Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhân dân tệ kỹ thuật số có thể giúp Trung Quốc lật đổ đồng đô la không?

Nguyễn Phán

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - “Để Trung Quốc được ngủ yên, vì lúc họ tỉnh giấc, họ sẽ làm xoay chuyển thế giới”

Napoleon Bonaparte

Trung Quốc đang tiến đến một kế hoạch thực tế hơn cho việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, tập trung vào những điểm mạnh của Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại và tài chính.

Việc sử dụng đồng nhân dân tệ cho thanh toán thương mại và huy động vốn qua biên giới tăng từ năm 2022, cùng lúc với cuộc xung đột Nga-Ukraine và các lệnh cấm vận của phương Tây áp đặt lên Nga sau đó. Tuy nhiên, việc sử dụng đồng nhân dân tệ như một khoản đầu tư đã giảm từ năm 2022, cả về tỷ lệ dự trữ ngoại hối và tài sản được định giá bằng đồng tiền này trên lãnh thổ Trung Quốc được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nước ngoài.

Vẫn còn những hạn chế rõ ràng có thể ngăn cản quá trình quốc tế hóa đầy đủ của đồng nhân dân tệ. Tuy vậy, cách tiếp cận không chính thống của Trung Quốc trong việc quốc tế hóa đồng tiền của họ có thể thành công khi giới hạn sử dụng đồng đô la ngày càng hẹp lại. Tầm ảnh hưởng của nhân dân tệ lên đô la, euro, và các hệ thống tiền tệ quốc tế là một câu hỏi cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc.

Trung Quốc là một cường quốc kinh tế không chỉ trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu, mà còn về quy mô của lĩnh vực tài chính với 60.000 tỉ đô la tài sản, tương đương 340% của GDP quốc gia này. Các ngân hàng Trung Quốc cũng dẫn đầu danh sách các tổ chức hệ thống tài chính toàn cầu, với mối quan hệ mật thiết với hệ thống tài chính của nhiều quốc gia có mối quan hệ kinh tế. Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ lại ít được sử dụng quốc tế.

Có ba lý do chính cho điều này. Đầu tiên, đồng nhân dân tệ không hoàn toàn có thể chuyển đổi tự do, nghĩa là nó không thể tự do lưu thông trên thế giới. Thứ hai, khuôn khổ pháp lý xung quanh thanh toán bằng đồng nhân dân tệ là không chắc chắn. Thứ ba, thị trường tài chính của Trung Quốc, đặc biệt là thị trường trái phiếu, ít thanh khoản hơn so với thị trường Mỹ, và không có nhiều kỳ vọng điều này sẽ thay đổi trong tương lai gần.

Theo nhà cung cấp dịch vụ thông tin tài chính Swift, tỷ lệ thanh toán bằng đồng nhân dân tệ trong tổng số giao dịch xuyên biên giới đã tăng không đáng kể trong nửa đầu năm 2023, chỉ đạt 3%, so với 46% của đồng đô la và 24% của euro.

Các mối liên kết thương mại và tài chính với Trung Quốc là những nguyên nhân chính đẩy mạnh việc sử dụng đồng nhân dân tệ xuyên biên giới, nhưng chỉ đối với các quốc gia tham gia vào Dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI). Nói cách khác, quá trình quốc tế hóa của đồng nhân dân tệ không chỉ đơn thuần là một quá trình hội nhập tự nhiên, mà có vẻ bị ảnh hưởng bởi lựa chọn chính sách kinh tế.

Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, bằng việc cho phép nhận tiền gửi bằng đồng nhân dân tệ ngoài biên giới (được gọi là đồng CNH để phân biệt với đồng tiền nội địa được gọi là CNY). Nhưng khủng hoảng thị trường chứng khoán năm 2015 và việc phá giá đồng nhân dân tệ đã dẫn đến sự giảm sút đột ngột của tiền gửi CNH tại Hồng Kông, cùng với đó là thất bại trong quá trình quốc tế hóa đồng tiền mà chính quyền Trung Quốc ấp ủ.

Sau thất bại trên, mục tiêu tiếp theo của Trung Quốc thúc đẩy sự gia nhập của đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ đặc biệt (SDR) của IMF, sánh bước với đồng đô la, đồng euro, đồng yen và đồng bảng Anh.

Mặc dù bước đi này quan trọng, nhưng phần trăm SDR trong dự trữ tiền tệ nước ngoài của các ngân hàng trung ương là không đáng kể, mặc dù đồng nhân dân tệ chiếm 10,9% trong tập hợp tiền tệ của IMF. Điều này có nghĩa là nhu cầu mới về đồng nhân dân tệ vẫn còn hạn chế.

Bước tiếp theo để tăng nhu cầu quốc tế cho đồng nhân dân tệ là thiết lập các kênh đầu tư vào thị trường tài chính của Trung Quốc. Chứng khoán Hồng Kông-Thượng Hải, bắt đầu hoạt động vào tháng 11-2014, được đưa vào hoạt động nhằm đưa các nhà đầu tư nước ngoài đến các sàn giao dịch chứng khoán của Trung Quốc thông qua kết nối chứng khoán Hồng Kông. Một điểm đầu tư tương tự đã được tạo ra cho các nhà đầu tư trái phiếu nước ngoài vào năm 2017, gọi là kết nối chứng khoán và trái phiếu. Thế nhưng cả hai đều đang hoạt động ở mức cực thấp so với các sàn giao dịch tương tự ở Nhật Bản (3-4% của tài sản định giá bằng đồng nhân dân tệ được nắm giữ bởi các tổ chức tài chính nước ngoài so với 9-10% tài sản bằng đồng yen của Nhật Bản). Tỷ phần trái phiếu mệnh giá nhân dân tệ giảm nhiều kể từ năm 2022.

Sau khi ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016, Trung Quốc càng có thêm lý do để mở rộng việc sử dụng đồng nhân dân tệ quốc tế, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào tài sản bằng đồng đô la, đặc biệt là trái phiếu Chính phủ Mỹ, để đối phó với các biện pháp mà ông Trump áp dụng kiềm chế Trung Quốc. Sau đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden thậm chí còn áp đặt các hạn chế nhiều hơn cả thời kỳ của ông Trump.

Trong bối cảnh này, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào đồng đô la trong thương mại và tài chính đã được các lãnh đạo Trung Quốc xác định là một điểm yếu cần cải thiện. Đây là lý do tại sao dự án quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, vốn đã bị gác lại để ưu tiên các nhiệm vụ cấp bách hơn, đã được quan tâm trở lại với một chiến lược hoàn toàn khác biệt bằng việc sử dụng đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC).

Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số được thiết kế để thay thế tiền mặt đang lưu thông trong lãnh thổ Trung Quốc, nhưng các hiệp định đã được ký kết với một số ngân hàng trung ương như Thái Lan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), nhằm thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền này trong các giao dịch xuyên biên giới.

Ngoài ra, việc liên kết với Swift cũng cho thấy tham vọng của Trung Quốc trong thúc đẩy phổ biến toàn cầu cho đồng tiền kỹ thuật số mới và để đồng nhân dân tệ từng bước trở thành một đồng tiền dự trữ. Điều này được hỗ trợ bởi xung đột Nga-Ukraine, làm cho lượng giao dịch bằng nhân dân tệ tăng vọt kể từ sau tháng 2-2022, cũng giúp hỗ trợ việc sử dụng đồng Nhân Dân Tệ qua biên giới.

Tuy nhiên, việc sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số trong hoạt động thanh toán xuyên biên giới đã gặp khó khăn do sự giảm thiểu trong số người ra nước ngoài do đại dịch Covid-19, đặc biệt là du khách Trung Quốc - đối tượng được kỳ vọng sẽ sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số cho thanh toán quốc tế tại những nước đã ký thỏa thuận với Trung Quốc là Thái Lan và UAE. Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đã không được đón nhận như mong đợi, thậm chí ngay cả trong thị trường nội địa của Trung Quốc.

Dù vậy, Trung Quốc vẫn tiếp tục có động lực mới để duy trì quá trình quốc tế hóa nhân dân tệ sau phản ứng của phương Tây đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine. Trung Quốc đã tận dụng cơ hội này để nâng cao nỗ lực thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ như một đồng tiền thay thế cho thanh toán quốc tế, trước hết là để thanh toán cho hoạt động nhập khẩu của mình. Đến nay, gần 30% sản lượng nhập khẩu của Trung Quốc được định giá bằng đồng nhân dân tệ, trong khi thương mại hàng hóa của Trung Quốc được định giá bằng đồng tiền này cũng đạt 23%, theo Sở Quản lý dự trữ ngoại hối của Trung Quốc (SAFE).

Quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ cũng hưởng lợi từ việc tăng lãi suất ở Mỹ kể từ năm 2022. Khi chi phí vay đồng đô la cao hơn, nhiều người vay đã chuyển sang đồng nhân dân tệ, thể hiện qua sự tăng đột ngột của tỷ lệ đồng tiền này trong các khoản vay của các ngân hàng và tổ chức tài chính của Trung Quốc ở nước ngoài. Hơn nữa, chính sách siết chặt thanh khoản của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng buộc các tổ chức tài chính nước ngoài phải sử dụng kênh nhân dân tệ mà PBoC đã mở rộng cho các cơ quan tiền tệ của 40 quốc gia. Các đường trao đổi này vốn ít khi được sử dụng, nay đã bắt đầu tăng ở những quốc gia có dự trữ ngoại hối giảm.

Tuy nhiên, cũng có những lĩnh vực mà việc sử dụng đồng nhân dân tệ quốc tế vẫn đang trì trệ hoặc thậm chí giảm đi, tập trung nhiều vào phân khúc đầu tư, dù là đầu tư tư nhân hay chính thức. Tỷ lệ giao dịch bằng đồng nhân dân tệ trong thị trường dầu mỏ cũng hầu như không tăng, dù Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và có các thỏa thuận cụ thể cho việc thanh toán bằng đồng nhân dân tệ với các nhà xuất khẩu lớn (từ Nga đến Ả Rập Saudi).

Những năm qua, Trung Quốc tích cực sử dụng đồng nhân dân tệ để tài trợ cho các nền kinh tế mới nổi và điều này có thể ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống tiền tệ quốc tế. Nếu Trung Quốc đẩy mạnh việc thành lập Quỹ Tiền tệ châu Á, giống như Chính phủ Nhật Bản đã làm sau khủng hoảng tài chính châu Á, thì đồng nhân dân tệ có thể trở thành đồng tiền tham chiếu cho Quỹ Tiền tệ châu Á, đúng với mục đích mà Bắc Kinh dành cho loại tiền tệ này.

 

Nếu bạn đọc có ý kiến hoặc quan tâm tới bài viết, vui lòng gửi email trực tiếp vào hộp thư của tác giả tại nguyenphan3777@gmail.com.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới