(KTSG Online) – Hiện nay, các doanh nghiệp đồng loạt tăng tuyển dụng lao động khi đơn hàng quay trở lại hoặc mở rộng quy mô nhà xưởng. Dù đã đưa ra rất nhiều chính sách ưu đãi để thu hút lao động, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tuyển đủ lao động.
- Mã độc tống tiền ransomware nhắm vào doanh nghiệp ngày một nhiều
- Hà Nội, TPHCM có nhu cầu tuyển dụng hàng ngàn lao động
Chế độ tốt nhưng vẫn thiếu lao động
Theo anh Trần Xuân Bằng, Phó phòng quan hệ lao động, Công ty trách nhiệm hữu hạn May mặc Bowker Việt Nam (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương), từ quý 4 năm 2023 đến nay, công ty bước khôi phục sản xuất và liên tục nhận thêm đơn hàng. Do đó, công ty đang cần tuyển thêm rất nhiều người lao động mới.
Tính đến nay, công ty đã tuyển dụng được khoảng 900 công nhân may. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn tiếp tục tuyển thêm 1.000 người để đáp ứng nhu cầu đơn hàng ngày một gia tăng, với mức thu nhập của công nhân may trung bình 10 triệu động/tháng.
Ngoài ra, đối với công nhân may mới gia nhập lần đầu tiên tại công ty, nếu có tay nghề hoặc có bậc nghề cơ bản, thì đều được thưởng mức thưởng gia nhập, cao nhất là một triệu đồng. Đối với những người lao động đang làm tại công ty, đơn vị cũng khuyến khích họ giới thiệu anh chị, em, bạn bè cùng gia nhập để làm việc. Bởi họ đều được thưởng với mức thưởng cao nhất cũng là một triệu đồng, không giới hạn số lượng.
Dù công ty đưa ra rất nhiều chính sách ưu đãi cho cả người đến tuyển dụng và người giới thiệu lao động, nhưng hiện vẫn chưa tuyển đủ nhân sự để đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, anh Bằng thông tin.
Theo báo cáo từ Sở Lao động - Thương binh và xã hội Bình Dương, dù đã bước sang quý 2-2024, nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương vẫn đang thiếu hụt nguồn nhân lực để đáp ứng đơn hàng, mở rộng sản xuất. Bên cạnh ưu tiên cho những lao động có tay nghề, các doanh nghiệp vẫn cần tuyển dụng lao động phổ thông để đào tạo, đáp ứng công việc.
Không chỉ tại Bình Dương, một số doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM cũng gặp tình trạng khó tuyển dụng lao động. “Doanh nghiệp nhận nhiều đơn hàng, song lượng công nhân lại dường như khan hiếm hơn”. Đó là nhận định của bà Trần Thị Ngọc Hiền, Trưởng phòng nhân sự Công ty trách nhiệm hữu hạn May thêu giày An Phước - Nhà máy Tân Bình 2 (TPHCM). Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, dù đã đưa ra rất nhiều chính sách ưu đãi để thu hút, nhưng số lượng lao động cần cho chuyền may mới, nhà máy vẫn chưa tuyển đủ.
Trước đó, bộ phận tuyển dụng của công ty đã đăng tuyển tìm người lao động trên một số trang mạng xã hội và trang tìm kiếm việc làm như Chợ tốt, Facebook, thậm chí còn dán băng-rôn khắp nơi ở trong khu công nghiệp Tân Bình.
“Một số người nghĩ rằng hiện thị trường khan hiếm công việc khiến nhiều lao động thất nghiệp chưa có việc làm. Tuy nhiên, thực tế công nhân họ cũng kén chọn công việc. Mặt khác, một bộ phận công nhân giờ nghỉ làm để chờ hưởng bảo hiểm xã hội, làm thời vụ chứ không chấp nhận làm lâu dài nên chưa thể tuyển đủ”, chị Hiền chia sẻ.
Có thể thấy rằng, hiện các doanh nghiệp đồng loạt tăng tuyển lao động khi đơn hàng quay trở lại hoặc mở rộng quy mô nhà xưởng. Tuy nhiên, bài toán về nhân lực để đáp ứng nhu cầu sản xuất cũng khiến các chủ doanh nghiệp băn khoăn. Các chuyên gia cho biết trên thực tế có không ít lao động đang thất nghiệp nhưng doanh nghiệp lại không tìm được người. Trong khi đó, một bộ phận lao động ở địa bàn cũ quen với việc sống ở khu vực cụ thể, không muốn thay đổi...
Vá lỗ hổng cung - cầu lao động
Trước tình trạng trên, trao đổi với KTSG Online, bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM thông tin, từ sau tết Nguyên đán đến nay, nhiều doanh nghiệp ở TPHCM có nhu cầu tuyển dụng. Trong bối cảnh phục hồi kinh tế, đa phần doanh nghiệp đều cần mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh hoặc cần lực lượng thay thế cho số nghỉ hưu, nghỉ việc để tìm kiếm chỗ làm tốt hơn.
Theo kết quả khảo sát 300 doanh nghiệp ở TPHCM, “có 18,67% doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động tuyển dụng lao động. Lý do khó tuyển là ứng viên không đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp chiếm 68,66%; tiền lương, tiền thưởng thấp chiếm 20,9%; điều kiện làm việc như môi trường, an toàn lao động, hệ thống quản lý chưa tốt chiếm 5,97%…”, bà Trang thông tin.
Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM cho rằng toàn cầu hóa và số hóa đã và đang làm thay đổi cấu trúc, cách thức tổ chức công việc. Nhiều việc làm cũ mất đi do không còn hợp thời, nhiều việc làm mới xuất hiện đòi hỏi cao về kỹ năng và sự hiểu biết về công nghệ. Để bên tìm việc và bên tìm người “gặp” được nhau, các đơn vị cần linh hoạt trong công tác đào tạo nghề, nhất là những ngành nghề, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Người lao động cũng cần chủ động nâng cao tay nghề, cập nhật thông tin để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và sự thay đổi không ngừng của thị trường lao động.
Thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM đã thực hiện nhiều giải pháp kết nối cung cầu lao động. Trong đó, sở tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng lao động của các doanh nghiệp, quan hệ lao động trong doanh nghiệp; giám sát việc thực hiện chế độ cho người lao động mất việc, thiếu việc làm. Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc sở cũng tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm, đào tạo nâng cao kỹ năng quản lý cho chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực trình độ cao...
Để vá lỗ hổng cung - cầu lao động hiện nay, bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM cho rằng, các cơ quan quản lý về thị trường lao động cần sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu cung cầu lao động dùng chung cho các tỉnh, thành phố để việc kết nối cung cầu được thuận lợi hơn. Cơ sở dữ liệu sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí tuyển dụng và nhanh chóng tìm được ứng viên phù hợp, giúp người cần việc sớm tìm được việc làm.
Bà Thục cũng mong muốn có một ứng dụng sàn giao dịch việc làm trực tuyến dùng chung để người tìm việc và nhà tuyển dụng trên cả nước dễ dàng tương tác với nhau. Khi đó các tỉnh đang cần lao động như TPHCM, Bình Dương sẽ dễ dàng thu hút lao động ở các tỉnh có nguồn lao động dôi dư. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống dữ liệu ngành liên thông như vậy đòi hỏi nhiều thời gian và chi phí, cần sự nhất quán về dữ liệu nguồn, cơ chế vận hành, bảo mật… Do đó, các địa phương cần đẩy mạnh hoạt động thu thập thông tin về cung cầu lao động trên diện rộng trong thời gian sắp tới.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và xã hội Bình Dương, dự báo trong 6 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp cần khoảng 25.000-30.000 lao động, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông và lao động có tay nghề chiếm 80%.
Còn tại TPHCM, theo báo cáo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM thuộc Sở Lao động Thương binh và xã hội TPHCM, năm 2024, THCM cần từ 300.000 đến 320.000 chỗ làm việc. Trong đó, nhu cầu nhân lực quý 2-2024 cần khoảng 75.000 đến 77.000 chỗ làm việc.
Ở góc độ nông dân tôi thấy chúng ta cần có sự điều chỉnh quản lý và sử dụng nguồn lực đào tạo nghề. Nghĩa là trước yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, thu hút FDI thế hệ mới, yêu cầu phát triển DN hỗ trợ và sự biến đổi công nghệ… thì chúng ta nên tăng cường quan hệ lao động, hỗ trợ trực tiếp cho DN và người lao động để đào tạo và đào tạo lại dựa trên nhu cầu công việc mà hệ thống đào tạo cung ứng miễn phí hiện nay không theo kịp. Thay vì chi nhiều cho đào tạo mà đáp ứng được nhu cầu sử dụng khá hạn chế, đặc biệt là khâu đào tạo ở nông thôn. Bên cạnh đó là thiết kế lại chích sách lục lợi, an sinh và các dịch vụ hỗ trợ khác cho thị trường lao động. Thí dụ muốn hút lao động nông thôn thì phải cơ giói hóa nông nghiệp, phát triển các dịch vụ giao động, giáo dục, chăm sóc y yế, ăn uống và tài chính, bảo vệ… để người lao động toàn tâm vì công ty doanh nghiệp. Đây là sự kết hợp khá hoàn hoàn hảo giữa qua hệ với chính sách đào tạo, phúc lợi và an sinh, mang ý nghĩa phát triển bao trùm thực chất thay vì nói suông