Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhờ dòng tiền ngoại, VN-Index có chuỗi phiên ‘thăng hoa’!

Thanh Thủy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam nối dài mạch phục hồi trong tuần đầu tiên của tháng 12 khi chỉ số VN-Index tăng mạnh tới 108,5 điểm, tương đương 11,2%, lên mốc 1.080 điểm. Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng tăng 19 điểm, tương đương 9,8%, lên 215,9 điểm. Ngoài điểm số tăng, một điểm tích cực khác là sự nhập cuộc mạnh mẽ của dòng tiền, thể hiện qua khối lượng giao dịch trên sàn HOSE tăng 70,6% và giá trị giao dịch tăng 78,4% so với tuần trước đó, lần lượt lên mức 5,47 tỉ cổ phiếu và 91.678 tỉ đồng.

Về diễn biến cụ thể, sắc xanh lan tỏa khắp thị trường trong ba phiên đầu tuần, giúp chỉ số chung tiếp cận khu vực 1.070 điểm. Đà tăng có phần chững lại khi chịu áp lực bán chốt lời T+ vào phiên ngày 1-12 song giao dịch trên thị trường trong phiên này lại rất sôi động, đẩy thanh khoản tăng đột biến với giá trị khớp lệnh trên HOSE lên đến hơn 20.300 tỉ đồng, cao hơn gần 42% so với phiên trước đó, đánh dấu mức thanh khoản cao nhất trong hơn bảy tháng kể từ ngày 22-4-2022. Ngay sau đó, trong phiên cuối tuần, lực cầu tăng mạnh đã giúp thị trường nở rộ sắc tím với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu trụ cột “ngân hàng - chứng khoán - thép”, giúp VN-Index tăng tới gần 45 điểm, trở thành chỉ số tăng mạnh nhất châu Á.

“Điểm sáng” nổi bật nhất trong tuần qua phải kể tới giao dịch khối ngoại mua ròng 5/5 phiên giao dịch với giá trị đạt hàng ngàn tỉ đồng mỗi phiên. Tốc độ giải ngân của dòng vốn ngoại dâng lên mức cao kỷ lục và trở thành động lực quan trọng nhất ủng hộ sự hồi phục của thị trường chung. Nếu chỉ xét trên kênh khớp lệnh thì nhà đầu tư ngoại mua ròng 9.193 tỉ đồng, đồng thời mua ròng thêm 165 tỉ đồng trên kênh thỏa thuận. Trước đó, trong tháng 11, khối ngoại lập kỷ lục chưa từng có khi mua ròng xấp xỉ 16.000 tỉ đồng thông qua kênh khớp lệnh.

Trên thế giới, TTCK Mỹ có tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp với việc chỉ số Dow Jones nhích nhẹ 0,2%; chỉ số S&P 500 và Nasdaq lần lượt tăng 1,1% và 2,1%. Trong tháng 11-2022, kinh tế Mỹ đã tạo thêm 263.000 việc làm mới (vượt dự báo 200.000 việc làm của các chuyên gia trước đó) trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,7%. Số liệu việc làm ở mức tương đối “mạnh” như trên được nhận định sẽ kéo giảm khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất chậm lại trong quá trình chống lạm phát. Sau nhiều lần nâng lãi suất liên tiếp, lãi suất của Fed hiện ở phạm vi 3,75%-4%.

Về tình hình kinh tế trong nước, Tổng cục Thống kê trong tuần trước đã công bố báo cáo tình hình kinh tế tháng 11-2022 với một số tín hiệu tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 chỉ tăng 4,2%). Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 11 tháng ước đạt 445.900 tỉ đồng, bằng 74,9% kế hoạch năm, tăng 19,9% (cùng kỳ năm 2021 bằng 74%, giảm 7,7%). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 342,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 13,4%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 331,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 10,1%; theo đó cán cân thương mại xuất siêu 10,6 tỉ đô la Mỹ. Trong khi đó, lạm phát tháng 11-2022 tăng 4,56% so với tháng 12-2021 và tăng 4,37% so với cùng kỳ. Dù các chỉ số vĩ mô nêu trên tương đối tích cực nhưng “điểm nóng” đối với các doanh nghiệp hiện tại chính là việc thiếu vốn sản xuất kinh doanh. Hiện các kênh huy động vốn của doanh nghiệp đều bị ách tắc khi ngân hàng đã hết room tín dụng từ đầu quí 3-2022 (Ngân hàng Nhà nước mới điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng vào chiều ngày 5-12-2022), các kênh huy động vốn khác của doanh nghiệp như cổ phiếu, trái phiếu đều rất khó khăn. Sự đứt gãy về nguồn vốn có thể sẽ đe dọa triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế trong năm tới.

Về xu hướng TTCK, nhịp hồi phục nhanh và mạnh hiện tại đang mang đến không ít bất ngờ cho các nhà đầu tư. Được dẫn dắt bởi dòng tiền ngoại, VN-Index đang dần hướng trở lại mốc 1.100 điểm. Thanh khoản ngân hàng dù vẫn chưa hết căng thẳng, nhất là trong thời điểm cuối năm khi các ngân hàng vẫn đang tiếp tục cuộc đua lãi suất huy động. Tuy vậy, tín hiệu khả quan lại đến từ thị trường ngoại hối khi tỷ giá đang hạ nhiệt nhanh. So với mức đỉnh hồi cuối tháng 10 (khoảng 24.900 đồng/đô la Mỹ), giá đô la Mỹ tại các ngân hàng hiện đã giảm 600-650 đồng, tương đương giảm khoảng 2,5-2,6%. Theo đó, so với đầu năm, tỷ giá hiện chỉ còn cao hơn khoảng 5,7-5,8%. Trên thị trường tự do, giá đô la Mỹ cũng giảm về mức 24.620-24.720 đồng/đô la. Dòng tiền kiều hối về cuối năm cùng dòng tiền ngoại mua ròng trên TTCK đang hỗ trợ cho tỷ giá khá nhiều.

Hiện chưa rõ bao giờ nhịp hồi phục này sẽ kết thúc nhưng trước mắt điều tích cực là nó đang giúp lấy lại niềm tin cho giới đầu tư. Vì vậy, hãy cứ tận hưởng và kỳ vọng con sóng này sẽ kéo dài lâu nhất có thể!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới