(KTSG Online) - Khi châu Âu chạy đua thay thế khí đốt của Nga bằng nguồn cung từ khắp nơi trên thế giới, các nhà sản xuất bắt đầu chuyển sang một công nghệ mới để khoan và hóa lỏng khí đốt nhanh chóng với chi phí rẻ hơn: các nhà máy khí đốt hóa lỏng (LNG) nhỏ và nổi trên biển, thường được hoán cải từ các tàu chở LNG cũ.
- Những gã khổng lồ năng lượng đang kiểm soát thị trường LNG toàn cầu
- Thiếu dầu diesel làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu
Các nhà máy này hứa hẹn giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt trước mắt khi mà công suất mới của dự án sản xuất LNG lớn ở trên đất liền mất nhiều năm để triển khai và đòi hỏi nguồn vốn đầu tư tốn kém.
LNG thường được sản xuất tại các nhà máy lớn nằm sát bờ biển và được kết nối với các mỏ khí đốt qua đường ống. Nhưng nhiều công ty đang hợp lý hóa quy trình sản xuất LNG bằng cách sử dụng các tàu và giàn khoan chuyên dụng có thể sản xuất nhiên liệu siêu lạnh này ngay trên các mỏ khí đốt ở ngoài khơi.
Tuần trước, một nhà máy sản xuất LNG nổi đã bắt đầu đi vào hoạt động ở Mozambique, một quốc gia thuộc Đông Phi. Chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên của nhà máy này đang trên đường đến châu Âu. Trong khi đó, một nhà máy LNG nổi khác ở Mỹ đang có kế hoạch sản xuất vào năm tới. Điều đó cho thấy các dự án nhà máy LNG nổi cuối cùng cũng nhận được vốn đầu tư cần thiết để tạm thời bù đắp cho khoảng trống nguồn cung lớn trước khi công suất cải thiện nhờ các dự án LNG lớn trên đất liền chính thức vận hành trong những năm tới.
Sự trỗi dậy của các nhà máy LNG nổi diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang sốt sắng tìm kiếm các giải pháp thay thế nhanh chóng cho nguồn cung khí đốt từ Nga đã bị bóp nghẹt kể từ sau khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine.
Xu hướng này cũng diễn ra đồng thời với cuộc chạy đua xây dựng các kho cảng nổi để tiếp nhận LNG nhập khẩu ở châu Âu.
Công nghệ sản xuất LNG trên biển đã phát triển trong 5 năm qua, nhưng giá khí đốt thấp khiến nhiều dự án bị đình trệ. Với cơn sốt nhu cầu đẩy giá khí đốt tăng vọt trong năm nay, Fraser Carson, nhà phân tích tại hãng nghiên cứu thị trường Wood Mackenzie, cho biết mối quan tâm đến các nhà máy máy LNG nổi chắc chắn đang cải thiện. Ông nói: “Chúng tôi đang chứng kiến các ngân hàng ngày càng sẵn sàng tài trợ hơn cho các dự án sản xuất LNG nổi”.
Trong quy trình “hóa lỏng nổi”, LNG thường được sản xuất trên một con tàu được đóng mới hoặc một tàu chở LNG được hoán đổi chức năng. Cả hai loại tàu này đều đang nhận được sự quan tâm lớn, theo Juan Pablo Parodi, Giám đốc phát triển kinh doanh tại Exmar NV (Bỉ), công ty đang thực hiện một số dự án sản xuất LNG nổi.
Nằm phía trên các mỏ khí đốt, các dự án sản xuất LNG nổi lấy nhiên liệu từ đáy đại dương thông qua các ống đứng. Sau đó, khí đốt được xử lý trên tàu ở nhiệt độ lạnh đến mức âm 162 độ C để trở thành chất lỏng. LNG được lưu trữ trong các bồn chứa trên tàu trước để chờ các tàu chở LNG đến lấy và vận chuyển đến các điểm đến trên toàn cầu.
Trước khi dự án sản xuất LNG nổi ở Mozambique chuyển chuyến hàng đầu tiên đến châu Âu vào tuần trước, chỉ có bốn tàu như vậy hoạt động trên thế giới. Một dự án khác đang được triển khai ở châu Phi, nơi một nhà máy sản xuất LNG nổi ở ngoài khơi của Mauritania và Senegal đã hoàn thành 85% tiến độ thi công của giai đoạn 1. Dự án này có tổng vốn đầu tư 4,8 tỉ đô la Mỹ và công suất giai đoạn 1 sẽ đạt 2,5 triệu tấn LNG/năm. Chủ đầu tư dự án là Tập đoàn BP của Anh và Công ty Kosmos Energy (Mỹ).
Trong khi đó, Nigeria đã ký một thỏa thuận trong tuần này để bắt đầu xây dựng một nhà máy LNG nổi cung cấp nhiên liệu này sang châu Âu.
Tại Mỹ, Công ty New Fortress Energy đang phát triển một khái niệm hơi khác về sản xuất LNG nổi. Công ty này nhanh chóng lắp đặt thiết bị hóa lỏng và xử lý khí ngay trên các giàn khoan cố định ngoài khơi, với điểm sản xuất LNG đầu tiên sẽ bắt đầu hoạt động vào giữa năm tới, chủ yếu để phục vụ nhu cầu khí đốt của châu Âu.
Theo Liên minh Khí đốt quốc tế (IGU), công suất bổ sung từ tất cả các dự án nhà máy LNG nổi hiện nay tương đương với khoảng 1/3 thương mại LNG toàn cầu năm ngoái.
Ưu điểm của các nhà máy LNG nổi bao gồm khung thời gian xây dựng nhanh chóng vì chúng được hoán cải từ tàu chở LNG cũ và có thể đi vào sản xuất chỉ trong vòng hai năm sau khi dự án được phê duyệt, theo Juan Pablo Parodi, Giám đốc phát triển kinh doanh tại Exmar. Trong khi các nhà máy LNG lớn trên đất liền thường cần ít nhất bốn năm để xây dựng.
Các dự án LNG nổi cũng cạnh tranh tốt hơn về chi phí so với các dự án lớn hơn vì chúng có thể truy cập các nguồn tài nguyên khí đốt ở những khu vực xa xôi trên biển, tránh được các vấn đề địa chính trị thường liên quan đến các đường ống xuyên biên giới. Tuy nhiên, một nhược điểm của chúng là không gian cho công nghệ sản xuất LNG trên tàu bị hạn chế, khiến công suất chế biến không đạt được mức cao như mong muốn.
Với nhu cầu khí đốt của châu Âu có thể trở nên khó đoán hơn sau năm 2030 vì khu vực này đang tăng tốc các nỗ lực loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, một lợi thế chính của công nghệ sản xuất LNG trên biển là nó có thể tránh được rủi ro tài sản hạ tầng năng lượng bị mắc kẹt.
Hơn nữa, các tàu sản xuất LNG nổi có thể dễ dàng di dời. Ví dụ, Argentina chỉ sử dụng tạm thời một tàu như vậy để sản xuất khí đốt dư thừa phục vụ xuất khẩu.
Nhà phân tích Carson cho biết: “Những dự án này có thể được triển khai lại và chuyển sang các thị trường mới nổi nơi nhu cầu LNG đang tăng lên”.
Theo Bloomberg