Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những nỗi lo trước mắt của Fed

TS. Võ Đình Trí

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Báo cáo Ổn định tài chính (Financial Stability Report) của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) vừa mới công bố cho thấy những rủi ro đối với hệ thống tài chính trong vòng 12-18 tháng tới đã có một số thay đổi đáng kể so với sáu tháng trước.

Lạm phát còn bị thổi bùng bởi khủng hoảng giá năng lượng, nguyên liệu và lương thực do khủng hoảng Nga – Ukraine. Và đến lúc này, Fed đã phải thừa nhận lạm phát là một vấn đề lớn cần phải xử lý.

Chiến tranh Nga – Ukraine trở thành rủi ro đáng quan ngại nhất và dịch Covid-19 đã trở thành thứ yếu. Cùng với đó, rủi ro thắt chặt tiền tệ, lạm phát cao kéo dài, và giá chứng khoán giảm là những mối nguy tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung.

Hệ lụy khôn lường của cuộc chiến Nga – Ukraine

Như vậy là sắp tròn ba tháng Nga tấn công Ukraine. Cuộc chiến đã tạo ra một cuộc khủng hoảng giá năng lượng và lương thực khiến cho áp lực lạm phát nhảy vọt trong ngắn hạn ở nhiều nền kinh tế. Bị ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất là các doanh nghiệp, các nước châu Âu có mối quan hệ thương mại, đầu tư chặt chẽ với Nga. Và trong môi trường liên thông quốc tế thì hiệu ứng lây lan (spillover effect) cũng đe dọa đến sự ổn định của các nền kinh tế còn lại trên thế giới.

Lệnh cấm vận của các nước phương Tây và Mỹ đối với dự trữ ngoại hối của Nga cũng như hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT) trong dài hạn có thể ảnh hưởng đến sự phụ thuộc vào đô la Mỹ của một số nền kinh tế trên thế giới. Lấy ví dụ như trong trường hợp Nga yêu cầu chỉ nhận thanh toán bằng đồng rúp đối với một số mặt hàng xuất khẩu của mình, bên nhập khẩu nếu bị phụ thuộc thì không còn cách nào khác. Ngoài ra, các lệnh cấm vận còn có thể khiến cho đầu tư của nước ngoài vào tài sản của Mỹ giảm đi, đặc biệt là các loại trái phiếu chính phủ bởi vì có những nhà đầu tư chỉ được phép lựa chọn một trong hai.

Lạm phát kéo dài và thắt chặt chính sách tiền tệ

Khi vaccine ứng phó với dịch Covid-19 được triển khai trên diện rộng và kinh tế có dấu hiệu phục hồi thì Fed và một số ngân hàng trung ương lớn khác nhận định lạm phát sẽ tăng mạnh nhưng chỉ là tạm thời. Tuy nhiên điều khiến cho các nhận định này bị mất hoàn toàn giá trị là ở chỗ chuỗi cung ứng vẫn chưa thể trở lại bình thường. Thêm vào đó, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và tình hình lây lan mới ở một số nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc cũng khiến cho chuỗi cung ứng phục hồi chậm hơn.

Chỉ mong rằng may mắn sẽ đến với Fed, đến với nền kinh tế Mỹ và thế giới, để chúng ta có thể tránh được một cuộc khủng hoảng mà những tín hiệu xuất hiện ngày càng rõ, càng nhiều.

Nghiêm trọng hơn, lạm phát còn bị thổi bùng bởi khủng hoảng giá năng lượng, nguyên liệu và lương thực do khủng hoảng Nga – Ukraine. Và đến lúc này, Fed đã phải thừa nhận lạm phát là một vấn đề lớn cần phải xử lý.

Thời kỳ tiền rẻ đã chính thức kết thúc khi Fed tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, từ 0,33% lên 0,83%, và có kế hoạch giảm dần bảng cân đối tài sản của mình đang ở mức gần 9.000 tỉ đô la Mỹ. Với ưu tiên là kiểm soát lạm phát, nhiều khả năng Fed sẽ sớm nâng lãi suất lên mức 2-2,5%.

Thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh

Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P 500 đã giảm 16,79%, chỉ số Nasdaq đã giảm 26,59% và chỉ số sợ hãi của thị trường đã ở mức “sợ hãi cao độ – extreme fear”. Nhiều cổ phiếu thuộc nhóm tăng trưởng, công nghệ của Mỹ đã quay về lại mức giá trước khi dịch Covid-19 xảy ra, giá giảm từ 50-80% so với đỉnh.

Lý do là vì tăng trưởng của kinh tế Mỹ và toàn cầu có xu hướng chậm lại, và rất nhiều cổ phiếu đã được định giá vượt quá xa giá trị thực, tức khả năng tạo ra lợi nhuận thực tế của doanh nghiệp. Cùng với việc lãi suất tăng, lợi tức của trái phiếu tăng thì áp lực giảm giá của cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu tăng trưởng là rất lớn.

Khi lãi suất tăng, áp lực vỡ nợ của nhiều doanh nghiệp cũng bị tăng theo, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng nhiều đòn bẩy, tỷ trọng đầu tư và các tài sản có rủi ro cao. Với nhiều tổ chức hay định chế tài chính lớn, đây là một rủi ro kép trong việc quản lý sự cân đối giữa tài sản và nợ bởi vì nợ thì tăng trong khi giá tài sản lại bị giảm.

Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên

Việc thắt chặt chính sách tiền tệ là điều Fed có thể làm nhưng có hiệu quả hay không thì phụ thuộc rất nhiều vào may mắn.

Bởi vì lạm phát là kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp vào giá cả trong tương lai. Nếu người dân và doanh nghiệp giữ tâm lý lo sợ thì chắc chắn lạm phát sẽ còn kéo dài. Không những thế, sau hơn hai năm Covid-19 hoành hành, lượng tiền tiết kiệm thặng dư của người dân Mỹ ước tính lên đến 2.000 tỉ đô la, và họ sẵn sàng chi tiêu bất chấp giá cả có tăng.

Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng nhiều đến kết quả các chính sách của Fed là tình hình kinh tế của Trung Quốc. Những thập niên gần đây, tỷ trọng quy mô nền kinh tế của Trung Quốc đã tăng một cách đáng kể, và chiếm xấp xỉ 20% GDP toàn cầu. Tín dụng đối với các doanh nghiệp ở Trung Quốc tăng còn nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của GDP, và đây mà một rủi ro tiềm ẩn rất lớn.

Trong các lĩnh vực, nợ của lĩnh vực bất động sản là lớn và có ảnh hưởng nhiều nhất: tổng nợ của các doanh nghiệp phi tài chính của Trung Quốc đã lên đến mức 160% GDP của nước này. Nếu rủi ro trong lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc không kiểm soát được thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống ngân hàng của nước này, và dĩ nhiên sẽ có tác động đến kinh tế Mỹ và toàn cầu.

Fed đang ở một giai đoạn hết sức khó khăn, và việc lèo lái để có một cú hạ cánh mềm không chỉ phụ thuộc vào khả năng, kinh nghiệm của Fed. Chỉ mong rằng may mắn sẽ đến với Fed, đến với nền kinh tế Mỹ và thế giới, để chúng ta có thể tránh được một cuộc khủng hoảng mà những tín hiệu xuất hiện ngày càng rõ, càng nhiều.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới