(KTSG Online) - Tối 5-12, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% (nới room) cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Đây là thông tin khá bất ngờ vì trước đó dù có nhiều đề nghị Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định không nới room quá 14% để kiểm soát lạm phát.
Theo Ngân hàng Nhà nước, nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng theo hướng, các ngân hàng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…, các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Việc mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để bảo đảm thanh khoản, an toàn hoạt động, bảo đảm khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán.
Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp hỗ trợ thanh khoản kịp thời qua các kênh, trường hợp cần thiết hỗ trợ với kỳ hạn dài hơn, kể cả kéo dài thời hạn qua Tết để các ngân hàng yên tâm hơn khi cấp tín dụng.
Nới room là cần thiết. Nhưng bơm tiền ra thị trường là quan trọng hơn. Nếu nới room mà ngân hàng hết tiền (hệ số an toàn vốn <0) thì cũng không thể giải quyết căn bản được vấn đề thanh khoản căng thẳng hiện nay. Cần sớm ban hành một hệ thống giải pháp đồng bộ.
Không kiểm soát được dòng tiền 240.000 tỷ nới room tín dụng 1,5%-2% bơm ra thì vốn được đưa vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, lạm phát kiềm chế không nổi sẽ tăng lên, trong khi tiền đồng đang mất giá 9%.