Thứ Hai, 20/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều trẻ em ở TPHCM nhập viện do rối loạn tiêu hóa

Minh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – TPHCM đang trong giai đoạn giao mùa nên trẻ em dễ mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh liên quan đến rối loại tiêu hóa. Thời gian gần đây, số trẻ nhập viện vì bệnh viêm dạ dày ruột cấp do vi trùng, virus và do ngộ độc thức ăn có chiều hướng gia tăng

Nhiều trẻ nhập viện do sốt, nôn ói

Chị N. T. Q. ở thành phố Thủ Đức, là phụ huynh của bệnh nhi N. đang điều trị trong phòng bệnh của Khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), cho biết cách đây hai tuần, bé nhập viện trong tình trạng sốt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy… Sau khi xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán là bị nhiễm trùng đường ruột.

Theo chị, trước đó, gia đình mua cháo dinh dưỡng ở ngoài cửa hàng cho bé ăn. Sau hai tiếng, bé bắt đầu có dấu hiệu đau bụng, nôn ói. Gia đình nghi ngờ bị ngộ độc nên đưa trẻ đến Bệnh viện quận 2 để cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị lồng ruột và chuyển cấp cứu qua Bệnh viện Nhi đồng 2.

Hiện bệnh nhi đã ăn uống bình thường. “Thời gian nằm viện đã là 14 ngày. Tuy nhiên, con vẫn còn sốt nên tiếp tục nằm viện theo dõi”, chị T. nói.

Theo bác sĩ Hà Văn Thiệu, quyền Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 2, thời gian gần đây, số trẻ nhập viện vì bệnh viêm dạ dày ruột cấp do vi trùng, virus và do ngộ độc thức ăn tăng. Đặc biệt, viêm dạ dày ruột cấp thuộc nhóm bệnh rối loạn tiêu hóa đang tăng lên nhiều so với trước đó. Số bệnh nhi nhập viện bị viêm dạ dày ruột cấp chiếm 20-30%.

Ngoài ra, mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận từ 3-4 bệnh nhi nhập viện với tình trạng viêm loét dạ dày, tá tràng dẫn đến xuất huyết tiêu hóa; thậm chí có những ca nhập viện nặng ói ra máu, mệt lả. Hiện số bệnh nhi bị xuất huyết tiêu hóa chờ nội soi vẫn còn nhiều, trên 20 ca và được xếp lịch đến ngày 25-10.

Tại khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 2, nhiều trẻ nhập viện do rối loạn tiêu hóa trong thời gian gần đây. Ảnh: M.T.

Không tự ý dùng thuốc chống nôn, cầm tiêu chảy

Theo bác sĩ. Thiệu, với tình trạng rối loạn tiêu hóa, phương thức lây truyền là qua đường thức ăn, nước uống. Với thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay, thức ăn dễ bị ôi thiu. Nếu phụ huynh không đảm bảo vệ sinh hằng ngày cho trẻ tốt, bảo quản thực phẩm không đúng cách hoặc thức ăn chế biến không hợp vệ sinh thì đây có thể xem là nguồn lây chính cho nhóm bệnh này.

Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu như ói, tiêu chảy, mất nước… đặc biệt có sốt kèm theo mất nước nặng, cần phải bù nước cho trẻ bằng cách sử dụng dung dịch oresol với một gói pha 200ml nước.

Trường hợp trẻ có những biểu hiện như không uống được, tiêu chảy ra máu, ói nhiều lần, kích thích, vật vã, không nô đùa, lơ mơ; thậm chí nhận thấy trẻ có dấu hiệu khóc không có nước mắt, môi khô…, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ điều trị.

Bác sĩ Thiệu cảnh báo, khi trẻ có dấu hiệu tiêu chảy hoặc nôn, phụ huynh không được tự ý mua thuốc chống nôn cho bé sử dụng. Với loại thuốc Domperidone được bán rất nhiều tại các nhà thuốc. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, loại thuốc này ít có hiệu quả nhưng dễ gây ngộ độc. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo không nên tùy tiện sử dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 35kg.

Ngoài ra, phụ huynh cũng không nên tùy tiện dùng thuốc cầm tiêu chảy vì sẽ gây bất lợi, cũng như khiến cho tình trạng tiêu chảy nặng thêm. Để phòng tránh các bệnh đường tiêu hóa ở trẻ em, bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh và người nuôi trẻ nên rửa tay với xà phòng trước khi chế biến đồ ăn cho trẻ; đồng thời cần tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn.

Trong thời tiết nắng nóng, thức ăn dễ bị ôi thiu, phụ huynh không nên sử dụng đồ ăn cũ, hạn chế cho trẻ ăn ở ngoài. Với những trẻ lớn có xu hướng tâm lý khép kín, phụ huynh cần quan tâm đến trẻ nhiều hơn để nhận biết các dấu hiệu bất thường về đường tiêu hóa như ăn uống kém, mặt nhợt nhạt, mệt lả, nôn ói, đau bụng…

Số lượng trẻ em nhập viện vì nuốt dị vật tăng

Không chỉ gia tăng các bệnh nhi nhập viện do rối loạn tiêu hóa, TS. BS. Hà Văn Thiệu, quyền Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết số trẻ nhập viện vì nuốt các dị vật cũng có xu hướng gia tăng. Bông tai, muỗng nhựa, pin… là một trong những đồ vật thường bị trẻ nuốt qua đường tiêu hóa.

Bác sĩ khuyến cáo, để tránh xảy ra các trường hợp nuốt dị vật nguy hiểm, phụ huynh phải để mắt đến mọi hoạt động của trẻ nhỏ, đặc biệt là khi trẻ chơi với  đồ chơi, vật dụng gia đình, thực phẩm ăn uống (các loại hạt trong trái cây).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới