Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhà nhập khẩu châu Âu chuộng xe tải khi lấy hàng từ Trung Quốc

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Khoảng 2/3 hàng hóa vận tải đường biển từ Trung Quốc đi châu Âu đã đến trễ trong tháng 8 rồi, một kỷ lục cao theo dữ liệu từ hãng Sea Intelligence của Đan Mạch. Thời gian chậm trễ trung bình là 7,6 ngày, cũng là một đỉnh kỷ lục mới.

Đường sắt vẫn chậm, đường hàng không quá mắc, chính vì thế các chuyến xe tải chở hàng trở thành cứu cánh cho các nhà nhập khẩu châu Âu trước các dịp lễ mua sắm lớn sắp tới.

Tuyến vận chuyển bằng xe tải từ Trung Quốc – Kazakhstan – Nga đến Ba Lan trong 13 ngày. Ảnh: Emerging Europe.com

Lựa chọn mới của nhà kinh doanh

Nhà phân phối Hamm Market Solutions phải bảo đảm rằng bộ sưu tập thời trang thu đông 2021 từ nhà cung ứng ở Quảng Đông phải đến kịp thị trường Đức. Bởi nếu không, hãng phải bán đổ bán tháo 84.000 đôi giày dép không còn hợp thời.

Werner Prigandt, người phụ trách logistics của Hamm, biết rõ rằng việc vận chuyển giày dép bằng đường biển có nhiều rủi ro, bởi theo suy đoán thông thường của Prigandt, các cảng biển bị tắc nghẽn, khiến hàng ứ đọng và tình trạng thiếu hụt container vẫn còn trầm kha.

Một số nhà xuất khẩu châu Âu đã bắt đầu quay sang sử dụng đường sắt như phương tiện vận chuyển thay thế cho đường biển. Nhưng Prigandt lo rằng ông vẫn sẽ gặp khó khăn trong việc dùng tàu hỏa để vận chuyển các container hàng hóa. Gửi giày dép đi bằng đường không thì lại quá đắt đỏ.

Vì thế, vào tháng 7 vừa rồi, nhà cung ứng của Hamm đã đưa hàng lên 12 chiếc xe tải lớn. Trong số này, 11 chuyến đã giao đến các trụ sở của công ty ở thị trấn Osnabruck thuộc vùng Tây Bắc nước Đức. Đầy bụi bặm nhưng vẫn nguyên vẹn, và Hamm có thể phân phối các lô giày dép đến các cửa hàng trong tháng rồi.

“Xe tải chạy tuyến Trung Quốc – châu Âu chở các container hàng rời, và các kiện này không đóng gói chắc chắn và để trên các kệ pallet gỗ. Mặc dù một xe tải bị kẹt ở biên giới Trung – Nga gần Mãn Châu Lý bởi đơn hàng bị dồn cục do ảnh hưởng của đợt bùng phát Covid-19, chúng tôi vẫn rất hài lòng”, Prigandt nói với Nikkei Asia.

Giải pháp xe tải nổi bật dù giá cước tăng

Vận chuyển hàng bằng xe tải trong năm nay trở nên nổi bật và được lòng các nhà nhập khẩu châu Âu đang ráo riết tìm các lựa chọn vận chuyển mới khi có lúc cước tàu biển tăng vọt gần 10 lần và thiếu hụt nghiêm trọng container rỗng để đóng hàng trong gần hai năm qua.

Vận chuyển hàng bằng đường sắt từ Trung Quốc đi châu Âu cũng chậm chạp hơn thường lệ. Sự chậm trễ này là hệ quả tổng hợp của việc tắt nghẽn hàng ở vùng Tây Bắc khu vực Tân Cương và sửa chữa đường ray ở Ba Lan, mà phần lớn các tuyến chở hàng đi Tây Âu đều phải chạy qua Tân Cương và Ba Lan. Tình hình khiến thời gian vận chuyển hàng kéo dài thêm một tuần hoặc hơn.

Bên cạnh đó, cước tàu biển vận chuyển một container từ châu Á đến Bắc Âu đã tăng hơn 6 lần so với năm ngoái, với chỉ sổ Freightos Baltic Index đạt 14.492 đô la trong tuần rồi.

Cước hàng không từ Trung Quốc đi châu Âu là yếu tố không thể mặc cả, bởi giá tăng hơn 50% so với năm trước – theo chỉ số Baltic Exchange Air Freight Index. Chi phí ròng một ký lô là 42,42 nhân dân tệ (6,63 đô la), đã giảm từ điểm đỉnh 48,31 tệ của tháng trước.

Phí vận chuyển xe tải cũng gia tăng, nhưng đối với những nhà nhập khẩu có lịch giao hàng rất nhạy cảm như Hamm, giá biểu như thế lại hấp dẫn. Theo dữ liệu của hãng vận chuyển hàng Doerrenhaus của Đức, cước phí xe tải từ Trung Quốc có thể đắt gấp đôi cước tàu biển, nhưng thời gian vận chuyển chỉ bằng 1/3 đến 1/2 trong những ngày trước dịp mua sắm lớn nhất trong năm là Black Friday và Giáng sinh.

Một loạt các hãng logistics châu Âu – gồm Doerrenhaus, Hellmann Worldwide Logistics và DHL International – đã khai trương dịch vụ xe tải Trung Quốc – châu Âu trong nửa cuối năm 2020, bởi thiếu hụt năng lực và gián đoạn trong ngành vận tải biển đã trở nên rõ nét hơn.

DHL mỗi tuần có 30-50 xe tải chạy về phương Tây, trong khi tần suất dịch vụ của Doerrenhaus đạt đỉnh khoảng 30 xe trong tháng 6 và tháng 7-2021.

Hellmann và một số nhà điều hành khách chuộng sử dụng xe tải để đưa hàng từ các trung tâm sản xuất ven biển của Trung Quốc đến sát biên giới với Nga. Tại đây, hàng được chuyển từ các xe tải Trung Quốc sang các xe do tài xế Nga hoặc Belarus lái một mạch đến Tây Âu.

“Chất lượng đường cao tốc gần khu vực biên giới Trung Quốc tốt. Các xa lộ của Nga và Kazakh cũng khá tốt, chỉ còn việc thông quan hàng là có thể tắc nghẽn. Các chuyến xe hàng cho châu Âu đều suôn sẻ, trừ phi có một ca nhiễm Covid-19 nào đó”, theo Dieter Mauritz, người phụ trách các giải pháp bằng xe tải của Hellmann.

Mỗi chiếc xe tải thường chở một container tàu biển tiêu chuẩn hoặc số lượng hàng hóa tương đương chất trên xe rơ-móc. Giới hạn kích cỡ kiện hàng đều thấp hơn các kiện gửi bằng đường biển và đường sắt, và vì thế hàng chở bằng xe tải lại không được chuộng theo các tiêu chuẩn về khí phát thải.

Thông qua lô hàng giày dép của Hamm, Hellman nhận ra nhu cầu cao trong việc vận chuyển các mặt hàng thời vụ cho lễ hội Halloween và lễ Giáng sinh cũng như linh kiện xe hơi, các sản phẩm gia dụng trong các đợt khuyến mại tại siêu thị và cả loại hàng hóa nguy hiểm như pin lithium-ion.

“Khách hàng của chúng tôi phần lớn là các nhà cung ứng hàng rẻ tiền hay giảm giá ở Đức. Họ lo ngại sẽ bị mất khách, mất doanh số nếu các lô hàng bị kẹt trong các container tàu biển hay đường sắt”, Tổng giám đốc Adrian Boenisch của Doerrenhaus phát biểu.

Ước đoán thời gian và cước phí vận chuyển lượng hàng 24 tấn từ vùng bờ biển phía Đông Trung Quốc đến Đức. Hàng không: 2-12 ngày, 150.000 đô la. Xe tải: 15-24 ngày, 29-37.000 đô la. Đường sắt: 15-18 ngày, 20.000 đô la. Đường biển: 40-50 ngày, 15.000 đô la. Nguồn: Doerrenhaus / Đồ họa: Nikkei Asia

Đường bộ gấp đôi năng lực đường sắt

Vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt được quan tâm nhiều hơn trong những năm gần đây. Nhưng dữ liệu do hãng nghiên cứu HIS Markit tổng hợp cho thấy vận tải hàng hóa đường bộ từ Trung Quốc đi châu Âu đã vượt qua vận tải đường sắt. Năm ngoái, EU và Anh đã nhập hơn 41 tỉ đô la giá trị hàng hóa từ Trung Quốc bằng đường bộ, gấp đôi số hàng đi bằng đường sắt.

Vận tải biển đã giảm thị phần trong năm ngoái do những gián đoạn của chuỗi cung ứng vận tải biển. Nhưng đây vẫn là phương tiện vận chuyển hàng hóa chủ chốt từ Trung Quốc đi châu Âu, đặc biệt là đối với hàng nhập khẩu theo trọng lượng. Vận tải hàng hóa bằng đường không thường dành cho các mặt hàng có giá trị cao, cũng vượt xa vận chuyển đường bộ.

Vận chuyển hàng bằng xe tải đã tăng vọt trong năm nay. Theo Liên hiệp vận tải đường bộ (IRTU) có trụ sở ở Geneva, nhập khẩu của EU từ Trung Quốc bằng đường bộ theo trọng lượng đã tăng 33% trong tám tháng đầu năm 2021, tăng gấp ba so với tỷ lệ chung.

Các nhà điều hành châu Âu hiện nhận thấy các dấu hiệu hạ nhiệt đối với nhu cầu chở hàng bằng xe tải sau đợt cao điểm vận chuyển hàng trước Giáng sinh giữa lúc cước tàu biển và cước vận tải đường không đều sụt giảm. Họ dự báo rằng mối quan tâm đến vận tải đường bộ vẫn sẽ tiếp tục cho đến khi ngành vận tải biển hoạt động như bình thường trước dịch.

“Điều này có thể mất hơn một năm”, ông Mauritz nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới