Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà máy Trung Quốc xoay xở tồn tại khi nhu cầu nội địa và nước ngoài cùng giảm

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các nhà sản xuất Trung Quốc đang “ngấm đòn” khi họ phải đóng cửa để kiểm soát Covid-19, đồng thời chịu tác động của lạm phát toàn cầu và nhu cầu trong nước lẫn nước ngoài ngày càng suy yếu.

Công nhân làm việc trong một nhà máy ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Các chủ nhà máy ở tỉnh này ghi nhận lượng đơn hàng trong tháng 10 giảm đến 50%. Ảnh: Getty

Jimmy, một doanh nhân ngành sản xuất người Trung Quốc, đang ngồi trên sàn phủ đầy bụi của nhà máy ở tỉnh Quảng Đông để tính toán số tiền mà ông vẫn còn nợ. Công nhân của ông đã được thanh toán lương lần cuối trước khi bị cho nghỉ việc. Máy móc của nhà máy đã bán và thậm chí cả đồ đạc trong văn phòng công ty cũng đã được dọn dẹp sạch sẽ khi ông đóng cửa nhà máy vào cuối tháng 10.

Jimmy nói với tờ Financial Times: “Sự sụt giảm đơn đặt hàng và việc đóng cửa liên tục là lý do khiến tôi muốn đóng cửa nhà máy. Nhưng trên hết, đó là cảm giác như không còn hy vọng và không có dấu hiệu phục hồi”.

Các chủ nhà máy ở miền nam Trung Quốc ghi nhận lượng đơn đặt hàng trong tháng 10 giảm tới 50% do hàng tồn kho ở Mỹ và châu Âu đang đầy ắp. Điều này càng cho thấy triển vọng ảm đạm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tháng 10 thường là khoảng thời gian đặc biệt bận rộn đối với lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc, nhưng sự suy giảm mạnh trong hoạt động sản xuất khiến công nhân gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm.

Tình hình này gây đau đầu thêm cho các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh khi họ đang chật vật làm dịu tác động của cuộc khủng hoảng bất động sản, các đợt phong tỏa lẻ tẻ và tâm lý người tiêu dùng yếu ớt. Tháng trước, Trung Quốc báo cáo GDP quí 3 chỉ tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mục tiêu 5,5% hàng năm.

“Đáng lẽ đây là khoảng thời gian bận rộn nhưng trong hai tháng qua, đó là khoảng thời gian tồi tệ nhất đối với ngành sản xuất Trung Quốc”, Christian Gassner, chủ một nhà máy sản xuất đồ nội thất ở Quảng Đông, nói.

Ông cho biết thêm: “Mọi người đang than vãn về những điều giống nhau. Đơn đặt hàng đang giảm 30-50% trong một số ngành nhất định. Nhiều người đang đóng cửa nhà máy của họ”.

Alan Scanlan, một doanh nhân tại Hồng Kông, người đang tìm nguồn cung ứng bên ngoài miền nam Trung Quốc, cho biết sự suy giảm đơn hàng ở các nhà máy của Trung Quốc là kết quả tất yếu của sự chấm dứt cơn bùng nổ thương mại điện tử sau khi họ mua hàng dự trữ quá nhiều trong năm 2022.

Ví dụ, hồi tháng 9, hãng đồ thể thao Nike báo cáo hàng tồn kho ở Bắc Mỹ của hãng vào cuối quí tăng 65% so với năm trước.

Tháng trước, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Trung Quốc đã giảm nhiều hơn dự kiến, xuống còn 49,2 điểm từ mức 50,1 điểm trong tháng 9.

Dữ liệu chính thức công bố hôm 7-11 cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc giảm 0,3% trong tháng 10, dù trước đó đã được dự đoán tăng 4,5%. Các nhà kinh tế nhận định sự sụt giảm là do lượng đơn đặt hàng giảm cũng như các đợt phong tỏa kiểm soát Covid-19.

Gary Ng, nhà kinh tế tại Ngân hàng Natixis, nói: “Chúng ta đang ở trong một tình huống mà nhu cầu nội địa của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa. Thêm vào đó là nhu cầu bên ngoài suy giảm. Chúng tôi nhận thấy nhu cầu hàng hóa Trung Quốc đang yếu hơn từ châu Âu và Mỹ do lãi suất tăng trên toàn cầu. Vì vậy, tình hình trở nên khó khăn đối với các tỉnh ở miền nam, vốn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc”.

Một quan chức giấu tên ở thành phố Đông Hoản, một trung tâm sản xuất ở tỉnh Quảng Đông, cho biết các chính quyền địa phương đang gặp khó khăn trong việc duy trì hỗ trợ cho các nhà máy vì họ cũng phải chi nhiều ngân sách cho các đợt xét nghiệm Covid-19 hàng loạt.

Ông nói: “Chúng tôi phải làm gì? Chấp nhận để cho các nhà máy và nền kinh tế địa phương suy sụp và lãng phí tất cả tiền thuế của người dân vào các cuộc xét nghiệm Covid-19 kéo dài vô tận?”.

Christian Gassner, chủ nhà máy sản xuất đồ nội thất ở Quảng Đông, cho biết một số ngành đã bị tác động nặng nề nhưng các nhà sản xuất hàng điện tử và năng lượng tái tạo lại không bị ảnh hưởng lớn. Thị trường việc làm của Trung Quốc vẫn đang suy thoái. Theo các chủ quản lý nhà máy, hiện tại, rất dễ dàng tuyển dụng công nhân chỉ trong một thời gian ngắn.

Danny Lau, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hồng Kông, người điều hành một nhà máy sản xuất nhôm ở Đông Hoản, nói: “Khi đơn đặt hàng giảm, chúng tôi buộc phải cắt giảm chi phí và một trong những khoản chi lớn nhất cần phải cắt giảm là lương của công nhân. Đầu năm ngoái chúng tôi có hơn 200 công nhân, nhưng năm nay chỉ còn khoảng 100 công nhân”.

Chen, 24 tuổi, công nhân của một nhà máy có trụ sở tại Quảng Đông, chuyên cung cấp hàng hóa cho các siêu thị trên toàn cầu, chứng kiến thu nhập giảm xuống còn 50.000 nhân dân tệ (6.886 đô la Mỹ) trong năm nay so với 80.000 nhân dân tệ trong năm trước do số giờ làm việc bị cắt giảm.

Chen ước tính đơn đặt hàng tại công ty anh giảm tới 40% kể từ tháng 4 so với một năm trước đó. Anh nói: “Khách hàng đang mất niềm tin. Họ không dám đặt tất cả nguồn lực vào Trung Quốc nữa”.

Căng thẳng Mỹ-Trung cùng với lương công nhân tăng cũng thúc đẩy các chuỗi cung ứng sản xuất rời Trung Quốc để sang Đông Nam Á.

“Không còn thuận lợi khi sản xuất ở Trung Quốc nữa vì người Mỹ không còn ham muốn hàng sản xuất tại nước này. Vì vậy, tốt nhất là chúng tôi nên chấm dứt các hoạt động ở Trung Quốc”, Suki So, Giám đốc điều hành Everstar Merchandis có trụ sở tại Hồng Kông, người đang có kế hoạch đóng cửa nhà máy ở Quảng Đông, nói.

Bà cho biết đang chuyển các nhà máy còn lại từ Trung Quốc sang Đông Nam Á để sản xuất đèn trang trí Giáng sinh.

Bà nói: “Nhu cầu đối với các mặt hàng không thiết yếu như đồ nội thất đang giảm do thu nhập của người Mỹ ngày càng giảm. Chúng tôi đã phải thuê nhà kho trong năm nay để cất giữ hàng hóa đã hoàn thiện”.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới