(KTSG Online) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu cảnh báo về sự gia tăng nợ xấu của bất động sản thông qua các con số cụ thể. Dù các ngân hàng thương mại đã tăng cường đệm dự phòng nhưng dường như vẫn lo ngại với đà đi xuống của thị trường bất động sản và các rủi ro trái phiếu nên đã đẩy mạnh việc thanh lý tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, việc phát mại tài sản không còn thuận lợi như trước.
- Cẩn trọng với bất động sản là không thừa
- Tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng
Khả năng phòng thủ của ngân hàng suy giảm
Theo dữ liệu từ 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính bán niên, tổng nợ xấu là 219.747 tỉ đồng, tăng đến 34% so với đầu năm nay. Trong khi đó, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng chỉ tăng 10%, ở mức 225.327 tỉ đồng.
Vì tỷ lệ tăng của nợ xấu cao hơn tỷ lệ tăng của dự phòng rủi ro nên tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng giảm đáng kể. Đây là chỉ số được được dùng để đánh giá khả năng phòng thủ của ngân hàng trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu. Đi qua nửa năm, có đến 24/29 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu sụt giảm so với đầu năm, tốc độ giảm bình quân 27 điểm phần trăm.
MB là ngân hàng giảm mạnh nhất từ từ 238% xuống còn 156,1% (82 điểm phần trăm), kế đến là TPB giảm từ 135,1% về 60,9% (74 điểm phần trăm), BIDV từ 216,9% về 152,6% (giảm 64 điểm phần trăm)… Chỉ có 5 ngân hàng tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu là Vietcombank Kiên Long Bank, SHB, BaoVietBank và Vietbank.
Việc trích lập dự phòng giúp ngân hàng phần nào đối phó với rủi ro nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận. Vì vậy, mỗi ngân hàng đều có tính toán nhằm giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức hợp lý để vừa dự phòng được nợ xấu, vừa đảm bảo lợi nhuận cho mình.
Nếu tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại phần lớn ngân hàng duy trì ở mức trên 100% cho thấy các ngân hàng đã trích đủ dự phòng. Trường hợp xấu nhất, nếu chuyển sang nhóm nợ xấu không thể thu hồi thì ngân hàng vẫn còn dự phòng để bao phủ khoản nợ này mà không làm ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Vào cuối năm ngoái, Top 10 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất đều vượt ngưỡng 100%. Tuy nhiên, qua nửa đầu năm nay, hai vị trí cuối cùng trong Top 10 là SeABank và LPBank đã không còn đạt được tỷ lệ bao phủ trên 100%.
Dù hiện tại nợ xấu đang được hỗ trợ bởi chính sách nhằm phục hồi nền kinh tế nhưng các số liệu vẫn cho thấy nợ xấu đang tăng trưởng vượt ngưỡng. Trong đó, bất động sản đang được cảnh báo lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhất khi thị trường suy yếu khiến các khoản nợ có nguy cơ nhảy nhóm thành nợ xấu nhất.
Thông tin tại hội thảo về vốn cho doanh nghiệp mới đây, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng. Nếu như thời điểm tháng 6-2022, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực này là 1,53% thì đến nửa đầu năm nay tăng gần gấp đôi, với 2,47%,.
Hiện tại, các doanh nghiệp bất động sản đang được hỗ trợ nhiều từ Thông tư 02/2023 của NHNN, cho phép các tổ chức tín dụng chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khi đáp ứng một số điều kiện cụ thể với thời hạn 1 năm kể từ ngày được cơ cấu lại.
Vì vậy, khi thông tư hết hiệu lực, nợ xấu chắc chắc sẽ còn tăng cao. Trong trường hợp ngân hàng không giãn nợ thì việc nhảy nhóm nợ sẽ diễn ra rất nhanh và tình hình nợ xấu sẽ xấu đi rất nhanh so với con số công bố ở hiện tại.
Báo cáo của công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng nhận định, năm 2023, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hành trình vượt bão trong chu kỳ bất động sản đi xuống. Tuy nhiên, khả năng chống chịu của từng ngân hàng sẽ tùy thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ thận trọng của ngân hàng trong những năm qua.
Nhóm phân tích cho rằng, sẽ có sự gia tăng nợ xấu và chi phí tín dụng trong vài quý tiếp theo do thị trường bất động sản suy giảm và những rủi ro về trái phiếu doanh nghiệp còn hiện hữu. Với tỷ trọng dư nợ bất động sản và xây dựng chiếm xấp xỉ 30% tổng dư nợ của ngân hàng, khi lĩnh vực này có vấn đề không chỉ ảnh hưởng tăng trưởng tín dụng mà còn là những khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu.
Sức ép thanh lý tài sản đảm bảo gia tăng
Theo nhiều chuyên gia, nợ xấu của hệ thống ngân hàng có thể đạt đỉnh vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024. Các ngân hàng đang tích cực bán các khoản nợ xấu với tài sản thế chấp lên tới hàng ngàn tỉ đồng để giải tỏa áp lực. Tuy nhiên, hoạt động phát mại tài sản không còn thuận lợi như trước do thị trường bất động sản khó khăn mà tài sản thế chấp tại các ngân hàng chủ yếu là quyền sử dụng đất, khách sạn nghỉ dưỡng, nhà máy…
Vừa qua, nhiều ngân hàng, bao gồm những “ông lớn” như VietinBank, Vietcombank, Agribank đã thông báo về việc bán các khoản nợ ngàn tỉ đồng của dự án bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà đất tại nhiều địa phương trên cả nước.
Trong đó, VietinBank vừa thông báo rao bán Khu A của Dự án Trung tâm Bến Du Thuyền Hoàng Gia có diện tích gần 6.000 m2; VietinBank rao bán gần 60 khách sạn, bất động sản tại Hội An. Phân khúc phổ biến là các khách sạn 3-4 sao, homestay và biệt thự với giá bán từ vài chục tới vài trăm tỉ đồng. Trong đó, có hai khách sạn 4 sao với quy mô 98-104 phòng được VietinBank chào đồng giá 420 tỉ đồng cho mỗi bất động sản.
Tương tự, Agribank đã thông báo về việc rao bán các khoản nợ của 7 doanh nghiệp, tổng số dư nợ đạt gần 500 tỉ đồng. Những khoản nợ này đã được thế chấp bằng các lô đất tại các dự án Khu du lịch Thiên Bảo Phú Quốc và Khu du lịch phức hợp Hoàng Hải (Phú Quốc).
Trong khi đó, BIDV thường xuyên thông báo về việc bán nợ và đấu giá tài sản nhưng nhiều được đưa ra đấu giá nhiều lần mà vẫn chưa có khách mua. Một số khoản nợ của các công ty đạt mức hàng trăm tỉ đồng như khoản nợ từ Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Minh Sơn và Công ty cổ phần Thanh Tâm, với mức giá khởi điểm hơn 346 tỉ đồng. Tổng dư nợ gốc và lãi tính đến tháng 3-2023 lên đến 582 tỉ đồng.
Liên quan đến việc các nhà băng ráo riết thanh lý các tài sản bảo đảm là bất động sản, nhiều chuyên gia đánh giá là khá khó khăn khi thị trường mua bán nợ xấu ở Việt Nam vẫn chưa được định hình và còn nhiều hạn chế.
Nhóm nghiên cứu từ đơn vị tư vấn tài chính AFA Capital cho rằng, dự thảo luật sửa đổi về các tổ chức tín dụng sửa đổi, giá mua bán nợ xấu cần phù hợp với giá thị trường. Tuy nhiên, thực tế Việt Nam hiện vẫn chưa có thị trường mua bán nợ xấu.
Bên cạnh đó, việc bán các tài sản đảm bảo, đặc biệt là các khoản nợ lớn, cần được tiến hành theo giá thị trường mà điều này lại rất khó thực hiện trong tình hình thị trường bất động sản đóng băng. Hơn nữa, việc xử lý tài sản đảm bảo và thu hồi nợ còn nhiều vướng mắc, bao gồm sự không đồng nhất trong hành lang pháp lý cho quá trình xử lý nợ, chưa có sự đồng bộ và thống nhất trong cách thức thực hiện.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng có ý kiến tương tự và nhận định thêm là do việc định giá phát mại tài sản không dựa theo giá trị thực tế mà tính cả gốc và lãi nên việc bán các tài sản này ngày càng khó. Có những tài sản đấu giá trên 2 năm mới bán được do mỗi lần giảm giá cũng chỉ giảm được 5-10%.
Nhiều chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng lên vì doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Mặt bằng lãi suất cho vay tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao khiến nhiều doanh nghiệp suy giảm sản xuất, kinh doanh và thua lỗ, làm phát sinh nợ xấu mới.
Thông tư 02 của NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, đẩy vốn vào lĩnh vực bất động sản cũng đặt ra những thách thức cho ngân hàng trong việc kiểm soát chất lượng tài sản, do một số áp lực được đẩy về tương lai. Về nguyên tắc, một số khoản nợ đã trở thành nợ xấu nhưng do được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ nên xu hướng tăng nợ nhóm 2 tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.
Trong bối cảnh thị trường biến động khó lường, NHNN và các ngân hàng cần có kịch bản phản ứng chính sách nhanh và hiệu quả khi có cú sốc giảm giá sâu của thị trường bất động sản và giá cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường chứng khoán. Điều này dễ làm cho giá trị tài sản bảo đảm của ngân hàng thương mại giảm thấp và kéo theo tài sản có của ngân hàng thương mại bị định giá thấp, khiến nhiều nhà băng gặp rủi ro thua lỗ.