Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều nước buộc Uber trả lương cho tài xế

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online)- Trong những năm gần đây, cùng với phát triển của các nền tảng gọi xe, giao đồ ăn, hàng hóa như Uber, Grab, Grubhub, Instacart… nền kinh tế của những công việc ngắn hạn, tạm thời (gig economy) trỗi dậy mạnh mẽ trên toàn cầu.

Ở đó, trên lý thuyết, người lao động được làm việc tự do, nói cách khác là rảnh lúc nào làm lúc đó, do vậy, thường không được hưởng các quyền lợi như nhân viên chính thức bao gồm lương cố định, bảo hiểm, nghỉ phép có lương… Nhưng trên thực tế, họ bị kiểm soát bởi nhiều quy định của công ty, bao gồm giờ giấc và cách thức làm việc.

Đó là lý do nhiều nền tảng cung cấp dịch vụ dựa vào ứng dụng, tiêu biểu nhất là Uber, bị kiện tại nhiều nước. Một số tòa án đã tuyên buộc hãng gọi xe này phải xem các tài xế như nhân viên chính thức và cung cấp một số quyền lợi nhất định cho họ bao gồm trả lương tối thiểu theo giờ.

Các tòa án ở Hà Lan, Anh, Pháp buộc Uber phải xem tài xế là nhân viên của họ, thay vì lao động tự do Ảnh: momsall.com

Một loạt tòa án ở châu Âu buộc Uber phải trả lương cho tài xế

Hôm 13-9, tòa án khu vực Amsterdam (Hà Lan) đã ra phán quyết đứng về Liên hiệp các công đoàn Hà Lan (FNV), bên thay mặt các tài xế Uber đứng ra kiện yêu cầu Uber xem họ như là nhân viên và phải cung cấp cho họ lương và chế độ phúc lợi giống như người lao động của các công ty taxi khác.

Tòa khẳng định các tài xế Uber phải được xem là nhân viên, thay vì các lao động tự do (independent contractor) và họ phải được hưởng các quyền lợi như người lao động chính thức.

Phán quyết nhấn mạnh: “Mối quan hệ pháp lý giữa Uber và các tài xế đáp ứng tất cả các đặc điểm của một hợp đồng lao động chính thức”.

Uber chỉ trích phán quyết này là đòn giáng vào nền kinh tế “gig” và cho biết sẽ kháng cáo. Maurits Schönfeld, Tổng giám đốc của Uber ở châu Âu, nói: “Chúng tôi thất vọng trước phán quyết này vì chúng tôi biết đa số tài xế đều mong muốn tiếp tục làm việc độc lập. Các tài xế không muốn từ bỏ quyền tự do lựa chọn có nhận việc hay không, làm việc khi nào và làm việc ở đâu”.

FNV ca ngợi phán quyết trên là một chiến thắng vang dội cho các tài xế Uber vì giúp họ được trả thù lao cao hơn và các khoản phúc lợi tốt hơn.

Zakaria Boufangacha, Phó chủ tịch FNV, nói: “Phán quyết trên giúp các tài xế Uber tự động trở thành nhân viên của Uber. Vì vậy, họ sẽ nhận được lương cao hơn, nhiều quyền lợi hơn nếu bị sa thải hoặc ốm đau”.

Tại Anh, hồi tháng 3, Uber cam kết cải thiện quyền lợi của tài xế bao gồm bảo đảm mức lương tối thiểu quốc gia cho tất cả hơn 70.000 tài xế ở Anh sau khi thua kiện ở tòa án tối cao Anh hồi tháng 2. Và thời gian tính lương là ngay sau khi lên đường đón khách, chứ không phải từ lúc khách bước lên xe. Mức lương tối thiểu toàn quốc ở Anh hiện nay là 8,72 bảng (12,07 đô la) /giờ

Ngoài ra, Uber sẽ cung cấp nhiều quyền lợi khác cho tài xế như đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội (để hưởng lương hưu). Đây có thể xem là thất bại lớn của Uber sau cuộc chiến pháp lý dài đằng đẳng bắt đầu từ một vụ kiện vào năm 2016

Trong phán quyết đưa ra vào năm đó, tòa án lao động sơ thẩm ở London cho rằng Uber phải xem các tài xế là nhân viên vì công ty này kiểm soát thời gian làm việc của họ cũng như quy định giá cước áp dụng cho khách.

Phán quyết được đưa ra sau khi hai tài xế James Farrar và Yaseen Aslam đại diện cho một nhóm tài xế Uber kiện yêu cầu Uber xem họ như là những nhân viên (worker) làm việc cho công ty Uber có trụ sở ở San Francisco, Mỹ chứ không phải là “người làm việc cho chính mình” (self-employed). Hai tài xế này cho biết họ bị áp lực rất lớn vì phải làm việc trong nhiều giờ và phải nhận việc khi Uber yêu cầu nếu không sẽ lãnh “các hậu quả”. Farrar cho biết biết có nhiều tháng, anh chỉ được trả 5 bảng/giờ sau khi trừ chi phí, thấp hơn mức lương tối thiểu quốc gia.

Uber đã kháng cáo và đến tháng 11-2017, tòa lao động phúc thẩm ở London vẫn y án phán quyết của tòa cấp dưới buộc Uber phải bảo đảm cho các tài xế các quyền lợi cơ bản của người lao động bao gồm nghỉ phép được hưởng lương, hưởng mức lương tối thiểu quốc gia. Uber tiếp tục kháng cáo vì cho rằng các tài xế là người lao động độc lập, chứ không bị bắt buộc phải sử dụng gọi xe của Uber, nhưng rốt cục bị tòa án tối cao xử thua.

Hồi tháng 3-2020, tại Pháp, tòa án tối cao giữ nguyên phán quyết của tòa cấp dưới, xem các tài xế Uber là nhân viên của công ty này và yêu cầu Uber xem xét lại mô hình kinh doanh. Theo phán quyết, những yếu tố cho thấy tài xế Uber là nhân viên chính thức bao gồm họ không thể tự quyết định giá cước cuốc xe và cũng không thể tự tìm kiếm khách hàng. Pháp quyết yêu cầu Uber nộp thuế nhiều hơn để hỗ trợ hệ thống phục lợi của Pháp cĩng như trả lương cho tài xế vào những ngày nghỉ lễ.

Tuy nhiên, để trở thành nhân viên chính thức của Uber, các tài xế phải gửi đơn ra tòa yêu cầu phân loại lại tình trạng lao động của họ.

Tháng 6 năm ngoái, tòa án hành chính Geneva ở Thụy Sĩ ra phán quyết buộc Uber Eats, công ty giao đồ ăn của Uber, phải xem tài xế giao đồ ăn ở Geneva như là nhân viên chính thức. Quyết định này giúp họ bảo đảm có 4 tuần nghỉ phép hưởng lương mỗi năm cũng như được trả mức lương tối thiểu 20,65 franc Thụy Sĩ  (22,5 đô la) cho mỗi giờ làm việc

Uber Eats cho biết sẽ kháng cáo phán quyết này.

Luật bang California (Mỹ) xem tài xế công nghệ là nhân viên chính thức

Bang California, nơi gần 40 triệu dân sinh sống, là một thị trường quan trọng đối với các hãng gọi xe. Năm 2019, Thống đốc bang California, Gavin Newsom ký thông qua luật lao động AB 5 , yêu cầu các công ty hoạt động dựa trên ứng dụng như Uber và Lyft phải đối xử với các tài xế hợp đồng như nhân viên chính thức, thay vì  lao động hợp đồng ngắn hạn, nếu: (1) các công ty này kiểm soát cách mà các lao động thực hiện nhiệm vụ của họ; (2) công việc của người lao động là một phần của hoạt động kinh doanh thường xuyên của các công ty đó.

Một khi được xem là nhân viên chính thức, các lao động tạm thời trong nền kinh tế chia sẻ bao gồm tài xế của các hãng gọi xe Uber, Lyft sẽ được hưởng lương tối thiểu tính theo giờ, được đóng bảo hiểm thất nghiệp, trả thêm tiền khi làm việc quá giờ, được nghỉ phép có lương…

Hạ nghị sĩ bang California, Lorena Gonzalez, người đề xuất luật trên, nói: “Hiện nay, các công ty của nền kinh tế tạm thời xem họ như là tương lai sáng tạo, một tương lai khi mà các công ty không phải đóng an sinh xã hội hay bảo hiểm y tế cho người lao động. Chúng ta phải nói thẳng thắn rằng chẳng có gì sáng tạo về việc trả thù lao dưới mức cho ai đó khi sử dụng sức lao động của họ”.

Tại bang California, luật AB 5 sẽ tác động đến ít nhất một triệu người lao động. Nhiều người trong số họ bị ép vào tình trạng lao động hợp đồng ngắn hạn và không được hưởng các phúc lợi an sinh cơ bản như lương tối thiểu, bảo hiểm thất nghiệp. Các tài xế công nghệ, tài xế giao đồ ăn, công nhân xây dựng, thợ làm móng tay, nhân viên lau dọn… ở bang California, giờ đây có cơ hội được xếp hạng lại là nhân viên chính thức.

Tuy nhiên, luật AB 5 lại đe dọa mô hình kinh doanh của công ty trong nền kinh tế “gig” như Uber và Lyft. Các hãng gọi xe này cũng như các dịch vụ hoạt động dựa trên ứng dụng khác như giao đồ ăn, sửa chữa nhà, dắt chó đi dạo, đều xây dựng mô hình kinh doanh của họ dựa trên nguồn lao động độc lập, giá rẻ. Họ cho biết công việc hợp đồng ngắn hạn cung cấp cho các tài xế sự linh động và cảnh báo rằng việc ghi nhận các tài xế hợp đồng là nhân viên chính thức sẽ hủy hoại hoạt động kinh doanh của họ.

Chi 220 triệu đô la để vận động cử tri lật ngược tình thế

Sau đó, Uber, Lyft, Instacart, các công ty hoạt động dựa trên ứng dụng khác đã chi đến 220 triệu đô la cho chiến dịch vận động cử tri bang California bỏ phiếu ủng hộ một sáng kiến lập pháp dựa trên trưng cầu dân ý, được gọi là Đề xuất 22 (Proposition 22) để loại bỏ một điều khoản trong Đạo luật AB 5 buộc họ xem tài xế như nhân viên chính thức.

Đề xuất này cũng cung cấp một số quyền lợi cho tài xế như bảo đảm thu nhập tương đương ít nhất 120% lương tối thiểu tính theo giờ của địa phương nhưng chỉ tính thời gian lái xe chở khách trên đường, chứ không tính thời gian ngồi đợi khách; cung cấp bảo hiểm y tế cho tài xế làm việc trung bình 15 giờ mỗi tuần. Đây là sáng kiến lập pháp thông qua trưng cầu dân ý tốn kém nhất trong lịch sử bang California.

Cuối cùng, Đề xuất 22 được thông qua vào cuối năm 2020 nhờ tỷ lệ phiếu ủng hộ 58%. Điều này có nghĩa là các tài xế của Uber, Lyft hay Instacart sẽ tiếp tục làm việc với tư cách là lao động tự do và không được hưởng các quyền lợi cơ bản của người lao động.

Tuy nhiên, các nền tảng công nghệ vẫn chưa giành thắng lợi cuối cùng vì hồi đầu năm nay, các tài xế của họ và chi nhánh tại California của Công đoàn quốc tế của người lao động ngành dịch vụ (SEIU California) kiện yêu cầu tòa bác bỏ Đề xuất 22.

Hồi tháng 8, tòa thượng thẩm hạt Alameda ở California phán quyết Đề xuất 22 vi phạm hiến pháp bang California vì nó phớt lờ quyền lợi của người lao động và hạn chế quyền lực lập pháp trong tương lai trong việc định nghĩa tình trạng lao động của những người làm việc trong nền kinh tế “gig”.

Nhóm công ty hoạt động dựa trên ứng dụng dự kiến sẽ kháng cáo quyết định này và trong thời gian đó, Đề xuất 22 vẫn tạm thời còn hiệu lực.

Theo New Yorks Times, BBC, Reuters, Swissinfo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới