(KTSG Online) - Sau cuộc khảo sát về tình hình khai thác khoáng sản cát sông để đánh giá trữ lượng của các mỏ cát sông trên địa bàn tỉnh An Giang, đoàn công tác đã đưa ra nhiều giải pháp về quản lý nguồn vật liệu, phục vụ các dự án cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như lên phương án phân bổ nguồn vật liệu xây dựng, đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản phải lắp đặt camera trên từng phương tiện khai thác.
- Ấn định thời gian triển khai thí điểm dùng cát biển đắp nền cao tốc
- An Giang thu hồi nhiều giấy phép khai thác cát trên sông Tiền, sông Hậu
TTXVN đưa tin, vừa qua, đoàn công tác tỉnh An Giang đã có cuộc khảo sát về tình hình khai thác khoáng sản cát sông để đánh giá trữ lượng của các mỏ cát sông trên địa bàn, đồng thời, đề ra các giải pháp quản lý nguồn vật liệu xây dựng, phục vụ các dự án cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Đoàn công tác đã khảo sát một số khu vực khai thác cát trên sông Hậu như của Công ty TNHH Thương mại Tân Hồng (trữ lượng cấp phép khai thác khoảng 1,7 triệu m3) và Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Thủ Tuyền (trữ lượng cấp phép khai thác khoảng 1,8 triệu m3).
Theo đó, lãnh đạo tỉnh An Giang hướng dẫn Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, các sở, ngành và địa phương rà soát, tham mưu UBND tỉnh về phương án phân bổ nguồn vật liệu xây dựng, hướng đến đáp ứng nhu cầu, tiến độ thi công các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc.
Đối với các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản, đơn vị phải lắp đặt camera trên từng phương tiện khai thác để kiểm soát sản lượng, khối lượng cát tại mỏ khai thác. Đơn vị vận chuyển cần cung cấp số hiệu từng phương tiện sà lan đã đăng ký vận chuyển cát phục vụ công trình, dự án cụ thể và phải lắp đặt định vị, có đường truyền về máy chủ đặt tại Sở Tài nguyên và Môi trường.
Chủ đầu tư các dự án cao tốc, các công trình trọng điểm của tỉnh được cung ứng nguồn cát sẽ phối hợp kiểm tra khối lượng cát đến công trình, có báo cáo hàng tháng về Sở Tài nguyên và Môi trường, đảm bảo lượng cát cung cấp đến công trình đúng khối lượng và đúng địa chỉ, không để thất thoát ra bên ngoài.
Hiện nay, vấn đề khai thác cát phục vụ các dự án cao tốc phải đảm 2 nguyên tắc là đảm bảo cung cấp cho các công trình trọng điểm quốc gia và phải thường xuyên đánh giá tác động môi trường để tránh sạt lở.
TTXVN dẫn thông tin từ đại diện UBND tỉnh An Giang cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ tiến hành khảo sát các khu mỏ và làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp khai thác mỏ. Các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật thì phải hoạt động trở lại với trữ lượng được cấp và phải đảm bảo tiến độ, trữ lượng khai thác, thời gian khai thác, không để xảy ra tình trạng khan hiếm cát. Ngược lại, nếu doanh nghiệp không tuân thủ theo các quy định này thì An Giang sẽ thu hồi giấy phép.
Địa bàn có 3 mỏ cát được cấp phép hoạt động. Tổng trữ lượng cát là khoảng 4,6 triệu m3 cát. Các mỏ này đã được khai thác khoảng 2,7 triệu m3. Theo đó, đối với những mỏ cát phục vụ công trình trọng điểm quốc gia thì An Giang triển khai theo hình thức lựa chọn khu vực khai thác và nhà thầu. Các mỏ cát phục vụ nhu cầu dân sinh sẽ được thực hiện theo hình thức đấu giá.