Thứ Sáu, 18/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Những lượt nhấp chuột không ‘tạo ra’ Sam Ryder

Nguyễn Ngọc Trâm(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Những khẩu hiệu trên bảng quảng cáo có thể gây ra “sóng gió”. Quảng cáo ở một cuộc thi âm nhạc danh giá nhất châu Âu như Eurovison năm 2023 là điều bình thường, nhưng TikTok đã làm điều bất thường khi giương cao khẩu hiệu: TikTok - Nơi khởi đầu của những ngôi sao.

Nội dung được ghi trên tấm biển quảng cáo, được đặt ở trung tâm Liverpool, có sự góp mặt của Sam Ryder. Nguồn: https://newsroom.tiktok.com

Một trong những điểm “gây bão” ở Eurovision 2023 - được tổ chức ở thành phố Liverpool (Vương quốc Anh) hồi tháng 5 qua - là tấm biển quảng cáo có sự góp mặt của ca sĩ Sam Ryder. Sam Ryder là nghệ sĩ mới nhưng không còn trẻ - người đã có cú đột phá đầy ấn tượng trong thời gian nước Anh phong tỏa vì dịch Covid-19 vào tháng 3-2020 và là người về nhì trong Eurovision 2022 với bài hát Space Man. Con đường đến thành công của Sam Ryder - cũng giống như rất nhiều các nghệ sĩ thành công khác - không hề bằng phẳng và nhanh chóng.

Sam Ryder và “Nơi khởi đầu của những ngôi sao”

Ryder lần đầu ra mắt trong vai trò ca sĩ và nghệ sĩ guitar ở tuổi 16 khi anh đồng sáng lập ban nhạc The Morning After, họ đã kịp phát hành hai album trước khi giải thể. Tiếp sau đó, anh tham gia một ban nhạc Rock tại Canada là Bless by a Broken Heart và đã đóng góp vào album Feel the Power của họ. Ryder chia tay ban nhạc vào năm 2013 và có bến đỗ mới là Close Your Eyes, thêm một ban nhạc Rock khác ở Mỹ.

Đến năm 2016, Ryder đã thu âm một album với nhà sản xuất Bryan Wilson tại Nashville, Tennessee, mặc dù album này chưa bao giờ được phát hành. Vào năm 2019, ở tuổi 30, sau khi đã thử rất nhiều cách để khởi động sự nghiệp ca hát nhưng thất bại, anh buộc phải làm nghề… ca sĩ hát đám cưới để chạy ăn từng bữa.

Thế rồi đại dịch Covid-19 càn quét và cuộc đời Ryder được “nâng cấp” hoàn toàn khi anh bắt đầu tải các bài hát do mình cover lên mạng xã hội. Ryder không phải chỉ qua một đêm mà đã gây được chấn động trên mạng Internet và vụt sáng trở thành ngôi sao. Anh đã phải lao tâm khổ tứ, bỏ ra biết bao công sức để đạt được vị trí hiện tại và đã có được thành công mà anh hoàn toàn xứng đáng có được.

Mạng xã hội mà Ryder tải lên các bản cover do anh thể hiện chính là nền tảng video dạng ngắn TikTok và tấm biển quảng cáo đồ sộ có hình Ryder chính là để quảng bá cho họ, ngay kế bên Ryder là logo TikTok “to tướng” kèm theo dòng chữ đầy hãnh diện: “Nơi khởi đầu của những ngôi sao”.

Thoạt nhìn, người ta có thể nghĩ rằng đây chẳng qua chỉ là một màn hợp tác quảng cáo giữa một nghệ sĩ mới nổi đang cần sự chống lưng từ một thương hiệu mạnh như TikTok - gã khổng lồ công nghệ đang muốn bành trướng sang lĩnh vực âm nhạc. Dẫu sao thì TikTok cũng là nền tảng giúp Ryder được khám phá và bật lên hàng ngôi sao.

Vậy thì nếu đây là cách anh thể hiện sự biết ơn (và cũng để nhận hợp đồng quảng cáo hậu hĩnh nữa) thì cũng chẳng có gì sai. Tất nhiên là vậy nhưng điều khiến những chuyên gia âm nhạc phải nhíu mày chính là khẩu hiệu “nơi khởi đầu của những ngôi sao” kia.

Bởi vì, TikTok không xây dựng cho Ryder kỹ năng chơi nhạc, không dạy Ryder viết những bài hát hay. TikTok không dạy anh ấy cách thu hút và quản lý khán giả. TikTok thậm chí còn không giúp Ryder định hình phong cách ăn mặc. Tất cả những gì TikTok có thể làm là cung cấp một nền tảng để anh ấy có được sự lan tỏa. Phải thú thực là điều ấy cũng rất quan trọng với một nghệ sĩ vô danh, nhưng cũng không thể giảm bớt được cảm giác dễ gây hiểu nhầm mà tấm biển quảng cáo gợi lên.

Những nền tảng ảo như TikTok, cùng với những lời quảng cáo phóng đại của họ như trên, đang làm xuất hiện nhiều suy nghĩ lệch lạc về cách chúng ta “tạo ra” những người nghệ sĩ.

Nơi khởi đầu đích thực

Theo những lời bộc bạch của chính Sam Ryder, cảm hứng theo đuổi sự nghiệp âm nhạc đã đến với anh vào năm anh 11 tuổi, sau khi được thưởng thức buổi biểu diễn của ban nhạc rock Sum 41. Có thể nói rằng anh đã có cơ hội trực tiếp trải nghiệm cảm giác thế nào là một ngôi sao âm nhạc và đã quyết định dấn thân vào con đường đó.

Những buổi biểu diễn âm nhạc trực tiếp mới thực sự là nguồn cảm hứng, là bệ phóng thành công cho bất kỳ người nghệ sĩ nào. Việc dồn hết sự đầu tư cho những nền tảng mạng xã hội khi chúng chưa chứng minh được khả năng nuôi dưỡng tài năng và tạo ra các ngôi sao âm nhạc là sự liều lĩnh. Bởi vì thành công của một buổi biểu diễn trực tiếp được tính bằng số lượng vé bán ra. Một nghệ sĩ được mời biểu diễn chính tại một lễ hội âm nhạc lớn chỉ khi anh ta chứng tỏ được bản thân bằng doanh số bán vé.

Còn đối với các mạng xã hội như TikTok, thước đo thành công không phải là lượng vé, mà là “lượt nhấp chuột” vào video của người sáng tạo nội dung. Và những lượt nhấp chuột không “tạo ra” Sam Ryder. Chính anh đã tạo ra con người mình hôm nay với hàng trăm hợp đồng ca hát, nhiều năm lao động miệt mài và với sự hỗ trợ của cơ sở hạ tầng biểu diễn âm nhạc. Có rất nhiều người trẻ hiện nay có thể trở thành “Sam Ryder” tiếp theo của TikTok. Nhưng cơ hội của họ đang ngày càng bị thu hẹp.

Vào tháng 3 năm nay, Music Venue Trust - một tổ chức từ thiện tại Vương quốc Anh với sứ mệnh bảo vệ, duy trì và cải thiện các địa điểm biểu diễn âm nhạc - đã cảnh báo rằng trước tác động của nền kinh tế trì trệ và giá năng lượng tăng cao, rất nhiều địa điểm tổ chức âm nhạc nhỏ lẻ và độc lập tại quốc gia này sẽ buộc phải đóng cửa, trong khi các kế hoạch hỗ trợ địa điểm trình diễn/triển lãm nghệ thuật của chính phủ Anh lại chỉ tập trung vào những nhà hát, phòng tranh và bảo tàng lớn. Tổ chức này cảnh báo rằng “2023 sẽ là năm mà tình trạng đóng cửa diễn ra tồi tệ nhất”.

Còn tại Mỹ, tình trạng này đã được đưa tin từ suốt năm 2020 cho đến cuối năm ngoái khi mà các địa điểm biểu diễn ca nhạc vẫn không thể vượt qua được ảnh hưởng khủng khiếp của đại dịch Covid-19.

Những công ty công nghệ hưởng lợi từ âm nhạc như TikTok (hay thậm chí cả Spotify) phải phụ thuộc vào những địa điểm như vậy để khám phá ra những tài năng âm nhạc mà họ có thể khai thác, nhưng có vẻ như chẳng đơn vị nào trong số đó sẵn sàng bỏ tiền đầu tư để giải TikTok (hay là hợp đồng có giá trị khổng lồ là 310 triệu đô la Mỹ mà Spotify ký kết với câu lạc bộ bóng đá Barcelona để công ty này in tên mình lên áo đấu của các cầu thủ), họ chỉ cần đầu tư một phần rất nhỏ so với những chiêu trò tốn kém đó thôi là cũng đủ để góp phần to lớn trong việc ngăn chặn tình trạng đáng buồn ở trên.

Vẫn phụ thuộc lớn vào ngành âm nhạc!

Các công ty công nghệ không có nền tảng về âm nhạc như TikTok, Spotify hay YouTube đang cố gắng thuyết phục dư luận rằng những người sáng tạo nội dung nổi tiếng trên nền tảng của họ có thể trở thành những nghệ sĩ thành công trong dài hạn, với một đội ngũ người hâm mộ đông đảo có thể duy trì sự tồn tại của ngành biểu diễn âm nhạc trực tiếp. Điều đó không khác gì một lời nói dối hệt như lời quảng bá “Nơi khởi đầu của những ngôi sao” kia vậy.

Những nền tảng mạng xã hội này, vốn phụ thuộc một phần rất lớn vào ngành âm nhạc, cần phải nhận ra rằng họ cũng có trách nhiệm hỗ trợ cứu vớt hệ thống cơ sở hạ tầng biểu diễn đang dần sụp đổ, có trách nhiệm đầu tư vào tương lai của âm nhạc chứ không nên lãng phí tiền của vào các chiến dịch quảng cáo kể cho công chúng một câu chuyện sai lệch về cách họ đã “tạo ra” các nghệ sĩ như thế nào.

(*) Chuyên gia thương mai hóa tài sản sở hữu trí tuệ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới