Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những ngày ở Aix

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những ngày ở Aix

Hải Lý

Trưng bày xe cổ vào một ngày nghỉ cuối tuần ở Aix. Ảnh: Hái Lý.

(TBKTSG) – Một nửa mùa hè của tôi trôi qua ở Aix en Provence. Rồi tháng 9 sang, tháng 10 tới. Khi mùa thu đã tràn về trên những con đường của Paris, nước sông Seine như thẫm lại, lá cây trong các công viên ngả vàng như màu tóc của các cô gái và bầu trời buổi chiều xám hơn như màu mắt của các chàng trai, thì Aix en Provence vẫn ngập trong nắng mật ong với 22-24 độ. Aix nhỏ xíu, đi bộ từ đầu này đến đầu kia thành phố, nếu không ngó nghiêng các cửa hàng thời trang và đồ lưu niệm, chắc chỉ mất một giờ đồng hồ.

Những ngôi nhà cổ tồn tại đã vài thế kỷ, những con phố nhỏ một chiều ngoằn ngoèo, những tiệm ăn đặc trưng miền Nam nước Pháp và gió mistral luồn lách, quẩn quanh bước chân, cuộn lên những đám lá khô xào xạc làm cho Aix không lẫn với bất cứ thị thành nào.

Đôi khi rời bỏ những quán cà phê ngoài trời, những nhà hàng nổi tiếng thâm niên trăm tuổi trên đại lộ Mirabeau, ngồi trong một quán cà phê cũ rích, nền gạch mòn vẹt và tường được thiết kế như lở lói, nhìn ra ngoài đường chỉ thấy những bước chân. Những đôi chân phụ nữ ram rám, đi xăng-đan, bước thẳng và hơi dài, đích thị là dân Aix. Còn chân trắng muốt, đi giày, kể cả giày không đế thấp tẹt, mốt thời thượng của các cô gái, chắc hẳn là khách du lịch. Du khách, đàn ông cũng như đàn bà, không hề vội vã, bước chân ngang bên nọ, bên kia, bởi họ bị các cửa hàng hai bên đường hút mắt.

Chẳng ở đâu trên một diện tích hẹp có nhiều cửa hàng như ở Aix. Khác với khu mua sắm hiện đại ở cuối thành phố, gần bến xe buýt đường dài ra sân bay và đi các thị trấn xung quanh, các boutique ở khu phố cổ bài trí bắt mắt và nghệ thuật. Làm sao khác được khi đối tượng nhắm tới là khách thập phương. Từ những nhãn hiệu thời trang siêu đẳng đến những đặc sản riêng của Aix dường như đều mang hơi thở của thành phố, của cuộc sống nơi đây, không trộn hòa vào đâu được. Và chúng đều có giá trên trời.

Maurice, dân miền Nam chính gốc với khuynh hướng chính trị ủng hộ cựu Tổng thống Sarkozy, nay sống ở vùng ngoại ô, cuối tuần nào cũng vào Aix. Ông thường ngồi hút xì gà trong một quán cà phê ngoài trời rộng rãi trên quảng trường Precheurs, đọc báo và chỉ trích Chính phủ với các thành viên Đảng Xã hội của Tổng thống Hollande. Ông nói như khuyên nhủ rằng đừng có mua mấy thứ đồ giày dép, quần áo ở Aix vì chúng mắc kinh khủng. Ngay cả dân Aix cũng thường về Marseille, thành phố cảng lớn thứ hai của Pháp, cách đó 40 phút lái xe để mua đồ. Mà phần lớn dân cư của Aix không phải nghèo khó gì. Aix là một trong những bến đậu ưa thích của tầng lớp thượng lưu miền Nam.

Đem những bình luận có phần hơi thiếu khách quan của Maurice kể cho Gérard-André, người họa sĩ luống tuổi, chủ căn hộ nơi tôi ở trọ, ông nhíu mày. Tầm 65 tuổi, một nửa đời người gắn bó với Aix, nửa còn lại lang thang trên mọi vùng miền châu Âu, ông thản nhiên: “Aix là thế!”.

Trong căn hộ của ông chỉ có sách, đĩa nhạc, đồ gỗ cũ kỹ từ thời ông bà của Gérald-André để lại và tranh. Cơ man là tranh của ông. Lúc dọn nhà cho thuê, ông mang chúng lên căn phòng áp mái và khóa trái lại. Tôi bảo tôi sống với tranh cũng được dù sự am hiểu hội họa gần như bằng không. Ông ngó tôi trân trân, như muốn hỏi thiệt không và để lại những bức treo trên tường, cả trong nhà vệ sinh. Trong bếp, gần lối ra ban công, có mấy tấm áp phích triển lãm tranh của ông do Tòa thị chính thành phố tổ chức, lâu lắm rồi, những năm 80-90 thế kỷ trước. Ông kể các phòng tranh ở Aix đều có tranh của ông. Thỉnh thoảng họ cũng bán được và thu nhập cũng đủ để ông trang trải cuộc sống thường ngày.

Gérald-André, giống như mọi người ở Aix, không hay đi ra những đại siêu thị vùng liền kề để mua đồ ăn cuối tuần. Ông vào những cửa hàng nho nhỏ của Casino, Monoprix và các tiệm tạp hóa trong khu phố cổ. Cái cửa hàng Monoprix hai tầng gần nhà bé tẹo, nhưng bán đủ thứ. Đã vậy, lại còn mở cửa đến nửa đêm. Ngay cạnh lối vào, ngước mắt nhìn lên, thấy đề mở cửa từ 8 giờ sáng đến 24 giờ kèm theo câu hỏi và trả lời: “Vì sao đến 12 giờ đêm?”. “Vì sau nửa đêm là ngày mai”. Logic không chê vào đâu được!

Dân Aix tự hào về văn hóa ghê lắm. Đâu đâu cũng thấy có tranh của Paul Cézanne và hỏi về ông thì họ sẽ giải thích tỉ mỉ không dứt. Trong các hiệu sách địa phương, người ta bán đủ loại bưu thiếp, ảnh chụp lại các bức tranh phong cảnh Mont Sainte-Victoire, tranh tĩnh vật, chân dung…  của người họa sĩ tài ba sinh ra, lớn lên và mất ở Aix en Provence này.

Trong thành phố nhan nhản phòng tranh chép lại các tác phẩm của ông. Còn muốn học vẽ nghiệp dư, vài tuần, vài tháng cho biết cũng không thiếu cơ sở. Sáng Chủ nhật, những ngày không mưa, trên đại lộ Mirabeau, thường có hội chợ hoặc lễ hội văn hóa các vùng miền Nam. Các tổ chức xã hội, văn hóa, thể dục, môi trường… trưng bày đủ thứ, mời chào học nhạc, học múa, học nhảy, học yoga, nấu ăn, làm bánh, thiết kế thời trang… Âu là thứ sinh hoạt văn hóa nhằm tụ hội du khách tham quan.

Có nhiều nhà văn ghé Aix vào mùa thu – mùa dễ chịu nhất trong năm, một bữa nhìn trời mưa Gérald-André bỗng nhiên nói thế. Mưa ào ào ban đầu, sau chuyển sang lất phất trên những mái ngói vàng nhạt. Không biết có phải do khí hậu khô, độ ẩm thấp, mà ngói trên mái các tòa nhà không có rêu phong, cũng không xám xịt như ở Paris. Một số cửa sổ áp mái nhà đều đầy phân chim bồ câu. Chúng sống ở đó, mưa cũng như nắng. Chủ nhật mọi cửa hàng, tiệm ăn, cà phê đóng cửa, thành phố im như thóc đến mức nghe rõ cả tiếng bồ câu gù nhau bên cửa sổ.

Theo sự chỉ dẫn của người họa sĩ chủ nhà, tôi lượn lờ khắp các tiệm sách cũ và mới ở Aix. Có một cửa hàng chuyên bán sách tiếng Anh, mua đủ 200 euro thì được phát thẻ thành viên và được giảm 10% những lần sau. Cửa hàng có cả ngàn đầu sách, phần lớn là mới, chễm chệ trên các kệ, khuất sau quầy bar phía ngoài. Khách có thể uống cà phê, ăn bánh ngọt và ngồi đọc sách trên các bàn kê giữa tiệm. Giữa hè, kênh truyền hình BBC của Anh vừa chiếu xong 10 tập bộ phim lịch sử Nữ hoàng trắng, chuyển thể theo tiểu thuyết Nữ hoàng trắng, Nữ hoàng đỏ và Con gái kẻ buôn vua của nhà văn Philippa Gregory, nên trong cửa hàng bày một dãy hai mươi mấy tác phẩm của bà.

Cô gái đứng pha cà phê cho khách chỉ cho tôi cuốn tiểu thuyết mới nhất của Douglas Kennedy tựa đề Five Days và kể năm ngoái nhà văn người Mỹ này đã đến nói chuyện, ký tặng độc giả mua sách của ông ở đây. Douglas Kennedy đến cửa hàng sách tiếng Anh ở Aix, thật không thể tin được! Cô cho tôi xem cuốn The Moment có chữ ký của ông. Người ta đang hy vọng The Moment, cuốn tiểu thuyết hư cấu về nghề báo, phát thanh viên, chiến tranh lạnh, bức tường Berlin xâu chuỗi, xuyên suốt một mối tình không biên giới, đầy kịch tính, sẽ được dựng thành phim như một số tác phẩm của ông trước đó. Sao các dịch giả Việt Nam chưa dịch cuốn sách nào của Douglas Kennedy sang tiếng Việt nhỉ?

Một sáng Chủ nhật, hàng xóm tòa nhà nơi tôi cư trú gõ cửa. Họ khua khoáng dậy đi dậy đi lẫn trong tiếng loa ồn ào vọng lại từ phía trước tòa nhà Cour d’appel. Chỗ đó được tổ chức thành chợ bán đủ thứ vào cuối tuần, nhiều nhất là trái cây. Nhưng bữa ấy không phải chợ mà là cuộc trưng bày xe cổ mang tên Les vieux volants de Provence. Những chủ nhân xe cổ khắp vùng lái đến và du khách được một phen trầm trồ.

Ban tổ chức bán vé theo giờ 15, 30 hoặc 60 phút cho những ai có nhu cầu lượn quanh Aix trên những chiếc xe cổ họ thích. Chủ nhân sẽ làm tài xế chở đi bất cứ đâu theo yêu cầu. Tiền bán vé để ủng hộ trẻ em khuyết tật. Đám thanh niên choai choai khoái chí. Du khách châu Á, nhất là người Trung Quốc và Nhật Bản, thì chết mê chết mệt. Có chiếc xe từ thời Thế chiến thứ nhất. Còn những loại sản xuất năm 1930, 1940 thì không thiếu. Một cặp trai gái người Nhật xếp hàng mua một xấp vé, chụp ảnh và leo lên mười mấy cái xe, toàn mui trần, chạy khắp Aix đã luôn.

Xe mui trần được người Pháp gán cho cái tên Aspirateur de filles (cái máy hút các cô gái). Các chàng trai độ tuổi đôi mươi nào chẳng mơ sở hữu một cái! Xe mui trần mà cổ nữa thì chuyện thu hút những ánh mắt qua đường là chắc chắn. Hôm ấy một gia đình bốn người đã thuê hai tiếng một chiếc xe mui trần chạy tuốt ra ngoại ô, lướt trên những con đường mà hai bên ngạt ngào hoa oải hương.

Ở Aix chỉ có vài cửa hàng chuyên bán các mỹ phẩm và đủ thứ hoa khô từ oải hương. Người ta cũng không nói nhiều về nó. Có lần tôi đi qua căn nhà của gia đình Yves Rocher, người sáng lập ra hãng mỹ phẩm cùng tên nổi tiếng, ở một con phố nhỏ. Ông Rocher mất đã vài năm trước, giờ chỉ còn bà quả phụ vợ ông, sống ở đó vào mùa hè. Những người xung quanh nói nghe đâu bà không thích hoa oải hương, chẳng biết vì sao.

Những cánh đồng oải hương tím ngắt trải ngút tầm mắt ở các làng, thị trấn quanh Aix thường là điểm dừng chân của những người từ xa đến. Hầu hết du khách chụp ảnh, quay phim, đắm mình, lặng ngắm thiên nhiên và rồi tần ngần lái xe đi. Họ đem gì theo mình khi rời Aix? Thoảng trong mùi oải hương, trong cái nắng vàng ươm của miền Nam, băng qua những vườn ô liu xanh đậm, họ chắc hẳn có hình ảnh của một thành phố mang nặng ký ức lịch sử và di sản văn hóa trên vai. Aix sống bằng sự giữ gìn không gian, thời gian ấy!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới