Những chiếc đinh đóng nửa vời!
TS. Nguyễn Sỹ Phương
![]() |
(minh họa: Khều) |
(TBKTSG) - Ngồi trên xe con lượn vào tiền sảnh vòng cung thênh thang, ngước nhìn lên, toàn cảnh khách sạn công đoàn bề thế ở thành phố này cho du khách lạ một ấn tượng, tưởng như bước vào một khách sạn thương hiệu tầm cỡ bên Tây. Nhân viên phục vụ đon đả ra tận cửa chào, niềm nở mở cửa xe, đỡ va ly hành lý mang về tận phòng.
Bắt chuyện với hai cô phục vụ phòng tươi cười như hoa, nghe lương họ chỉ chừng một, hai triệu đồng/tháng, tôi nhẩm thấy chưa bằng một nửa tiền phụ cấp ở Đức cấp cho bất cứ công dân nào có con. Tới khi nghe tôi nói lương bồi phòng bên Đức trên 1.000 euro, chưa kể ốm đau, thất nghiệp, tai nạn, về hưu, tất cả đã có nhà nước bao hết, hai cô gái đã không khỏi tròn mắt: - Họ trả lương cao thế!.
Thấy vẻ xuýt xoa của các cô, tôi phải cải chính: - Đừng nhầm, không phải khách sạn trả cao, mà lương do chính công nhân làm ra, lãi khách sạn cũng từ đó. Nhưng họ rất vất vả, hối hả, tất bật, đi thì như chạy giặc, làm thì thoăn thoắt, không được nhàn nhã như ở đây đâu. Chắc nghĩ bị đụng chạm, hai cô xị mặt lại: - Chúng cháu đâu có muốn nhàn nhã!
Câu phản ứng đơn giản nhất này của hai cô gái lại nhằm trúng một vấn đề cơ bản ở tầm vĩ mô của mọi quốc gia: Ai có thể cho họ vất vả, nếu không phải là các nhà hoạch định chính sách?
Nếu hiểu rằng mọi của cải vật chất trên đời này đều do lao động làm ra, thì nói đến phát triển đất nước, trước và trên hết phải là chính sách tổng thể về lao động, tiền lương và an sinh của mọi công dân! Lương lao động thấp đồng nghĩa với một đất nước nghèo.
Thoạt nhìn nội thất trong phòng thấy sáng bóng, phòng tắm thoáng, các thiết bị đúng chuẩn. Nhưng khi kéo chiếc rèm che bồn tắm, tôi giật mình, bản lề đỡ thanh treo rèm gắn vào tường có bốn lỗ, thì ở một lỗ, đinh vít chỉ vặn vào được chừng một phần ba, hai phần ba trơ rãnh xoắn ra ngoài; một lỗ khác thì không được đóng đinh. Tưởng chỉ ngoại lệ, không ngờ khi nghỉ qua hai phòng khác vẫn thấy kiểu vậy.
Đi tới bảng công tắc cầu thang máy, hiện đại như Tây, có tổng số sáu lỗ bắt vít thì hai lỗ giữa không đinh, tấm bảng cứ phập phồng. Chưa hết, hai cột nhà bề thế trong hội trường chìa ra hai chiếc đinh thừa, mà không phải, nhìn hồi lâu mới biết là hai đầu dây điện nối quạt máy tháo ra không dùng nữa nên được xoắn lại, nhìn cứ tưởng đinh.
Những chiếc đinh thiếu thừa, vít nửa chừng, chỉ có thể do thợ lắp đặt không chuyên, hoặc tắc trách, hoặc ăn bớt thời gian, hoặc người nghiệm thu thiếu trách nhiệm hay thông đồng gì đó. Hàng nhái khác hàng thật ở lỗi tiểu tiết, khách sạn hiện đại này nhái bởi lỗi cái đinh! Lạ là hàng nhái nhưng chẳng thua kém chính hiệu, phòng vẫn được đặt kín, khách sạn vẫn ăn nên làm ra, người làm cứ nhàn nhã.
Tìm hiểu mới biết nhiều khách tới đây là người ở các cơ quan, doanh nghiệp, trong Nam ngoài Bắc đi công tác, du lịch, hội họp, biết tiếng công đoàn. Công đoàn ở các nước tân tiến là một tổ chức xã hội, thiện nguyện, bất vụ lợi, không được phép kinh doanh, nếu có chăng nữa thường cũng lỗ hoặc phá sản vì không đúng chức năng. Công đoàn ở ta được coi là một mắt xích của hệ thống chính trị, khách sạn vượt qua được lỗi hàng nhái chính nhờ ưu thế, khai thác qua các mối quan hệ. Nhưng hệ lụy lâu dài, thương hiệu chắc sẽ không đến với họ, và người phục vụ cũng sẽ khó có cơ may được vất vả để hưởng lương khá như ở Đức.
Chuyện những chiếc đinh chưa dừng lại. Khi tôi đến trụ sở ủy ban của một quận tại Hà Nội, trong phòng chờ - như đợi tàu, chẳng ai đoái hoài, ngoài mình ngóng đến lượt. Ngồi ở chiếc bàn học sinh được đóng liền với ba chiếc ghế đẩu nhưng mất đâu cái ghế chính giữa, chắc đã lâu rồi vì trơ khung xỉn bên dưới. Bất ngờ, tôi thấy một chiếc đinh ốc bảy phân vặn vào cũng sâu chỉ đúng một phần ba, cùng mẫu ở khách sạn công đoàn và là nguyên nhân mất chiếc ghế.
Chuyện chiếc đinh này phản ảnh một vấn đề lớn khác của quốc gia. Không một nhà nước nào có thể cầm tay chỉ thợ cách đóng đinh nhưng chiếc đinh sẽ tự động vào đúng vị trí, chiếc ghế sẽ không bị mất nếu tạo được cơ chế. Người đứng đầu cơ quan công quyền đó chỉ được phép tại vị khi và chỉ khi bất cứ người dân bình thường nào tới, dù được việc hay không, cũng hài lòng với cách hành xử của cán bộ, công chức, chứ không bị cảnh chờ tàu, ghế hỏng chỉ bởi chiếc đinh! Một cơ chế như thế muốn hữu hiệu, ít nhất nó phải thỏa được điều kiện cần: công chức (cũng là người lao động) muốn vất vả sẽ được trả lương xứng đáng.
Ở một khách sạn liên doanh nước ngoài tại Nha Trang, chiếc đinh trên lại biến dạng sang kiểu khác. Khuôn viên nhà hàng ngoài trời của khách sạn này khiến tôi tưởng tượng nơi đây, trước kia trông như một vườn thượng uyển với chim ca, bướm lượn. Tuy vườn cây cổ thụ vẫn đan lá, thả rễ sum sê như trong cảnh Hồng Lâu Mộng, nhưng những dây lát đan kết lồng chim, nơm cá, chao đèn treo khắp các tán cây, không ít cái đã đứt gãy, lồng há hốc, nơm chìa răng khấp khểnh như răng ông lão, trông thật bi hài. Khách sạn chắc chỉ chừng dăm hay chục tuổi nhưng có lẽ họ chỉ chăm khai thác mà không tu bổ.
Chẳng nhà nước nào có thể thay hay buộc chủ doanh nghiệp làm điều đó, nhưng cơ chế cạnh tranh tự do, và luật pháp kích thích doanh nghiệp đầu tư khi cho phép họ được khấu trừ khoản khấu hao tài sản vào thuế. Cơ chế này khuyến khích doanh nghiệp chọn lựa phương án tu bổ, đầu tư cho lâu dài hơn là ăn xổi, khai thác triệt để. Khác các nước tân tiến, thiên nhiên, tài nguyên ở ta không được bồi đắp, làm cho phong phú hơn mà ngày càng bị khai thác kiệt quệ, ô nhiễm trầm trọng, hạ tầng mau xuống cấp. Thực ra, những điều đó cũng từ những lý do nhỏ kiểu chiếc đinh, lồng chim, nơm cá nêu trên.
Nhiều “chiếc đinh” thừa thiếu, ốc vít vặn nửa chừng, nhiều “lồng chim”, “nơm cá” đứt gãy, tích tụ theo năm tháng và cộng hưởng với nhau sẽ không thể giải quyết được nếu không đặt chúng ở tầm quan trọng vĩ mô. Và nếu ngay cả cơ chế chính sách cũng bị lỗi chiếc đinh (không công khai, không dễ phát hiện) thì khó có thể kỳ vọng vào một nền pháp trị, xa hơn, một đất nước dân giàu, nước mạnh như các quốc gia tân tiến mà chúng ta đang theo đuổi.