Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhìn vào trong

Nguyễn Ngọc Tư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Bạn nhắn rằng, giờ mới sực nhớ mình có cái vòm họng, nhận ra nó quan trọng nhường nào. Vào những ngày họ tìm người liên quan đến những ổ dịch, chỗ nào bạn cũng từng đính bóng mình vào. Phản ứng với nỗi sợ, bạn nuốt nước bọt suốt, xem có đau không. Lần đầu tiên, bạn có cảm giác như tận thấy từng chi tiết của cái vòm họng trơn ướt sau một đợt nước bọt tuôn qua, những hạt, lưỡi gà, amidan.

Bạn như thấy được sắc hồng, sự mềm mại, và nỗi bồn chồn của vòm họng mình trước nỗi bất an bị tấn công bởi thứ virus đầy nọc độc.

Báo khoa học thường thức viết rằng trong hai mươi bốn giờ, có khoảng nửa đến một lít rưỡi nước bọt được tiết ra. Nhưng chúng ứa qua những kẽ răng và trôi mất trong vô thức, đôi khi bạn còn không nhớ mình có nước bọt (bạn không thường muốn nhổ vào ai đó). Giống như bạn cho bao nhiêu thức ăn xuôi vào cổ họng, và cũng qua ải ấy, lời ra.

Mỗi ngày cổ họng tiếp nhận từng nào ngọt ngào và cay đắng, nhưng bạn không để ý nó, không một chút nào. Chừng nào nó không đau, họng hạt hay amidan không sưng đỏ lên, thì bạn còn quên lãng nó. Vòm họng chỉ là ví dụ nhỏ cho sự vô tình của bạn đối với xác thân. Không may, vô tình là thứ giàu có nhất trong bạn.

Giờ mới thấy mình chưa chu toàn với thân, bạn nói. Cũng đứng cùng ngồi cũng nắng gió nhưng không để tâm vào. Cho thân ăn uống đủ, che chắn nó bằng những bộ quần áo sặc sỡ, đính vào nó chút trang sức, là xong. “Ăn để còn có sức mà làm mà chơi”, bạn nghĩ vậy khi lùa nhanh mớ cơm canh vào bụng.

Từ khi làm mẹ trẻ con, bạn không còn thói quen nhai chậm, nghiền kỹ nữa. Ăn nhanh vì sợ con khóc. Ăn nhanh vì sợ trễ giờ làm. Ăn nhanh để kịp ra quán nước ngồi tụ bạ. Mọi thứ phó mặc cho dạ dày, không chút áy náy. Như đổ xăng cho xe chạy. Như tưới cây chờ hái trái. Làm gì có mối quan hệ đẹp đẽ khi ta cho đi để mong đổi lấy thứ gì khác.

Nhớ lại thì mình chưa từng đối xử với thân xác như bạn bè, trước cuộc bệnh dịch này. Thỉnh thoảng bạn còn cảm thấy nó phiền. Những bó mỡ bất trị, các khớp xương đau tùy hứng, những khoang xoang viêm nhiễm lưu niên, ruột sôi réo dù vừa được lấp đầy. Soi mình vào kiếng thấy bao chi tiết không vừa ý, sao bắp tay to sao đôi môi dày. Đôi khi cảm thấy tấm thân này vay mượn của ai, xa lạ. Có lần bạn còn rời nó đi một khoảnh khắc, ở một khoảng cách vừa phải, trông nó thật nặng nề. Một khối thịt trần tục, không hơn.

“Cũng may là bây hồi hồn lại”, má bạn hay nói vậy, về sự cố khi đó, “không thì chẳng biết giờ thành nắm bụi nào”. Bà có hồi giận điên khi con thức đêm ngủ ngày. Virus cú mèo đã lây nhiễm vào cả trang lứa của bạn, dài đến cả thế hệ sau. Má ngao ngán nói một đứa không biết yêu cái thân mình thì biết yêu ai.

Nhưng tuổi hai mươi, những đứa trẻ lớn xác chỉ biết yêu người, thậm chí yêu đến quên mình. Có kẻ còn dại đến hủy mình. Bạn nghĩ phải đợi tới tuổi nào đó, như má, mới bắt đầu chăm chút cho thân, bắt đầu tập dưỡng sinh, biết bớt muối món canh, luộc thay cho xào, nghe đâu có bài thuốc hay lấy sổ tay ra chép lại.

Ngẫm lại, lâu lâu đau chỗ này, viêm chỗ nọ, chính là thân xác nhắc cho mình nhớ nó có tồn tại. Nó không phải vô hình khối. Giờ nhận ra điều đó hơi trễ, bạn nghĩ vậy, trong lúc nhìn luồng khí đi vào buồng phổi. Phải dùng từ nhìn, không phải là cảm giác, bởi trong tâm trí bạn, hình ảnh ấy thật sống động, như có thể thấy cả vẩn bụi lẫn trong hơi thở. Nhìn vào trong thì không cần mắt.

Lần đầu tiên, thế giới bên ngoài – những tranh giành chen lấn, những ngọt nhạt thảo mai, bầy bạn và kẻ thù – hết thảy đều mờ đi, khi bạn lắng nghe cơ thể mình, nhịp tim phập phồng, độ ấm dưới da, cơn choáng thoáng qua. Nhỏ dung dịch khử khuẩn vào khoang mũi, nồng đến chảy nước mắt, bạn thấy thân xác mình gần gũi mà cũng mong manh biết chừng nào.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới