(KTSG Online) – Đồng nhân dân tệ (NDT) giao dịch ở thị trường quốc tế giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đô la Mỹ, còn NDT giao dịch ở thị trường trong nước của Trung Quốc cũng rơi về mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
- Nhân dân tệ giảm giá kéo dài, đe dọa phá giá tiền tệ ở các thị trường mới nổi
- Nhân dân tệ giảm mạnh, Trung Quốc phải hạ dự trữ ngoại hối ở các ngân hàng
NDT vẫn tiếp tục suy yếu bất chấp các nỗ lực gần đây của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) nhằm vực dậy đồng nội tệ. Giới chức trách cho rằng NDT giảm giá nhanh phần lớn là do đô la Mỹ tăng mạnh, chứ không phải là do các vấn đề kinh tế trong nước. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định Trung Quốc có thể sớm giảm tốc độ nới lỏng tiền tệ để kiểm soát đà giảm giá của NDT.
NDT ở nước ngoài, được lưu hành bên ngoài Trung Quốc đại lục và được giao dịch tự do hơn so với NDT ở thị trường trong nước, giảm xuống mức 7,2386 ăn 1 đô la trong phiên giao dịch trưa 28-9, theo giờ châu Á. Đây là mức tỷ giá yếu nhất của NDT trên thị trường quốc tế kể từ khi các ngân hàng thanh toán bù trừ ở Hồng Kông được phép mở tài khoản nhân dân tệ tự do vào năm 2010. Trong năm nay, NDT ở nước ngoài đã giảm giá 12% so với đồng bạc xanh.
Trong khi đó, NDT ở thị trường trong nước, không được chuyển đổi tự do và bị giới hạn tăng giảm trong biên độ 2% so với mức ấn định tỷ giá tham chiếu mà PBoC thiết lập mỗi ngày, cũng tiếp tục giảm và rơi xuống mức thấp nhất trong 14 năm, 7,2297 ăn 1 đô la.
Thông điệp tăng lãi suất ngày càng mạnh mẽ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong nỗ lực chống lạm phát đã khiến nhà đầu tư đổ xô mua đô la, khiến đồng tiền này đạt mức cao kỷ lục hoặc cao nhất trong nhiều thập niên so với các đồng tiền lớn khác.
NDT tiếp tục mất giá bất chấp những nỗ lực gần đây của PBoC nhằm bảo vệ giá trị đồng nội tệ mà không can thiệp trực tiếp, bao gồm yêu cầu các ngân hàng nâng tỷ lệ dự trữ rủi ro ngoại hối từ 0% lên 20% khi họ thực hiện các hợp đồng giao dịch NDT kỳ hạn. Động thái này sẽ khiến các tổ chức tài chính tốn chi phí nhiều hơn khi bán khống nhân dân tệ. Nói một cách đơn giản, nếu một ngân hàng muốn bán 10 tỉ đô la trị giá NDT trên thị trường ngoại hối thông qua các hợp đồng kỳ hạn, ngân hàng đó trích lập dự trữ 2 tỉ đô la với PBoC.
Nền kinh tế Trung Quốc chịu áp lực trong những tháng gần đây bởi các hạn chế liên quan Covid-19, thời tiết khắc nghiệt và thị trường bất động sản sụt giảm.
Tốc độ tăng trưởng giảm mạnh đã khiến Bắc Kinh phải công bố một loạt biện pháp nới lỏng định lượng trong những tháng gần đây để kích thích kinh tế nhưng điều đó lại gây sức ép lên NDT khi Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Sự khác biệt về chính sách giữa PBOC và Fed đã thúc đẩy dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc, khiến NDT giảm giá.
Điều đó sẽ gây khó khăn hơn nữa cho các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm củng cố nền kinh tế. Trong báo cáo công bố hôm 28-9, Ngân hàng Thế giới dự báo Trung Quốc chỉ tăng trưởng 2,8% trong năm nay.
Các nhà phân tích của Công ty Tianfeng Securities cho rằng việc NDT giảm giá liên tục sẽ khiến PBoC phải chú ý hơn nữa đến việc cân bằng giữa chính sách kích thích trong nước và các chính sách ngoại hối của mình. Điều này có nghĩa là PBoC ít có khả năng giảm lãi suất trong những tháng còn lại của năm 2022.
“PBOC đã tìm cách làm chậm tốc độ mất giá của NDT trong vài tuần qua, đặc biệt là khi cặp tỷ giá NDT/đô la Mỹ di chuyển quá nhanh. Về mặt tiền tệ, việc giảm giá nhanh chóng hạn chế dư địa để PBoC giảm lãi suất thêm nữa trong tương lai gần”, Betty Wang, nhà kinh tế cao cấp ở Ngân hàng ANZ, nói.
Ngân hàng AZN dự báo PBoC sẽ không giảm lãi suất trong quí 4 nhưng có thể hạ tỷ lệ dữ trữ bắt buộc ở các ngân hàng thương mại để bù đắp bất kỳ khoảng trống thanh khoản nào.
Đồng tình với nhận định này, Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng ở Công ty Pinpoint Asset Management cho rằng dư địa để PBoC nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa, đặc biệt là về khía cạnh giảm lãi suất, đã bị hạn chế. Ông nói: “Tính hiệu quả của nới lỏng tiền tệ cũng đang bị hoài nghi”.
Theo Zhiwei, chính sách tiền tệ chỉ phần nào hỗ trợ giải quyết các vấn đề của lĩnh vực bất động sản và chính sách ‘zero Covid-19’, do vậy, PBoC không thể giải quyết triệt để các vấn đề này nếu chỉ dựa vào giảm lãi suất
Joseph Capurso, người đứng đầu bộ phận kinh tế quốc tế và bền vững tại Ngân hàng Thịnh vượng Úc (CBA) cho rằng sư khác biệt chính sách giữa PBoC và Fed hoàn toàn không phải là vấn đề lớn.
Ông nói đà giảm giá của NDT sẽ hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu ở Trung Quốc vì điều đó giúp hàng hóa của họ rẻ hơn và cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế
Tuy nhiên ông cũng lưu ý, xuất khẩu chỉ chiếm 20% nền kinh tế Trung Quốc, vì vậy, NDT yếu sẽ không giúp xoay chuyển tình trạng suy yếu cơ bản trong nước chủ yếu do chiến lược ‘zero-Covid’ và cuộc khủng hoảng bất động sản gây ra.
Nhân dân tệ yếu hơn cũng có thể thúc đẩy các nhà đầu tư rút tiền khỏi Trung Quốc và gây bất ổn thị trường tài chính, điều mà các quan chức Trung Quốc sẽ muốn tránh khi Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 diễn ra vào tháng tới.
Theo AFP, Bloomberg