Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nội thất Trung Quốc làm thị trường bình dân trong nước ‘vỡ tan’

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thị trường đồ nội thất trong nước ước lên đến hàng tỉ đô la Mỹ mỗi năm, thế nhưng "sân nhà" này nhiều năm nay chủ yếu dành cho các sản phẩm nhập khẩu, nhất là hàng bình dân giá thấp từ Trung Quốc. Sự tham gia của doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế.

Trong một thời gian dài, ngành sản xuất đồ gỗ nội thất Việt Nam chỉ chú trọng xuất khẩu và dường như đã bỏ quên “sân nhà” với gần 100 triệu dân.

Nhiều doanh nghiệp đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam chưa quay về "sân nhà" vì cạnh tranh mạnh với các sản phẩm nước ngoài có mặt sớm, nhất là sản phẩm giá rẻ của doanh nghiệp Trung Quốc. Ảnh minh họa: TL

Sản phẩm Trung Quốc "phá nát" thị trường bình dân

Ông Quang Vinh, chủ một cửa hàng đồ nội thất trên đường Trường Chinh (TPHCM), chia sẻ sản phẩm tại cửa hàng anh bán là của các doanh nghiệp trong nước sản xuất, rất khó cạnh tranh về giá bán với các các cửa hàng khác trên tuyến đường này với giá rất thấp.

Theo ông Vinh, nhiều cửa hàng nội thất ở tuyến đường này chủ yếu bán hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan nên giá chỉ bằng phân nửa hoặc 1/3 so với sản phẩm có mẫu mã tương tự được sản xuất trong nước.

Không chỉ có giá bán thấp mà sản phẩm nhập từ Trung Quốc rất phong phú về mẫu mã, kiểu dáng, chất liệu... nên thu hút được lượng lớn người tiêu dùng phổ thông, bình dân.

"Để bán được hàng hóa với giá cao hơn sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, thường cửa hàng chúng tôi chỉ có thể thuyết phục với khách hàng bằng niềm tin vào các thương hiệu lớn trong nước sản xuất bảo đảm độ bền và an toàn hơn", ông Vinh nói, và cho rằng nếu phải cạnh tranh về giá bán thì cửa hàng ông "thua" là cái chắc.

Theo ông Vinh, cửa hàng ông chuyên bán hàng hóa trong nước với ván là từ những doanh nghiệp lớn đã xây dựng được thương hiệu tốt, nổi tiếng trên thị trường nên một bộ phận người tiêu dùng tin tưởng mà chấp nhận mua giá cao hơn so với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ông chủ cửa hàng này, phần lớn người tiêu dùng cũng chọn sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc để mua nhiều hơn.

Trên thực tế lướt qua nhiều phố nội thất ở TPHCM như đường Ngô Gia Tự (quận 10), Trường Chinh, Cộng Hòa (Tân Bình)... đa phần là hàng Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia… Tuy nhiên, chiếm đa số là hàng Trung Quốc với sản phẩm từ kệ tivi, bộ bàn ăn, bàn làm việc, tủ, kệ, ghế sofa, giường ngủ, ghế văn phòng,…

Các nhân viên bán hàng tại các cửa hàng nội thất trên các tuyến đường này cũng cho hay, doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhiều đồ nội thất có chất lượng khá tốt,… Tuy nhiên, sản phẩm trong nước thường không đa dạng mẫu mã, hình thức cũng không đẹp bằng sản phẩm nhập khẩu, trong khi đó giá cả còn đắt hơn, nên người tiêu dùng không ưu chuộng.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty Viet Products, và là chủ siêu thị nội ngoại thất Furnist ở quận Thủ Đức (TPHCM), cho rằng sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều năm qua đã "phá nát" về giá bán ở thị trường đồ nội thất tầm phổ thông, giá rẻ trong nước vì có giá quá thấp.

Doanh nghiệp Việt Nam sản xuất nhóm mặt hàng này khó có thể cạnh tranh ngay "sân nhà" với hàng hóa giá rẻ nhập khẩu từ đất nước láng giềng.

Nguyên nhân theo ông chủ siêu thị Furnist là doanh nghiệp Trung Quốc phát triển ngành này lâu năm, có đầy đủ công nghiệp hỗ trợ của ngành và đáng chú ý là họ sản xuất với số lượng lớn cung cấp cho thị trường tỉ dân trong nước và không chỉ xuất khẩu vào thị trường Việt Nam mà còn xuất khẩu đi nhiều thị trường xung quanh nên giá thành khá thấp.

Đồ gỗ Trung Quốc nhập về được đóng gói thành từng cụm, lắp ráp ngay tại cửa hàng để bày bán theo từng bộ. Các công ty chuyên nhập hàng nội thất Trung Quốc cho rằng, sau khi Việt Nam trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồ gỗ nội thất Trung Quốc còn tiếp tục giảm giá khi không còn thuế nhập khẩu.

Không riêng đồ nội thất Trung Quốc mà hàng hóa này nhập khẩu từ Malaysia, Đài Loan cũng có giá khá thấp khiến sản phẩm sản xuất trong nước khó cạnh tranh.

Áp thuế cao cũng chưa chắc cạnh tranh được?

Trên thực tế các sản phẩm nội thất của các nước, trong đó phần lớn là nhập khẩu từ Trung Quốc và Malaysia có giá bán quá thấp khiến đại diện các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành những năm qua cũng phải lên tiếng yêu cầu cơ quan quản lý điều tra.

Thị trường đồ gỗ Việt Nam ước lên đến hàng tỉ đô la nhưng sự tham gia của doanh nghiệp trong nước còn thấp mà chủ yếu là xuất khẩu. Ảnh minh họa: LH

Cụ thể sau khi tiếp nhận hồ sơ của đại diện các doanh nghiệp Việt Nam, vào ngày 1-9-2021, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 2091 về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm bàn, ghế có xuất xứ từ Malaysia và Trung Quốc.

Dựa trên kết quả thẩm định hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá của đại diện ngành sản xuất trong nước, từ tháng 10-2022, Bộ Công Thương, áp dụng mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng với hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc là 21,4% đối với sản phẩm ghế và 35,2% đối với sản phẩm bàn.

Và vào trung tuần tháng 2 năm 2023, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 235/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm bàn, ghế từ Trung Quốc, đồng thời chấm dứt điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bàn ghế từ Malaysia.

Theo đó, mức thuế chống bán phá giá chính thức được áp dụng với hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc là 21,4% đối với sản phẩm ghế và 35,2% đối với sản phẩm bàn.

Như vậy, từ quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời từ tháng 10-2022, đến nay Bộ Công thương đã thực hiện áp thuế chống bán phá giá chính thức.

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), trong quá trình điều tra vụ việc, thực hiện theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tác động của hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu đối với hoạt động của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Malaysia và Trung Quốc.

Cũng theo Quyết định nói trên, Bộ Công Thương chấm dứt điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bàn, ghế từ Malaysia theo quy định tại Luật Quản lý ngoại thương. Bởi lẽ quá trình điều tra cho thấy, dù có tồn tại hành vi bán phá giá nhưng tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa bị điều tra từ Malaysia ở mức không đáng kể (dưới 3%).

Liên quan đến việc áp thuế chống bán phá giá đối với bàn ghế nhập khẩu từ Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty Viet Products, cho rằng việc áp thuế này sẽ giúp hàng hóa sản xuất trong nước cạnh tranh hơn ngay ở nền kinh tế gần 100 triệu dân này.

Tuy nhiên, ông Sang cũng lo ngại rằng nhà nhập khẩu nhóm sản phẩm này từ Trung Quốc sẽ có cách để lách nhằm tiếp tục cạnh tranh về giá rẻ ở thị trường trong nước.

Đó là một khi con đường chính ngạch bị áp thuế cao thì các nhà nhập khẩu sẽ có thể chuyển sang con đường tiểu ngạch vốn không quá khó khăn mà thương nhân hai nước lâu nay cũng đã thực hiện ở nhiều mặt hàng.

Mặt khác, sản phẩm nội thất nói chung và bàn ghế nói riêng là không có mức giá chuẩn như những sản phẩm đắt tiền như ô tô, xe máy... "Liệu nhà nhập khẩu nhóm mặt hàng này không hạ giá xuống thấp so với giá nhập thực tế khi kê khai nhập khẩu với cơ quan hải quan?", ông Sang đặt câu hỏi.

Tương tự, là nhà kinh doanh bán lẻ, theo ông Quang Vinh, sản phẩm đồ nội thất do Trung Quốc sản xuất có giá rất cạnh tranh và thông thường người mua khó có thể "thoát" với các chủ cửa hàng bán lẻ khi mà họ đã lỡ mở miệng thương lượng về giá mua.

"Người mua trả giá xuống thấp ở mức nào thì gần như chủ cửa hàng cũng có thể bán được hàng", ông Vinh nói, và cho rằng hàng nội thất Trung Quốc giá rất thấp và lợi nhuận rất cao nên chủ cửa hàng bán lẻ thường lựa chọn để bán.

Đáng chú ý là nguyên vật liệu ván để lắp ráp thành cái bán, chiếc ghế thì "muôn hình vạn trạng" nên người tiêu dùng khó phân biệt và so sánh về chất lượng. Ngay cả ván sản xuất trong nước giữa các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã khác nhau về chất lượng nên theo ông Vinh đương nhiên giá bán cũng khác nhau.

Đồ nội thất sản xuât trong nước bị cạnh tranh mạnh với sản phẩm giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh minh họa: LH

Trong khi đó, hầu hết các linh khụ kiện để làm nên cái bàn, chiếc ghế,... phổ thông phần lớn là của Trung Quốc. Hầu hết các linh phụ kiện sản xuất đồ gỗ nội thất như mâm xoay, tay nắm, vít pát, bản lề, thanh trượt, bánh xe, chân bàn, khung sắt… được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Do đó, cả ông Sang và ông Vinh đều cho rằng sản phẩm nội thất ở phân khúc bình dân của Trung Quốc có nhiều ưu thế, cạnh tranh giá so với sản phẩm cùng loại của các nước khác và cả của doanh nghiệp Việt Nam.

Có dễ lấy lại thị phần trên "sân nhà"?

Trên thực tế trong một thời gian dài, ngành sản xuất đồ gỗ nội thất Việt Nam chỉ chú trọng xuất khẩu và dường như đã bỏ quên “sân nhà” với gần 100 triệu dân. Điều này khiến cho thị trường gỗ nội thất trong nước đang bị lấn át bởi sản phẩm nhập khẩu hay được sản xuất theo mẫu mã nhập từ nước ngoài.

Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, những năm gần đây, nhu cầu về tiêu dùng các sản phẩm nội thất tại thị trường nội địa tăng lên mạnh mẽ, trong đó việc mua sắm các sản phẩm nội thất gia đình như ghế sofa phòng khách, bàn ghế ăn,... có mức tăng trưởng rất lớn. Các sản phẩm đồ gỗ cho các khách sạn, văn phòng cho thuê... cũng có xu hướng tăng nhanh so với những năm trước.

Với dân số gần 100 triệu dân, tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với một nền kinh tế tăng trưởng ổn định thì có thể nhận định nhu cầu về các sản phẩm nội thất tại thị trường nội địa Việt Nam sẽ còn rất tiềm năng và ổn định trong dài hạn.

Đây được đánh giá là thị trường không nhỏ với giá trị hàng tỉ đô la Mỹ để các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng nhằm gia tăng doanh thu, giảm lệ thuộc vào xuất khẩu vốn đang bị sụt giảm mạnh do lạm phát tăng cao ở các thị trường xuất khẩu chính.

Trên thực tế thị trường trong nước từ bình dân đến cao cấp và sang trọng trong thời gian qua, các doanh nghiệp trong nước như Hòa Phát, An Cường, Thiên Ân, Kim Thành, AA corporation, Công ty AHD, Phố Xinh… cũng đã khai thác tốt ở thị trường nội địa.

Dù vậy, sản phẩm trong nước chưa cạnh tranh với hàng nhập khẩu ở mảng bán lẻ, nhất là ở phân phúc bình dân mà chỉ đi vào phân khúc trung - cao cấp, hoặc vào một số công ty, công trình, dự án, trường học... Ở phân khúc phổ thông chỉ có các làng nghề, các doanh nghiệp nhỏ mới tham gia sản xuất hàng nội thất với quy mô nhỏ, còn các doanh nghiệp gỗ có quy mô lớn thường chỉ chú trọng xuất khẩu.

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu chia sẻ, họ chỉ cần có vài hợp đồng xuất khẩu là đủ để sản xuất nửa năm hoặc cả năm trời, lại không phải lo đầu ra hay thiết kế. Trong khi nếu sản xuất hàng bán trong nước thì số lượng nhỏ mà chưa biết có bán được không. Ngoài ra, mạng lưới phân phối của doanh nghiệp gỗ trong nước không có, nên cạnh tranh bán lẻ là rất khó...

Ngoài ra, hiện hầu hết các linh phụ kiện sản xuất đồ gỗ nội thất đều được nhập khẩu từ Trung Quốc là mất lợi thế trên sân nhà.

Hiện nay, một số doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu đã có những thay đổi mạnh mẽ nhằm khai thác tiềm năng thị trường nội địa. Dù vậy, khó khăn lớn nhất là chưa tạo mạng lưới liên kết với các công ty phân phối sản phẩm để người tiêu dùng biết tới; chưa tạo ra được những sản phẩm đa dạng, có thiết kế phù hợp thị hiếu thị trường, hệ thống phân phối và đáng chú ý là giá bán hợp lý.

2 BÌNH LUẬN

  1. Cái này phải nói ưu thế đầu tiên của họ là năng lực quản trị cả cấp độ quốc gia, địa phương và doanh nghiệp (bài bản); tiếp theo là năng lực tài chính và công nghệ (giải pháp và năng suất lao động). Câu chuyện sẽ còn phải bàn đối với ngành nông nghiệp khi mà đại hội 20 của TQ ông Tập tuyên bố hồi sinh nông thôn và cái này có thể liên hệ tới quan điểm “có thực mới vực được đạo” của ông bà ta và mục tiêu phát triển bao trùm bền vững hôm nay. Cái này có thể nói tới đường lối giữa Hàn Quốc-Malaysia-Philippines

  2. Các nhà sản xuất đồ nội thất gỗ Việt Nam của chúng ta rất có tiềm năng để phát triển; họ chế tác những sản phẩm đồ nội thất chất lượng cao cho các thị trường xuất khẩu, điều này được chứng minh bằng thành công và sự công nhận quốc tế. Tuy nhiên, thật ngạc nhiên khi họ không mở rộng chất lượng này ra thị trường trong nước.

    Lấy một ví dụ, chiếc giường gỗ cứng mà tôi đã mua. Tôi mua nó từ một cửa hàng địa phương, và tôi đã phải trả một số tiền đáng kể. Thú vị là, với mức giá tôi trả trong nước, tôi đã mong đợi cùng một tiêu chuẩn như các mặt hàng xuất khẩu của họ – người thợ thủ công giỏi, vật liệu bền và hoàn thiện chất lượng cao. Thay vào đó, điều này hoàn toàn trái ngược.

    Giường bắt đầu lỏng ở các mối nối sau một vài tháng, và bề mặt gỗ bắt đầu phai màu. Khi tư vấn với một thợ mộc địa phương, tôi được cho biết loại gỗ được sử dụng không phải là gỗ cứng bền vững như đã được quảng cáo, mà một loại kém chất lượng đáng kể.

    Rất đáng tiếc, đây không phải là một vụ việc đơn lẻ và nó phản ánh được một xu hướng đáng Lo ngại. Các nhà sản xuất của chúng ta hiển thị một sự tương phản rõ rệt khi nói đến sản lượng dành cho xuất khẩu và thị trường trong nước – sản phẩm đi ra nước ngoài thường xuyên đạt cấp độ xuất sắc còn sản phẩm dành cho trong nước lại đáng thất vọng.

    Để tận dụng tối đa tiềm năng của ngành công nghiệp, việc cần thiết là làm giảm đáng kể khoảng cách chất lượng này. Chúng ta cần nhận ra rằng một dân số gần 100 triệu người tiêu dùng đại diện cho một cơ hội tuyệt vời. Các nhà sản xuất của chúng ta cần xác định lại chiến lược của họ đối với việc cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, giá cả hợp lý phù hợp với thị trường trong nước, làm cho chúng tương xứng với những sản phẩm xuất khẩu.

    Nói cách khác, các nhà sản xuất đồ gỗ nội thất Việt Nam của chúng ta nên đối xử với chúng tôi, những người tiêu dùng trong nước, với cùng một sự tôn trọng và xem xét mà họ dành cho khách hàng nước ngoài. Chúng tôi xứng đáng nhận được chất lượng xuất sắc tương tự mà họ có khả năng sản xuất, và họ cũng sẽ hưởng lợi từ tiềm năng lớn của thị trường trong nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới