Thứ Sáu, 6/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nhìn người trẻ trong hai khung hình ‘tương phản’

Ngọc Hùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Mấy năm trước khi một số ngôi sao quốc tế đến Việt Nam để giao lưu fan club(*) hay biểu diễn ca nhạc… đã có khá đông bạn trẻ ra đón ở sân bay, tặng quà và thể hiện “tình yêu” với thần tượng của mình. Nhìn những hình ảnh ấy, nhiều người không khỏi có cảm giác bất an.

Tôi nhớ lại hình ảnh một bạn nam “khóc rất hạnh phúc” khi tham gia một sự kiện với thần tượng của mình. Lúc đó, hình ảnh này chia sẻ trên mạng xã hội ngay lập tức đã nhận về những ý kiến trái chiều như “không biết khi người thân mất thì bạn ấy có khóc như vậy không?”, “thế hệ trẻ thời nay lạ quá, tương lai đất nước đi về đâu?”… Rất nhiều ý kiến mà ở đó những người viết comment (bình luận) có cảm giác bất an, có người giảm đi sự tin tưởng vào “thế hệ trẻ”.

Đúng, nếu chúng ta dùng lát cắt nói trên để nhận xét về những người trẻ. Trong nghiên cứu khoa học hay khảo sát, người trong nghề thường cố gắng để không bị gặp lỗi “bias” khi nói về một dữ liệu hay kết luận này đó. Bias – dịch nghĩa ra là thiên vị và được định nghĩa là “sự sai lệch của kết quả so với sự thật, hoặc các quá trình dẫn đến sự sai lệch đó”, và tất cả những sai lệch này diễn ra trong phạm vi của một mẫu khảo sát(1). Theo đó, hình ảnh nhiều bạn trẻ ra sân bay, xếp hàng dài để đón thần tượng là ca sĩ, diễn viên có lẽ nên xem chỉ là một lát cắt trong tổng thể vấn đề mà chúng ta đang thấy ở giới trẻ.

Một lát cắt khác về người trẻ mà trong tuần qua nhiều người cũng được thấy. Đó là hình ảnh có rất đông bạn trẻ “đội mưa” đi viếng lễ tang Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hay hình ảnh những sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ công tác tổ chức quốc tang. Những hình ảnh này lại cho thấy người trẻ cũng có ấm lòng hướng về nguồn cội, cũng thể hiện mình là những người biết trên dưới, trước sau.

Có thể, trong số này, trước đó họ vẫn là thành viên fanclub nào đó, vẫn chia sẻ sự mến mộ thần tượng(2) nhưng khi cần, những bạn trẻ ấy vẫn là người trang nghiêm ở những sự kiện cần sự tôn kính.

Cùng một thế hệ nhưng ở hai tình huống, chúng ta có thể thấy những hình ảnh “tương phản”. Người trẻ có thể ra sân bay với những băng rôn để chào đón thần tượng nhưng có lúc vẫn lặng lẽ đứng trong mưa để bày tỏ lòng tôn kính với người mà họ tôn trọng và xem đó như một hình mẫu cho bản thân hướng đến.

Hay hình ảnh nhiều bạn trẻ ngâm mình trong dòng nước đen ngòm để nạo vét kênh mương của nhóm Sài Gòn Xanh, Hà Nội Xanh trong thời gian qua cũng cho chúng ta thấy người trẻ có ý thức như thế nào trước những vấn đề nóng của xã hội.

Hy vọng, những ai từng có những suy nghĩ “thất vọng” về những người trẻ trước đây, nay nhìn hình ảnh các bạn trẻ trong những ngày qua, hoặc như hình ảnh từ hoạt động của nhóm Sài Gòn Xanh, Hà Nội Xanh vừa nói trên có thể thay đổi suy nghĩ của mình về họ.

Với người viết, câu chuyện này cũng thêm một lần nữa nhắc bản thân rằng – cần có một cái nhìn đa chiều trước khi đưa ra một nhận xét hay ý kiến nào đó để tránh những thiên kiến, sai lệch do chưa đủ thông tin.

————

(*) Câu lạc bộ những người hâm mộ diễn viên, ca sĩ, cầu thủ bóng đá…

(1) – https://blog.filum.ai/cac-loi-thien-vi-trong-khao-sat

(2) – https://baophapluat.vn/bat-an-khi-con-la-fan-cuong-post482993.html

1 BÌNH LUẬN

  1. Ai chưa qua, chưa phải là người. Trẻ rồi cũng phải già. Tính nết, phong cách, thiên hình vạn trạng Mỗi người, mỗi khác.Tôi nay đã 65 tuổi. Có hai cậu con trai. Cậu đầu, ăn chơi, nhảy múa. Cậu sau, ham công tiếc việc. Nghịch đảo nhau có vẻ như 100%. Tương lai không biết chắc ai sẽ hơn ai đây ? Nhìn đi nhìn lại, hai cậu chỉ có một điểm giống nhau, đó là luôn thương yêu nhau. Không biết đó có phải là niềm an ủi và hạnh phúc nhất của người già (cha mẹ) không ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới