Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khí đốt dự trữ của châu Âu cao kỷ lục, mở ra hy vọng giảm phụ thuộc vào Nga

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Liên minh châu Âu (EU) đang có lượng khí đốt dự trữ ở mức kỷ lục sau một mùa đông ôn hòa hơn dự đoán. Điều đó thắp lên hy vọng về việc khối này có thể giảm phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu từ Nga.

Kho cảng LNG nổi đầu tiên của Đức ở cảng Wilhelmshaven chính thức vận hành hồi tháng 11 năm ngoái. Ảnh: AP

Tổng dung lượng lưu trữ khí đốt của EU đạt 55,7% công suất vào đầu tháng 4, theo dữ liệu của Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE), cơ quan đại diện cho các nhà điều hành kho lưu trữ khí đốt ở châu Âu. Khoảng từ năm 2011 đến nay, đây là công suất dự trữ khí đốt cao nhất của EU vào đầu tháng 4 hàng năm.

Công suất dự trữ này cao hơn khoảng 20 điểm phần trăm so với mức trung bình trong 5 năm trước và đã tăng lên 56,5% trong hai tuần qua. Vào đầu tháng 4-2020, khi đại dịch Covid-19 làm giảm mạnh nhu cầu tiêu thụ khí đốt, EU cũng từng có đạt công suất dự trữ gần bằng năm nay. Đó cũng là năm duy nhất mà EU có mức dự trữ khí đốt cỡ này.

“Các kho dự trữ khí đốt của EU đã đầy hơn một nửa. Điều đó có nghĩa là chúng tôi kết thúc mùa sưởi ấm này ở một vị trí thuận lợi”, Cao ủy Năng lượng của EU, Kadri Simson nói với Financial Times, đồng thời nhấn mạnh, hiện tại EU có khả năng giảm nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga.

Bà cho rằng, bằng cách tăng sản lượng năng lượng tái tạo và đa dạng hóa hơn nữa các nguồn cung năng lượng, một số nước thành viên EU có thể loại bỏ hoàn toàn LNG của Nga. Trước đó, bà đã kêu gọi các công ty EU ngừng mua LNG của Nga.

Hồi tháng 3, các bộ trưởng năng lượng của EU cũng đã đồng ý cho phép các nước thành viên tạm thời hạn chế nhập khẩu khí đốt từ cả Nga và Belarus. Thỏa thuận này vẫn đàm phán thêm với Nghị viện châu Âu.

Tình hình hiện tại tương phản rõ rệt với năm ngoái, thời điểm Moscow bóp nghẹt nguồn cung khí đốt chảy qua đường ống đến châu Âu sau khi chiến sự nổ ra ở Ukraine. EU buộc phải tăng nhập khẩu LNG từ Nga lên mức kỷ lục khi khối này chạy đua dự trữ khí đốt cho mùa đông.

Nhập khẩu LNG của EU từ Nga đạt 22,1 tỉ mét khối (bcm) hồi năm ngoái, tăng 39% so với năm 2021 và chiếm 16% tổng lượng khí đốt mà EU nhập khẩu bằng đường biển, theo dữ liệu của Refinitiv. Nỗ lực tăng nhập khẩu LNG của Nga và những nơi khác bao gồm Mỹ đã giúp EU nhanh chóng lấp đầy các kho trữ khí đốt.

“Có vẻ như châu Âu sẽ có quá nhiều khí đốt vào mùa hè này”, Natasha Fielding, người đứng đầu bộ phận định giá khí đốt châu Âu của Argus Media nói.

Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, đặt mục tiêu đạt mức lưu trữ khí đốt 90% công suất vào đầu tháng 11 tới. Tuy nhiên, Fielding dự đoán EU có thể đạt được mục tiêu đó sớm hơn, vào tháng 7 hoặc tháng 8.

Khác với dầu thô và các chế phẩm dầu mỏ, khí đốt của Nga, cung cấp gần 40% nguồn cung của EU trước chiến tranh, không bị phương Tây trừng phạt. Do đó, lượng nhập khẩu LNG cao kỷ lục từ Nga của EU cho đến nay đã mang về cho Điện Kremlin hàng tỉ đô la nhờ thuế xuất khẩu đối với các công ty khí đốt trong nước.

Tuy nhiên, bất kỳ động thái nào nhằm hạn chế hoặc cấm nhập khẩu LNG của Nga có thể cản trở nỗ lực lấp đầy các kho chứa khí đốt của khối trong mùa đông tới. Nhìn chung, các nguồn cung LNG mới trên thế giới sẽ chưa tăng lên đáng kể cho đến giữa thập niên này khi một số dự án lớn đi vào hoạt động.

Một nhà ngoại giao cấp cao của EU cho biết, khối này đang xem xét xuất áp mức trần giá đối với LNG của Nga nhưng chưa chính thức thảo luận. Trong khi đó, Anne-Sophie Corbeau, nhà nghiên cứu tại Trường Quan hệ công chúng và quốc tế thuộc Đại học Columbia (Mỹ), cho rằng nhà hoạch định chính sách châu Âu dường như đang quá tự tin về khả năng giảm nhập khẩu LNG từ Nga.

Giá khí đốt giao ngay ở châu Âu đã giảm mạnh so với mức kỷ lục hồi tháng 8 năm ngoái. Tuy nhiên, diễn biến của giá khí đốt tương lai cho thấy các thương nhân tin rằng châu Âu sẽ đối mặt thách thức để đảm bảo đủ nguồn cung.

Giá khí đốt TTF chuẩn của châu Âu, giao hàng trong quí 4 tới, tăng gần 20% trong tháng qua, lên 55 euro /MWh. Vào năm 2019, giá khí đốt TTF trung bình chỉ là 14,6 euro/MWh.

“Nếu châu Âu ngừng nhập khẩu LNG của Nga, điều này có thể dẫn đến các hậu quả cho thị trường khí đốt toàn cầu, bao gồm rủi ro trả đũa của Moscow”, Corbeau cảnh báo.

Bà ước tính, nếu dòng chảy LNG hiện tại tiếp tục duy trì, EU sẽ nhập khẩu 40 bcm khí đốt của Nga trong năm nay, với 20 bcm từ đường ống và 20 bcm từ LNG vận chuyển bằng đường biển. Bà không rõ khối này sẽ lấy nguồn cung thay thế từ đâu nếu dừng nhập khẩu khí đốt hoàn toan từ Nga.

 Theo Financial Times

 

1 BÌNH LUẬN

  1. Nguồn LNG thay thế từ Nga không khó. Vấn đề là giá cả bao nhiêu?
    Sao không thấy nói đến nguồn LNG giá rẻ thay thế ở đâu. Chắc là lại từ Mỹ?!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới