Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nhìn lại bức tranh xuất khẩu Việt Nam

Khánh Nguyên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Xuất khẩu sẽ tạo nên nhiều nội lực cho nền kinh tế Việt Nam nếu doanh nghiệp nội chủ động hơn trên sân chơi này. Đối diện với khó khăn, chúng ta càng nên nhìn lại...

Năm 2021, Samsung đã đạt kim ngạch xuất khẩu 65,5 tỉ đô la Mỹ.

Vẫn còn nhiều cơ hội

Ngoại thương vẫn có thể và phải trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023 bất chấp sự thực thể hiện trong khảo sát nhanh của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) thực hiện tại TPHCM và một số tỉnh, thành phía Nam về triển vọng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: chỉ 9% doanh nghiệp cho biết tăng đơn hàng; 68% giảm đơn hàng và 23% chưa biết được tình hình sản xuất trong thời gian tới.

Lý do không khó hiểu, một phần, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hơn một thập kỷ ghi nhận sự đóng góp quan trọng của xuất khẩu và bất chấp tình hình ít khả quan trong một vài năm sắp tới, xu hướng này sẽ không thay đổi.

Mặt khác, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (FDI), theo báo cáo được công bố tháng 6-2022 của Ban Kinh tế Trung ương, chiếm 72% giá trị. Điều này đồng nghĩa, nỗ lực xoay xở, mở rộng thị trường, vượt qua điểm rơi của nền kinh tế thế giới sẽ có sự chung sức của nhóm doanh nghiệp FDI, vốn có quy mô lớn, có kinh nghiệm tốt và đang giữ ưu thế trong xuất khẩu của hầu hết các ngành hàng chủ lực.

Xét về cơ cấu, trong năm 2021, nhóm hàng công nghiệp như điện thoại và linh kiện điện thoại, máy tính và linh kiện điện tử nắm giữ trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu và chỉ riêng “đại gia” Samsung đã đạt kim ngạch xuất khẩu 65,5 tỉ đô la Mỹ, chiếm 19,4%. Sức tiêu thụ nhóm ngành hàng này đã trụ vững trong những giai đoạn khốc liệt nhất của đại dịch Covid-19 và dù đối diện với viễn cảnh ảm đạm trước mắt của kinh tế thế giới, sức cầm cự của những “ông lớn” sẽ dẻo dai hơn.

Có thể kể đến câu chuyện tương tự về ngành dệt may hay da giày, hiện đều đang thuộc tốp 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Những dấu hiệu sụt giảm đơn hàng rõ rệt đã được ghi nhận từ đầu quí 4-2022. Trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao tại Mỹ, EU, nhu cầu sản phẩm tại các thị trường này chưa thể sớm hồi phục. Tuy nhiên, khả năng phục hồi của kinh tế Trung Quốc trong năm 2023 là điều có thể kỳ vọng.

Từ đầu tháng 12-2022, Trung Quốc đã tiếp tục đưa ra những biện pháp nới lỏng việc phòng dịch Covid-19. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các tổ chức khác đã dự báo mức tăng tưởng kinh tế của đất nước trên tỉ dân này ở mức 4,6% trong năm 2023. Báo cáo mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm tới sẽ “phụ thuộc nhiều” vào các nền kinh tế lớn ở châu Á gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Ảrập Saudi.

Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu sản phẩm dệt may và da giày lần lượt lớn thứ 2 và thứ 3 của Việt Nam. Sự bãi bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng dịch nếu được nước này thực hiện trong năm 2023, một làn sóng tiêu dùng hậu đại dịch sẽ xuất hiện và đó là cơ hội mà doanh nghiệp phải tính toán để nắm bắt và tận dụng.

Ngoài dệt may, da giày, nhiều ngành hàng xuất khẩu khác của chúng ta cũng có thể hưởng lợi từ sự trở lại hoàn toàn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Và, đích ngắm không chỉ là Trung Quốc mà còn cả Ấn Độ, mảnh đất vẫn còn nhiều tiềm năng khai phá và Trung Đông - trong đó có Ảrập Saudi.

Ai hưởng lợi từ các FTA?

Thế nhưng, đạt được mục tiêu xuất khẩu lại không đồng nghĩa với việc củng cố năng lực của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nội lực của nền kinh tế Việt Nam nói chung. Trái lại, sức ép để tồn tại rất lớn trong điều kiện các thị trường xuất khẩu biến động có thể sẽ đổ ngược lên nhóm doanh nghiệp Việt, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đông về số lượng nhưng không lớn mạnh về chất lượng. Phần chia ít ỏi trong miếng bánh xuất khẩu hàng hóa có thể sẽ bị cắt giảm và đó không là nghịch lý duy nhất.

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, năm 2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sử dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký đạt 69,1 tỉ đô la Mỹ. Trong bốn nhóm sản phẩm hàng hóa tận dụng tốt nhất các ưu đãi thuế quan bao gồm giày dép (95,9%), nhựa (69%), cao su (67,4%), dệt may (59,9%), phần xuất khẩu của doanh nghiệp FDI một lần nữa lại luôn chiếm trên 70%.

Chưa hết, doanh nghiệp nội đang là những đối tượng không được hưởng lợi bao nhiêu từ các FTA đã ký kết.

Đối với ngành da giày, doanh nghiệp nội đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu đến 80%, lý do chính dẫn đến việc không đảm bảo về tiêu chuẩn nguồn gốc xuất xứ của các FTA để được ưu đãi thuế quan.

Đối với ngành dệt may, khoảng 60% doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn đang sản xuất theo hình thức CMT (cut - make - trim), tức là gia công cắt may và đóng gói đơn giản.

Với hình thức này, nguyên liệu, phụ liệu được phía đặt hàng giao đến doanh nghiệp sản xuất và hiển nhiên, khi không đảm bảo được tỷ lệ nguồn gốc xuất xứ Việt Nam, không thể bàn tiếp được việc hưởng thuế quan ưu đãi.

Với 30% doanh nghiệp làm theo hình thức FOB (free on board), tùy theo dạng chỉ định hay tự tìm kiếm, doanh nghiệp sẽ mua nguyên phụ liệu từ đối tác định sẵn hay tự tìm đối tác.

Ngay cả ở trường hợp thứ hai, theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Công Thương tháng 10-2020, công nghiệp phụ trợ dệt nhuộm tại Việt Nam chưa phát triển. Loại sợi Việt Nam sản xuất được chủ yếu là sợi cotton, rất ít doanh nghiệp sản xuất được loại sợi đang được sử dụng phổ biến hơn là polyester filament.

Xin được lưu ý thêm rằng, khi hàng hóa Việt Nam được xuất sang các nền kinh tế có FTA với thuế quan ưu đãi, luôn luôn có chiều ngược lại. Hàng nội sẽ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt trên sân nhà. Vì thế, nếu người được hưởng lợi từ FTA không phải doanh nghiệp Việt, chúng ta đã chịu thiệt hai lần.

Một vấn đề khác được các chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Thái và Bùi Trinh chỉ ra trong nghiên cứu công bố tháng 6-2021. Tính toán từ mô hình Cân đối liên ngành liên quốc gia rút gọn giữa Việt Nam, Trung Quốc, Mỹ và EU, hai tác giả chỉ rõ: 100 đô la Mỹ xuất khẩu của Việt Nam lan tỏa đến giá trị sản xuất của Việt Nam 74 đô la, đến giá trị tăng thêm của Việt Nam khoảng 72 đô la; và lan tỏa đến giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của Trung Quốc tương ứng là 23 đô la và 25 đô la.

Có thể thấy, xuất khẩu của Việt Nam lan tỏa đến cả sản xuất và giá trị gia tăng của những nước mà Việt Nam nhập nguyên liệu, vì vậy, để nó thực sự mang lại lợi ích cho nền kinh tế, các doanh nghiệp trong nước phải tự sản xuất ra các sản phẩm phụ trợ đầu vào cho sản phẩm xuất khẩu.

Để xuất khẩu thực sự là kỳ tích

Như vậy, đã đến lúc niềm hân hoan về thành tích xuất khẩu hàng trăm tỉ đô la Mỹ, thành tích xuất siêu hàng chục tỉ đô la cần nhường chỗ cho nỗi trăn trở, làm sao để doanh nghiệp Việt chủ động hơn trên sân chơi này.

Đầu tiên là vấn đề công nghiệp phụ trợ cho các nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Lựa chọn dễ dàng và khả thi có lẽ là tập trung vào ngành dệt may, da giày. Xuất khẩu dệt may Việt Nam chiếm 5,2% thị phần toàn cầu, trong khi con số tương ứng trong ngành da giày là 10%.

Thực tế này chứng minh việc tính toán xây dựng nguồn cung nguyên phụ liệu cho hai nhóm ngành xuất khẩu có tổng trị giá khoảng 60 tỉ đô la năm 2021 này có nhiều phần hữu lý. Cũng có thể xem như đây là một trong những lời giải cho việc giải ngân đầu tư công.

Thay vì đầu tư vào những dự án chưa thực sự bức thiết, phải chăng chúng ta nên tập trung vào một số trọng điểm có khả năng thay đổi diện mạo của các lĩnh vực quan trọng được xác định dựa trên chiến lược phát triển trước mắt và lâu dài của nền kinh tế Việt Nam?

Thứ hai là câu chuyện thị trường. Hiểu rõ đặc điểm, nhu cầu, lợi thế so sánh và đặc điểm chuỗi cung ứng tới từng thị trường là điều kiện tiên quyết để hàng hóa Việt Nam có thể thâm nhập. Nghĩa là, trách nhiệm rất nặng nề đang thuộc về công đoạn xúc tiến thương mại và để có thể làm tốt hơn, các cơ quan hữu trách sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều.

Tập trung xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm, theo mô hình Tổ chức Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) và Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) là điều mà nhiều chuyên gia vẫn kiên trì đề xuất. Ngoài ra, sự hỗ trợ của những tổ chức như vậy sẽ mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm phần đa số trong cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thị trường ngách nước ngoài. Đây có thể là lối đi cho đặc sản vùng miền, các sản phẩm thủ công cao cấp, thân thiện với môi trường... hướng đến nhóm khách hàng trung lưu và cao cấp.

Đương nhiên, từ ý định đến hành động và phải đạt được hiệu quả cao là một chặng đường đầy cam go. Dù vậy, nếu biết đặt câu hỏi đúng, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội tìm được một đáp án như mong muốn.

2 BÌNH LUẬN

  1. Cần thống kê rõ hơn, phân tích chính xác hơn tổng thể số liệu liên quan đến xuất nhập khẩu HÀNG HÓA -DỊCH VỤ. Lâu nay chủ yếu tập trung vào hàng hóa cụ thể, còn hàng hóa vô hình (các loại hình dịch vụ) chưa được phản ánh đầy đủ.

  2. Bức tranh xuất khẩu của doanh nghiệp thắng lợi 3 quý nhưng quý 4 xuất khẩu gặp khó khăn do suy thoái kinh tế thế giới đơn hàng khó khăn. Sang năm 2023 xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn do tác động suy thoái kinh tế. Do vậy doanh nghiệp cần có giải pháp thích ứng thách thức để tránh rủi ro.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới