(KTSG) - Tôi từng là một đứa trẻ rất tha thiết sách. Tình yêu con chữ được hun đúc từ năm tháng sống trên mảnh đất trung du nghèo khó. Ngày ấy, sách là thứ gì đó xa xỉ lắm. Ngoài những cuốn sách giáo khoa được chuyền tay qua bao nhiêu thế hệ thì gần như không có sách gì khác.
Tôi nâng niu cuốn sách giáo khoa đã rách mấy trang đầu, trang cuối đọc đến thuộc lòng. Đêm ngủ trong căn nhà không cửa những câu thơ trong sách lại vang lên. Nhiều hôm đi chăn bò, thấy tờ báo ai đó vứt nhàu nát trên đường làng tôi cũng dừng lại nhặt vuốt phẳng phiu đọc cho bằng hết. Tôi tha thiết nhìn thế giới bên ngoài qua những trang sách mà mình có được.
- Doanh nhân truyền lửa thói quen đọc sách cho học sinh
- Đường sách TPHCM ngày càng hút khách
Có lần cùng tụi bạn hay ngồi ở cổng ngóng chiếc xe bán hàng rong thỉnh thoảng đi qua chở đầy kẹo, bóng, tòng teng, ô mai khế. Thấy tôi tay cầm khư khư mấy ngàn tiền lẻ rụt rè mãi mà không chọn được món đồ nào, ông cụ bán hàng hỏi: “Cháu muốn tìm thứ gì? Trông đơn giản thế này nhưng xe hàng của ông thứ gì cũng có, từ cây kim cuộn chỉ”.
Tôi lí nhí bảo: “Cháu muốn mua sách cũ, ông có bán không ạ?”. Sững người vài giây ông xoa đầu tôi bảo: “Lần này thì không. Nhưng nhất định lần sau quay lại ông sẽ mang sách đến cho cháu”. Tôi không ngờ ông giữ lời hứa thật.
Những lần sau, khi tiếng chuông xe đạp vang lên “reng reng”, tôi chạy ùa ra cổng là thể nào cũng thấy ông cầm sẵn cuốn sách trên tay. Đó không phải là một món hàng để bán. Chỉ đơn giản là ông cụ mang đến niềm vui cho một đứa trẻ nghèo khát chữ. Những cuốn sách đó đều do ông xin được từ nhiều đứa trẻ khác, trong bao ngôi làng mà ông đã đi qua…
Những người yêu sách hẳn ít nhiều biết đến anh Nguyễn Quang Thạch, một người tận hiến cho việc sách hóa nông thôn. Người ta vẫn thường gọi anh với cái tên: hiệp sĩ khuyến học; người cõng sách. Dù bị hỏng một bên mắt, sức khỏe kém nhưng anh vẫn miệt mài cùng với cộng sự “cõng sách” đến các vùng nông thôn trên cả nước.
Đáng chú ý, năm 2010 và 2015, Nguyễn Quang Thạch đi xe máy và đi bộ xuyên Việt để kêu gọi ủng hộ chương trình. Anh trở thành người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Vua Sejong về xóa mù chữ của UNESCO năm 2016 - một giải thưởng tôn vinh những người khai trí.
Tôi theo dõi anh trên mạng xã hội đã lâu, cảm phục trước nguồn năng lượng tích cực mà anh mang đến cho cộng đồng. Tính đến năm 2019, “Sách hóa nông thôn” đã thu hút sự tham gia của hơn 100.000 người, xây dựng được trên 30.000 tủ sách, giúp hơn 400.000 người dân nông thôn.
Với sự chung tay của xã hội như cha mẹ học sinh, thầy cô giáo, người Việt sinh sống ở nước ngoài... Sách hóa nông thôn đã xây dựng được các loại tủ sách gồm: Tủ sách Dòng họ, Tủ sách Phụ huynh, Tủ sách Lớp em, Tủ sách Lớp học, Tủ sách Hậu phương chiến sĩ và Tủ sách Giáo xứ. Các tủ sách từ chương trình này hiện đã trải dài nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Không chỉ giúp trẻ em Việt Nam được tiếp cận với sách. Mà anh còn mang cơ hội đọc sách đến cho hàng triệu trẻ em Ấn Độ. Ngoài việc đưa nhiều tủ sách đến trường học, Nguyễn Quang Thạch đã cùng nhiều người dân Ấn Độ tổ chức đi bộ quốc tế ở Ấn Độ để thúc đẩy “Sách về nông thôn Ấn Độ. Sách vì Quyền đọc sách của trẻ em toàn cầu. Sách chống biến đổi khí hậu”.
Anh hy vọng việc vận động được người dân nghèo tại đây làm tủ sách sẽ có sức lan tỏa, tạo ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới như: Trung Quốc hay các nước nghèo ở châu Phi…
Nguyễn Quang Thạch quan niệm, thêm thư viện thì bớt nhà tù và cứ kiên trì giúp trẻ em đọc nhiều sách, 30 năm sau xã hội sẽ tiến bộ nhiều lên. Nên mối quan tâm của anh không chỉ là mang sách về nông thôn mà quan trọng hơn là làm sao để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em.
Anh và những cộng sự của mình nỗ lực vận động, kêu gọi, truyền đi thông điệp: “Người lớn hãy hình thành thói quen mừng tuổi sách để gieo mầm tri thức cho con em mình”. Anh kêu gọi mọi người cùng hành động cho đến khi sự nghe sách và đọc sách của trẻ em Việt Nam tiến gần các nước phát triển.
Anh từng nói: “Tôi sẽ tiếp tục kêu gọi sách cho hàng triệu trẻ em nông thôn Việt Nam. Nếu không đi bộ được nữa, tôi sẽ đi xe lăn xuyên Việt”. Tôi tin rằng ngọn đuốc tri thức mà anh bền bỉ thắp lên sẽ soi sáng muôn vạn nẻo đường.
Đã nhiều năm trôi qua, chiếc xe bán hàng rong không còn qua làng nữa. Tôi không thể gặp lại ông cụ năm xưa. Nhưng những cuốn sách ông mang đến như ngọn đuốc nhỏ thắp sáng những năm tháng ấu thơ lầm lũi của tôi.
Ánh sáng của ngọn đuốc ấy còn soi rọi cho tôi theo suốt cuộc đời. Tôi trở thành nhà văn, không mong ước gì hơn tác phẩm mà mình viết ra sẽ góp lửa cho những người đốt đuốc…