếu BoJ không tăng lãi suất, đồng yen có thể bị bán tháo. Tuy nhiên, các nhà giao dịch bán khống đồng yen cũng sẽ rơi vào tình thế rủi ro nếu sau cuộc họp chính sách, Fed đưa ra bất cứ thông điệp nào, thúc đẩy kỳ vọng giảm lãi suất trong những tháng tới.

Fed có thể nới lỏng tiền tệ vào tháng Chín

Nhà đầu tư cũng sẽ phân tích thông báo chính sách của Fed và bình luận của Chủ tịch Fed,Jerome Powell vào hôm 31-7 để tìm bất kỳ manh mối nào hỗ trợ cho kỳ vọng về đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng Chín.

Các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai hiện đặt cược Fed tiến hành ít nhất hai đợt lãi suất, với mỗi đợt giảm 0,25 điểm phần trăm trong những tháng cuối năm. Fed đang duy trì biên độ lãi suất 5,25-5,5%, cao nhất trong hơn 20 năm.

Các quan chức Fed ghi nhận thị trường lao động Mỹ đã cân hơn và tốc độ lạm phát đang giảm. Đó là dấu hiệu cho thấy, họ có thể ủng hộ khả năng hạ lãi suất.

James Knightley, nhà kinh tế quốc tế của ngân hàng ING, nhận định cuộc họp sắp tới của Fed sẽ được sử dụng để đặt nền móng cho việc giảm lãi suất vào tháng Chín.

Một số nhà quan sát thị trường, từ cựu Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực New York, William Dudley cho đến Mohamed El-Erian, trưởng cố vấn kinh tế của tập đoàn bảo hiểm lớn nhất thế giới Allianz ủng hộ Fed nới lỏng mạnh mẽ hơn dự kiến. Dudley cho rằng, Fed nên xem xét giảm lãi suất ngay trong tuần này. Trong khi đó, El-Erian cảnh báo “sai lầm chính sách” nếu Fed duy trì lãi suất quá cao trong thời gian dài.

Trái phiếu chính phủ Mỹ đang hướng tới chuỗi ba tháng tăng giá liên tiếp lần đầu tiên từ giữa năm 2021. Trái phiếu tăng giá khi lợi suất giảm trước kỳ vọng Fed giảm lãi suất.

Niềm tin ngày càng tăng về triển vọng giảm lãi suất của Fed giúp chỉ số theo dõi giá trái phiếu chính phủ Mỹ của Bloomberg chạm mức cao nhất hai năm trong tháng này.

Chứng khoán Mỹ cũng sẽ đối mặt biến động mạnh trong tuần này. Bên cạnh quyết định lãi suất của Fed, phố Wall còn phải theo dõi dữ liệu việc làm của Mỹ và báo cáo kết quả kinh doanh quí 2 của các tập đoàn công nghệ như Meta Platforms, Microsoft và Apple .

Thị trường tăng kỳ vọng BoE giảm lãi suất

Các thị trường đang tăng kỳ vọng BoE thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ đại dịch Covid-19 trong cuộc họp hôm 1-8. BoE hiện duy trì lãi suất ở mức 5,25%, cao nhất kể từ tháng 2-2008.

Trong khi lạm phát của Anh giảm từ mức hai con số từ năm trước, xuống mục tiêu 2% của BoE và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, tốc độ tăng giá trong lĩnh vực dịch vụ vẫn ở mức cao.

Mức lương tối thiểu ở Anh tăng 10% kể từ tháng 4. Thêm vào đó, kế hoạch tăng lương tối thiểu của chính phủ Anh cùng với kế hoạch tăng lương cao hơn mức lạm phát cho khoảng 5 triệu lao động trong khu vực công đang gây ra rủi ro tăng giá cả.

Bất kỳ quyết định mới nào về lãi suất của BoE có thể sẽ tác động đến trái phiếu chính phủ Anh và đồng bảng.

Hôm 26-7, thị trường định giá BoE sẽ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong tuần này với xác suất 50%, cao hơn mức 40% vào tuần trước đó. Các nhà kinh tế ở các ngân hàng Bank of America, Deutsche Bank AG, Nomura Holdings, ING đều dự báo BoE có nhiều khả năng nới lỏng tiền tệ.

Một quyết định hạ lãi suất của BoE sẽ thúc đẩy giá trái phiếu chính phủ Anh nhưng gây áp lực giảm giá lên đồng bảng. Trong số 10 đồng tiền được giao dịch phổ biến và có thanh khoản lớn nhất, đồng bảng Anh tăng giá mạnh nhất trong năm nay.

Ngần hàng JPMorgan Chase dự báo, đồng bảng sẽ tăng lên mức 1 bảng đổi 1,35 đô la Mỹ, cao hơn gần 5% so với mức hiện tại.

“Không có gì ngạc nhiên khi sự bất ổn của thị trường gần đây đã thúc đẩy sự luân chuyển chuyển vốn ​​trái chiều liên quan đến cổ phiếu, thu nhập cố định và các vị thế thị trường khác. Ở một khía cạnh nào đó, quyết định lãi suất này của các ngân hàng trung ương lớn sẽ gây ra tác động khác với những gì chúng ta từng thấy trước đây”, Cameron Crise, nhà chiến lược vĩ mô của Bloomberg bình luận.

 Theo Bloomberg

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới