(KTSG Online) - Đồng yen tăng mạnh so với đồng đô la Mỹ trong phiên giao dịch chiều 22-9, sau khi giới nhà chức trách Nhật Bản can thiệp vào thị trường ngoại hối lần đầu tiên kể từ năm 1998 để chặn đứng đà suy giảm của đồng nội tệ, vốn giảm đến 22% trong năm nay.
- Các đồng tiền châu Á lao dốc sau khi Fed báo hiệu tiếp tục tăng lãi suất
- Giới hạn tăng lãi suất của Fed và áp lực lên mặt bằng lãi suất tại Việt Nam
- Nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, Fed tiếp tục mạnh tay tăng giá đô la
Vào lúc 6 giờ chiều nay, theo giờ Tokyo, đồng yen tăng 1,7% lên mức 141,71 yen ăn 1 đô la Mỹ sau khi giảm đến mức 145,87 ăn 1 đô la Mỹ trong phiên sáng, mức thấp mới trong 24 năm qua.
Các nhà giao dịch cho biết hành động can thiệp được thực hiện khoảng sau 5 giờ chiều, giúp đồng yen có lúc tăng mạnh đến 2,2%, 140,31 ăn 1 đô la Mỹ.
Phát biểu với các phóng viên, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề quốc tế của Bộ Tài chính Nhật Bản Masato Kanda xác nhận chính phủ đã can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối bằng cách bán đô la Mỹ để mua vào đồng yen nhằm ngăn chặn đà sụt giảm của đồng nội tệ. Ông nói chính phủ buộc phải hành động dứt khoát để chặn đứng đà giảm một chiều của đồng yen.
Động thái can thiệp diễn ra sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục, -0,1%, dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lần thứ 3 liên tiếp tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản.
“Với việc BoJ củng cố chính sách tiền tệ rất lỏng lẻo, điều đó cũng đã xảy ra ngay sau khi Fed báo hiệu tiếp tục tăng lãi suất, tôi nghĩ rằng các yếu tố cơ bản sẽ thúc đẩy tỷ giá đô la Mỹ so với đồng yen lên mức cao hơn. Nhưng bằng cách can thiệp thị trường ngoại hối, chính phủ Nhật Bản đang phát đi tín hiệu tỷ giá đô la Mỹ sẽ không dễ dàng tăng nữa”, Jane Foley, người đứng đầu chiến lược tiền tệ của Ngân hàng Rabobank, nhận xét.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu hành động đơn phương của Nhật Bản có hiệu quả hay không.
Christopher Wong, nhà chiến lược tiền tệ tại Ngân hàng OCBC (Singapore), nhận định: “Hành động của chính phủ Nhật Bản có thể giúp làm chậm tốc độ giảm giá của đồng yen. Nhưng chỉ động thái can thiệp thôi thì không có khả năng làm thay đổi xu hướng trừ khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ quay đầu giảm hoặc BoJ thay đổi chính sách tiền tệ”.
Can thiệp tiền tệ là một động thái ngoại lệ đối với Nhật Bản, nước từ lâu đã bị các đối tác thương mại chỉ trích vì đã dung túng hoặc thậm chí khuyến khích đồng nội tệ suy yếu để tạo lợi thế cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu trong nước. Lần gần đây nhất mà Nhật Bản đã củng cố sức mạnh cho đồng yen bằng cách can thiệp trực tiếp là trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, khi tỷ giá đồng yen rơi xuống mức 146 ăn 1 đô la Mỹ.
Đồng yen là tiền tệ có hiệu suất kém nhất trong nhóm tiền tệ của G10 (10 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất và có tính thanh khoản cao nhất trên thị trường ngoại hối). Các doanh nghiệp và hộ gia đình Nhật Bản ngày càng lo ngại về tác động tiêu cực từ việc đồng yen giảm giá vì điều này sẽ khiến chi phí đầu vào sản xuất và năng lượng tăng vọt. Nếu đồng yen giảm thêm nữa, BoJ và chính phủ Nhật Bản sẽ chịu sức ép rất lớn khi họ đang xoay sở kiềm chế lạm phát và tránh một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cho người dân.
Chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi của Nhật Bản, không bao gồm giá thực phẩm, trong tháng 8 tăng 2,8%, tốc độ tăng nhanh nhất trong gần 8 năm do giá hàng hóa tăng cao và đồng yen yếu hơn.
Jian Hui Tan, nhà chiến lược của Công ty Informa Global Markets, cho biết: “Giờ đây, chúng ta có thể thấy một số nhà giao dịch thoát khỏi vị thế bán khống đồng yen, đặc biệt nếu BoJ tiếp tục thay mặt Bộ Tài chính Nhật Bản để can thiệp vào thị trường ngoại hối vào đầu tuần tới”.
Jian Hui Tan cho rằng hành động can thiệp này đã cho phép Nhật Bản “câu giờ” với hy vọng sức mạnh của đô la Mỹ sẽ giảm phần nào và bất kỳ đà giảm giá nào của đồng yen cũng có thể chậm lại.
Naka Matsuzawa, Giám đốc chiến lược vĩ mô của Ngân hàng Nomura, nói có hai điều cần phải quan sát: Thứ nhất, Mỹ sẽ phản ứng như thế nào và thứ hai, Thủ tướng Fumio Kishida sẽ nói gì về hành động can thiệp ngoại hối.
Matsuzawa cho biết: “Tôi nghĩ rằng giờ đây Nhật Bản rất khó để nhận được thông điệp hoan nghênh từ Mỹ về sự can thiệp này trong khi BoJ vẫn không thay đổi lập trường nới lỏng tiền tệ và Mỹ muốn đồng đô la Mỹ mạnh để kiềm chế lạm phát”.
Theo Bloomberg, Reuters
Mong rằng đồng yên không rơi xuống mức 145 yên ăn 1 đô la nữa. Sức chịu đựng của người dân và người nước ngoài tại Nhật là có giới hạn!