Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nợ xấu bất động sản bủa vây bốn ngân hàng lớn nhất Trung Quốc

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bốn ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc đang chịu sức ép lớn do các khoản vay quá hạn thanh toán từ lĩnh vực bất động sản tăng hơn 50% trong năm qua trong bối cảnh cuộc khủng hoảng thanh khoản của thị trường nhà đất lan sang lĩnh vực tài chính.

Tuần trước, bốn ngân hàng lớn nhất của đất nước, gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (AgBank) và Ngân hàng thương mại Trung Quốc (BOC) báo cáo tổng nợ bất động sản quá hạn của họ tăng lên mức 136,6 tỉ nhân dân tệ (20 tỉ đô la Mỹ) vào cuối tháng
6, cao hơn 50% so với 90 tỉ nhân dân tệ vào cùng kỳ năm ngoái.

Còn theo phân tích của Nikkei Asia, tính đến cuối tháng 6, tổng nợ xấu bất động sản của 46 ngân hàng ở Trung Quốc đại lục có cổ phiếu niêm yết ở Hồng Kông, Thượng Hải và Thâm Quyến, đạt 234,69 tỉ nhân dân tệ (34 tỉ đô la), tăng 27,3% so với cuối năm ngoái. Con số này cao hơn nhiều so với mức tăng 6,5% của tổng nợ xấu ở tất cả các lĩnh vực cho vay của họ.

Nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và 3 ngân hàng lớn khác của Trung Quốc tăng hơn 50% trong vòng một năm. Ảnh: Getty/Reuters

Sự gia tăng các khoản nợ xấu do cuộc khủng hoảng bất động sản đang làm xấu đi chất lượng tài sản trên toàn ngành ngân hàng Trung Quốc có tổng trị giá 367,7 ngàn tỉ nhân dân tệ. Ngoài các khoản nợ xấu, các ngân hàng ở Trung Quốc cũng đang chứng kiến nhu cầu vay suy giảm từ các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân tốt nhất của họ khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chậm lại.

Trong một báo cáo gần đây, nhà phân tích Dexter Hsu của Ngân hàng Macquarie viết: “Chúng tôi nhận thấy tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các ngân hàng ở Trung Quốc suy giảm có hệ thống trong nhiều năm khi họ rút lui khỏi lĩnh vực bất động sản trong bối cảnh các dự án bị đình trệ, khách hàng từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp và các quy định quản lý cho vay được siết chặt”.

Bốn ngân hàng lớn nhất Trung Quốc (hay còn gọi là Big Four) nói trên là những tổ chức tài chính quan trọng về mặt hệ thống và là xương sống của lĩnh vực tài chính của Trung Quốc. Họ là nằm trong nhóm những ngân hàng lớn nhất thế giới, nắm giữ khoảng 36% lượng tiền gửi của đất nước và cung cấp 1/3 tổng số tiền cho vay. Bắc Kinh phụ thuộc vào các ngân hàng này để ổn định nền kinh tế của đất nước và tin tưởng họ sẽ tuân thủ chặt chẽ các chính sách tiền tệ.

Quy mô và sức khỏe tương đối ổn định của “Big Four” đã mang lại niềm tin cho chính phủ khi Bắc Kinh cố gắng thiết kế một cuộc hạ cánh mềm cho các công ty kinh doanh thất bại trong lĩnh vực bất động sản, vốn chiếm khoảng 30% GDP của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhà phân tích Dexter Hsu cho biết khoản cho vay của các ngân hàng dành cho các nhà phát triển bất động sản chỉ chiếm 4-9% tổng các khoản cho vay của họ nhưng có thể sẽ trở thành “nguồn chính” của nợ xấu mới trong 2 năm tới, làm tăng chi phí tín dụng cho các ngân hàng.

“Chúng tôi tin rằng mức độ tiếp xúc thực sự của “Big Four” với ngành bất động sản có thể lớn hơn nhiều so với báo cáo vì họ đã mở rộng các khoản tín dụng dành cho các nhà phát triển bất động sản thông qua các khoản đầu tư tự doanh và các khoản tín dụng nằm ngoài bảng cân đối kế toán dành cho các sản phẩm quản lý tài sản, sản phẩm ủy thác, quỹ tư nhân và trái phiếu tư nhân”, ông nói thêm.

Bức tranh thu nhập của ngành ngân hàng có thể càng ảm đạm hơn khi các nhà hoạch định kinh tế của Bắc Kinh kêu gọi các ngân hàng nhà nước chấp nhận “hy sinh” lợi nhuận bằng cách đưa ra mức lãi suất thấp hơn để hỗ trợ người mua nhà và doanh nghiệp. Họ cũng được yêu cầu dành nhiều hỗ trợ tài chính và nguồn lực hơn để giúp hoàn tất các dự án bất động sản bị đình trệ.

Một lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng trong số “Big Four” cho biết tình trạng u ám của thị trường bất động sản có nghĩa là các ngân hàng không có động lực để tăng cường cho vay đối với lĩnh vực này bất chấp sức ép từ Bắc Kinh.

“Chi phí vốn của chúng tôi vẫn còn quá cao. Chúng tôi không có động lực để tăng cường cho vay mặc dù cơ quan quản lý đã yêu cầu chúng tôi làm như vậy. Càng cung cấp nhiều khoản vay, chúng tôi sẽ càng tích lũy nhiều nợ xấu. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cho vay của chúng tôi đã giảm đi rất nhiều, trong khi nợ xấu đang tăng lên”, vị lãnh đạo này nói.

Theo các bản công bố thông tin cho các sàn giao dịch chứng khoán, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với mức tăng nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản lần lượt tăng 152% và 97% so với một năm trước.

Rủi ro cơ bản đối với các khoản vay thế chấp, từng được coi là tài sản an toàn nhất của các ngân hàng, cũng đang tăng lên, một phần do tốc độ vỡ nợ ngày càng tăng của người mua nhà, bao gồm cả việc tẩy chay thanh toán khoản vay thế chấp trên toàn quốc đối với những ngôi nhà chưa hoàn thiện.

Li Jun, Phó Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc ghi nhận các khoản vay thế chấp quá hạn liên quan đến làn sóng tẩy chay thanh toán này đã đạt 1,14 tỉ nhân dân tệ vào cuối tháng 7. Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc cho biết đang đối mặt với 1,23 tỉ nhân dân tệ nợ vay quá hạn bị ảnh hưởng bởi cuộc tẩy chay, gần gấp đôi so với mức ước tính vào ba tháng trước.

Dù lĩnh vực bất động sản đang khủng hoảng, bốn ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc báo cáo mức lãi ròng nửa đầu năm tăng nhẹ từ 4,9-6,3% so với cùng kỳ năm ngoái và vẫn nằm trong số các công ty niêm yết có lợi nhuận cao nhất ở Trung Quốc vào cuối tháng 6.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới