Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày bị phạt vì giao hàng chậm

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhiều doanh nghiệp dệt may và da giày tham gia khảo sát cho biết họ bị một số nhãn hàng phạt vì giao hàng chậm trong năm 2021. Trong khi đó, các đơn hàng mùa mới năm 2022 đã bị đối tác cho tạm dừng hoặc giảm số lượng.

Thông tin trên từ một cuộc khảo sát được nêu ra tại chương trình đối thoại chung sức vì sự phục hồi bền vững ngành dệt may- da giày Việt Nam diễn ra chiều ngày 8-10. Chương trình do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO) phối hợp đồng tổ chức.

Sản xuất của một doanh nghiệp dệt may. Ảnh minh họa: TL.

Buổi đối thoại nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu đánh giá tác động của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đến doanh nghiệp và người lao động ngành dệt may – da giày, từ đó đưa ra các giải pháp hỗ trợ ngành dệt may – da giày phục hồi sản xuất bền vững.

VITAS, LEFASO và nhóm nhóm Hợp tác công tư (PPP) thực hiện khảo sát trong tháng 9-2021 với 256 doanh nghiệp dệt may, giày dép và hàng trăm công nhân hai ngành này. Theo bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Lao động (ERC), kết quả cho thấy trong thời gian dịch bệnh thực hiện việc sản xuất 3 tại chỗ, với mỗi người lao động doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày phải chi thêm trung bình 2,2 triệu đồng/tuần cho 3 khoản gồm phụ cấp, ăn ở và xét nghiệm.

Như vậy theo bà Chi, nếu duy trì sản xuất 3 tại chỗ cho 1.000 lao động, doanh nghiệp phải chi thêm 2,2 tỉ đồng/tuần để sản xuất, kinh doanh. Với khoản chi phí tăng thêm quá lớn này khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước không đủ lực duy trì sản xuất, buộc phải đóng cửa. Khảo sát cũng cho thấy có hơn 65% doanh nghiệp đã ngừng hoạt động trong tháng 9 vừa qua.

Không chỉ áp lực từ gánh nặng chi phí gia tăng, hơn 48% các doanh nghiệp dệt may, da giày tham gia khảo sát nhanh nêu trên đã bị chậm giao hàng, nhiều doanh nghiệp bị đối tác phạt vì giao hàng trễ so với dự tính ban đầu.

“Có đến 68,1% số doanh nghiệp cho biết họ bị nhãn hàng phạt do doanh nghiệp giao hàng chậm; 12,2% doanh nghiệp bị đối tác hủy đơn, phải đền hợp đồng; 21% doanh nghiệp cho biết bị nhãn hàng chủ động hủy, nhưng không bắt doanh nghiệp đền bù; 13,1% nhãn hàng hủy đơn chưa ký”, bà Chi thông tin về kết quả khảo sát. Tuy nhiên, một doanh nghiệp làm việc với nhiều nhãn hàng, không phải tất cả các nhãn hàng đều phạt.

Các doanh nghiệp lo lắng khi bị chậm đơn hàng thì khách hàng có thể hủy giữa chừng và rút đơn hàng đang sản xuất chuyển sang thị trường khác như Trung Quốc, Indonesia. Hoặc nhãn hàng đồng ý cho giao hàng chậm nhưng doanh nghiệp phải trả chi phí xuất hàng bằng đường hàng không với phí rất cao. Còn nếu doanh nghiệp dệt may, da giày xin lùi ngày xuất khẩu thì đối tác đề nghị giảm giá 15%. Đáng chú ý, các đơn hàng mùa mới của năm 2022 đã bị tạm dừng hoặc bị giảm số lượng.

Các diễn giả, doanh nghiệp,… trao đổi tại buổi đối thoại trực tuyến vào chiều ngày 8-10. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Mùa bán hàng sôi động nhất năm với doanh nghiệp trong ngành dệt may và da giày đang đến gần. Thị trường tiêu thụ lớn sản phẩm dệt may, da giày như Hoa Kỳ, EU,… đang phục hồi tốt và bước vào mùa mua sắm cuối năm. Và để kịp mùa Giáng sinh, cũng như năm mới 2022, các doanh nghiệp cho rằng họ buộc phải dùng hình thức vận chuyển bằng đường hàng không với chi phí rất cao.

Tuy nhiên, điều lo lắng hơn đối với doanh nghiệp của hai ngành này là hiện nay lực lượng lao động với nguy cơ bị thiếu hụt nhiều khi mà nhiều người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh đã và đang có kế hoạch trở về quê hương.

Người lao động ngành dệt may và da giày đã bị những ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, sức khỏe và kinh tế gần như kiệt quệ. Theo bà Chi, khảo sát cho thấy, trên 60% người lao động di cư muốn về quê hoặc đã về quê, chủ yếu trong một thời gian ngắn để phục hồi sức khỏe và cuộc sống cho bản thân, con cái. Hay sự khủng hoảng trong vận tải đường biển (tắc nghẽn vận chuyển) khi thời gian vận chuyển tăng gấp đôi.

Tuy nhiên, có tín hiệu thuận lợi là 89% người lao động di cư và 96% người lao động địa phương muốn tiếp tục làm ở nhà máy hiện tại. Thế nhưng nếu không có biện pháp hỗ trợ tích cực, sẽ phải mất 3-5 tháng để người lao động di cư trở lại nhà máy.

Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch VITAS, ngành dệt may, da giày là hai ngành dùng nhiều lao động nhất trong các ngành kinh tế của Việt Nam. Dệt may có khoảng 2 triệu lao động và da giày cũng sử dụng khoảng 1,4 triệu lao động, chiếm 18,2%.

Ngoài ra có gần 1,5 triệu người kinh doanh dịch vụ thương mại liên quan đến dệt may, da giày.

Khi dịch Covid-19 lần thứ 4 xảy ra, chuỗi cung ứng của hai ngành đối mặt với thách thức lớn. Nhiều doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ nhưng chi phí rất cao, nguy cơ lây nhiễm dịch cũng cao. Bên cạnh đó, phương án phòng chống dịch giữa các địa phương không thống nhất, nơi đóng, nơi mở cũng là nguyên nhân gây ách tắc vận chuyển.

Tâm lý lo sợ nhiễm bệnh cùng đời sống khó khăn khi không đi làm đã khiến hàng triệu lao động ở Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, các tỉnh phía Nam… đã về quê, trong đó có doanh nghiệp dệt may, da giày. Với dệt may, da giày một lần nữa có nguy cơ đứt gãy không phải do yếu tố cung cầu bên ngoài mà do khan hiếm lao động, ông Cẩm nói.

Đây là bài toán khó cho doanh nghiệp dệt may, da giày khi bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất theo chủ trương mới của Chính phủ, nghĩa là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 thay cho chủ trương không có Covid-19, theo ông Cẩm.

Theo số liệu sản xuất công nghiệp, thương mại 9 tháng của Bộ Công Thương, sản xuất và xuất khẩu của 2 ngành này bị sụt giảm mạnh trong tháng 8 và 9 do có nhiều nhà máy phải tạm dừng sản xuất. Xuất khẩu túi xách, vali, mũ, ô dù ước đạt 2,24 tỉ đô la Mỹ, giảm 3,7% so với cùng kỳ. Giày dép các loại ước đạt 13,33 tỉ đô la, tăng 9,8% (giảm 44,2% về lượng), dệt may ước đạt 23,46 tỉ đô la, tăng 5,8% (giảm 18,6% về  lượng).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới