(KTSG Online) - Những ngày sau Tết Nguyên đán 2024, nhiều địa phương trên cả nước như Tây Ninh, Tuyên Quang, Kon Tum, Khánh Hòa... diễn ra những hoạt động mừng xuân, thu hút người dân và du khách đến tham gia.
- Biến lễ hội trở thành sản phẩm đặc trưng thu hút khách du lịch
- Công ty bỏ rơi gần 300 khách ở Phú Quốc bị đình chỉ hoạt động
TTXVN cho biết, ở Tây Ninh, ngày 17-2, tức mùng 8 tháng Giêng, Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh tổ chức đại lễ vía Đức Chí Tôn năm Giáp Thìn 2024. Đại lễ năm nay được khởi đầu bằng các màn múa Long, Mã, Tứ Linh (Rồng nhang, Ngọc Kỳ Lân, Quy, Phụng) và nhạc sắc tộc trước Đền Thánh, Báo Ân Từ, diễu hành qua Đông Tây khán đài. Đại lễ chính thức vía Đức Chí Tôn diễn ra tại Đền Thánh, Cúng Đàn Phật Mẫu được tổ chức tại Báo Ân Từ.
Nằm trong chuỗi các hoạt động mừng xuân, từ ngày 17 đến 20-2, tại tỉnh Kon Tum diễn ra chương trình “Trải nghiệm văn hóa truyền thống xuân Giáp Thìn 2024”. Theo đó, đoàn nghệ nhân dân tộc Hà Lăng (một nhánh của dân tộc Xê Đăng) mang đến những loại nhạc cụ truyền thống như vông, đinh pút (Klong Put), đinh jơng, brọđung, đàn đá, cồng chiêng… Bên cạnh đó, người dân và du khách còn tham gia các trò chơi dân gian như múa lân, đập niêu đất, trèo cột mỡ...
Vừa qua, tỉnh Hải Dương cũng diễn ra hoạt động khai hội xuân Giáp Thìn năm 2024 tại đền Cao An Phụ (phường An Sinh). Đền nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương được Thủ tướng Chính phủ công nhận năm 2016. Năm 2017 quần thể này được công nhận là bảo vật quốc gia.
Cũng trong mùng 8, lễ khai bút xuân Giáp Thìn 2024 đã diễn ra tại đền thờ thầy giáo Chu Văn An (phường Văn An, thành phố Chí Linh, Hải Dương) với sự tham dự của người dân, du khách các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Lạng Sơn và đoàn đại biểu huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, quê hương thầy giáo Chu Văn An. Đây là hoạt động được thành phố Chí Linh thực hiện thường niên vào đầu xuân năm mới, nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học, trọng hiền tài, trọng trí tuệ và tri ân Vạn thế sư biểu Chu Văn An.
Tại tỉnh Khánh Hòa, TTXVN đưa tin, từ sáng mùng 8, người dân và du khách đã tập trung dọc theo hai bờ sông Dinh, nơi diễn ra lễ hội thuyền hoa và đua ghe đặc sắc. Trong đó, nổi bật là các cuộc thi đua ghe truyền thống với sự tham gia của hơn 100 vận động viên từ các đội xã, phường, thi đấu ở nội dung đôi nam, đôi nữ và kết hợp nam nữ.
Một số địa phương khác cũng diễn ra chuỗi hoạt động trong dịp đầu năm mới như ở huyện Chiêm Hoá (Tuyên Quang), người dân và du khách cũng kéo về trung tâm, tham dự lễ hội Lồng Tông – ngày hội xuống đồng của dân tộc Tày, diễn ra ngày 17-2 vừa qua. Sau phần lễ, người dân tham gia nhiều trò chơi dân gian như tung còn, đẩy gậy, leo cột lấy cơ, giao lưu bóng đá nam, nữ giữa các địa phương…
Trung bình mỗi ngày trên cả nước có gần 20 lễ hội dân gian, tập trung vào mùa xuân.
Đồng bằng Bắc bộ có 10 lễ hội lớn tiêu biểu thu hút khách thập phương mỗi dịp đầu xuân. Đó là lễ hội Đền Hùng - giỗ tổ Hùng Vương (Phú Thọ), lễ hội Chùa Hương, lễ hội Gióng Đền Sóc, lễ hội Gò Đống Đa (Hà Nội), lễ hội khai ấn đền Trần (Nam Định), lễ hội đền Bà Chúa Kho, Hội Lim (Bắc Ninh), hội xuân Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội khai xuân Tây Yên Tử (Bắc Giang), lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình).
Tại vùng núi phía Bắc, nhiều lễ hội độc đáo mang màu sắc văn hóa riêng của từng dân tộc diễn ra vào mùa xuân như chợ tình Khâu Vai (Hà Giang), lễ hội xuống đồng ngày xuân của dân tộc Tày, Dao (Yên Bái), lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông (Lào Cai), lễ hội hoa ban của dân tộc Thái (Sơn La, Điện Biên), lễ hội nhảy lửa của người Dao Đầu Bằng (Lai Châu), lễ hội cầu an bản Mường (Hòa Bình)…
Tây Nguyên có lễ hội cồng chiêng, lễ hội đua voi, lễ hội cúng cơm mới, lễ hội tạ ơn cha mẹ…
Vùng đồng bằng sông Cửu Long có lễ hội vía bà chúa Xứ núi Sam (An Giang), lễ hội Nguyễn Trung Trực, hay còn gọi là lễ hội đình ông Nguyễn (Kiên Giang), lễ hội Nghinh Ông (Cà Mau), lễ hội Oóc Om Bóc - đua ghe Ngo (Sóc Trăng)...