(KTSG) - Trong khi Trung Quốc đang nắm quyền kiểm soát nguồn cung nhiều loại khoáng sản quan trọng trên toàn cầu, nhiều nước khác cũng đang rất nỗ lực để tham gia vào thị trường giàu tiềm năng này.
- Sẽ sửa đổi, bổ sung quy định về khoáng sản xuất khẩu
- Bàn tiếp về quy hoạch khoáng sản trường hợp titan ở Bình Thuận
Những lo ngại về vị thế thống trị của Trung Quốc
Với nền kinh tế hiện đại, cobalt, than chì, lithium, nickel, đất hiếm và nhiều thứ khác được coi là khoáng sản quan trọng bởi nhiều lý do khác nhau. Một số loại là nguyên liệu cần thiết đối với công nghiệp quốc phòng, sản xuất điện thoại thông minh và các công nghệ kỹ thuật số khác. Một số khoáng sản khác lại là thứ không thể thiếu đối với tương lai năng lượng sạch, bởi chúng được dùng trong việc sản xuất turbine gió, pin và xe điện.
Và nếu như trong thập niên 1970, nền kinh tế thế giới từng chao đảo khi dầu mỏ bị các nhà cung cấp coi như một loại “vũ khí” để giành lợi thế, thì giờ đây, nhiều quốc gia lại đang có mối lo tương tự khi một quốc gia đang nắm giữ vị thế độc tôn trong việc cung cấp và chế biến các khoáng sản quan trọng này: Trung Quốc.
Theo The Economist, Trung Quốc hiện đang gần như chiếm thế độc quyền đối với nhiều loại khoáng sản quan trọng. Nước này cung cấp gần 90% lượng đất hiếm đã qua xử lý, và là một trong những nhà sản xuất lithium hàng đầu thế giới.
Tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng đang khiến nhiều quốc gia khác lo lắng và phải tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế để tránh nguy cơ phụ thuộc. Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác đang đẩy mạnh các nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cấp đất hiếm bên ngoài Trung Quốc.
Các kế hoạch phát triển chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng mới đang được soạn thảo tại các diễn đàn đa phương như nhóm bộ tứ QUAD bao gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản. Các nước giàu tài nguyên như Úc và Indonesia (có trữ lượng nickel lớn, và kế hoạch phát triển ngành công nghiệp pin) cũng đang hướng tới việc thu lợi nhuận từ nguồn khoáng sản dồi dào của mình.
Úc nỗ lực cạnh tranh với Trung Quốc
Bộ trưởng Tài nguyên Úc, bà Madeleine King, khẳng định việc phá thế độc quyền của Trung Quốc có thể coi như một “thách thức mang tính chiến lược”. Hôm 20-6, Chính phủ Úc đã công bố một kế hoạch về khoáng sản quan trọng để giải quyết vấn đề này.
Úc hiện đứng đầu thế giới về sản xuất lithium, thứ ba thế giới về cobalt, và thứ tư về đất hiếm, tuy nhiên, năng lực chế biến khoáng sản vẫn còn hạn chế. Quốc gia này đang đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành một nhà sản xuất hàng đầu thế giới đối với các khoáng sản quan trọng đã qua chế biến. Theo Bộ trưởng Madeleine King, “Điều này sẽ đóng vai trò quan trọng, đảm bảo cho việc xây dựng chuỗi cung ứng an toàn”.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Úc dự kiến sẽ đầu tư khoảng 500 triệu đô la Úc nhằm hỗ trợ cho các dự án trong chiến lược mới của mình. Khoản đầu tư này sẽ bổ sung cho quỹ 2 tỉ đô la Úc hiện có để khởi động các dự án khoáng sản quan trọng ở giai đoạn ban đầu, trong đó bao gồm một nhà máy xử lý đất hiếm. Cũng trong năm nay, Chính phủ Úc đã ngăn chặn một doanh nghiệp Trung Quốc tăng lượng cổ phần nắm giữ trong một công ty đất hiếm vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia.
Các nền kinh tế khác gia nhập cuộc đua
Hồi năm ngoái, Chính phủ Nhật Bản cũng đã đưa công nghiệp khoáng sản quan trọng vào danh sách 11 lĩnh vực chiến lược xứng đáng nhận được sự hỗ trợ của chính phủ. Đến tháng 3 năm nay, Nhật Bản và Mỹ cũng đã đồng ý hợp tác trong chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng, bao gồm cả việc xây dựng chiến lược ứng phó với tình trạng độc quyền của một số nước.
Còn tại Mỹ, lo ngại trước sự phụ thuộc này, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã ban hành sắc lệnh hành pháp về đất hiếm và tăng cường tài trợ cho các doanh nghiệp trong nước. Chính quyền Tổng thống Joe Biden sau đó đã dựa trên những hành động này, bao gồm cả việc kết hợp các dự án đất hiếm vào Đạo luật Sản xuất Quốc phòng và mở rộng kho dự trữ đất hiếm.
Hàn Quốc - nước đang có tham vọng trở thành nhà sản xuất toàn cầu về xe điện và pin, có vẻ là đối tượng dễ bị tổn thương trước sự cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc trong vấn đề này. Hồi đầu năm nay, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố kế hoạch đảm bảo nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng. Đây là một phần trong cam kết của Tổng thống Yoon Suk Yeol về “các biện pháp đảm bảo an ninh tài nguyên toàn diện”.
Mục đích mà Seoul hướng tới là giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các khoáng sản quan trọng từ mức 80% hiện nay xuống còn 50% vào năm 2030, đồng thời tăng cường tỷ lệ tái chế khoáng sản từ mức 2% hiện tại lên 20% trong tương lai. Hàn Quốc cũng đã thiết lập quan hệ đối tác với các quốc gia bao gồm Úc, Liên minh châu Âu (EU), Indonesia và Kazakhstan. Nước này cũng đã tham gia Hiệp định Đối tác An ninh khoáng sản (MSP) do Mỹ đứng đầu, được công bố hồi năm ngoái nhằm mục đích thúc đẩy đầu tư công và tư nhân vào các chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng trên toàn cầu.
Ngoài ra, một số nền kinh tế lớn khác tại châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Đài Loan và Ấn Độ cũng đang tìm cách áp dụng các chiến lược mới về khoáng sản quan trọng. Mới đây nhất, Ấn Độ cũng đã tham gia vào hiệp định MSP do Mỹ dẫn đầu.
Những rào cản trong việc tăng sản lượng khai thác
Trong hầu hết các trường hợp, thách thức lớn nhất là việc cần phải đảm bảo được sức cạnh tranh với Trung Quốc trong quá trình xử lý phức tạp, tốn kém và có khả năng gây nguy hiểm cho môi trường. Việc biến một loại quặng đất hiếm thành sản phẩm cuối cùng đòi hỏi hàng chục công đoạn luyện kim, và từ một lượng lớn quặng ban đầu, sẽ chỉ cho ra một lượng nhỏ khoáng sản quan trọng.
Từ nhiều thập kỷ trước, Trung Quốc đã coi việc chế biến khoáng sản là trọng tâm trong các kế hoạch công nghiệp của mình, bằng cách cung cấp các khoản trợ cấp khổng lồ và các tiêu chuẩn môi trường lỏng lẻo. Sự thống trị ngày nay của Trung Quốc trong lĩnh vực này là kết quả của chiến lược kéo dài suốt hàng thập kỷ đó.
Trong suốt một thời gian dài, các khách hàng nhìn chung không cảm thấy bất cứ vấn đề gì khi Trung Quốc sử dụng chiến lược giảm giá thành như vậy để đảm bảo sự độc quyền trong chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng. Tuy nhiên, những lo ngại đã bắt đầu tăng lên trong những năm gần đây cùng với sự nóng lên của căng thẳng địa chính trị.
Tại Mỹ, mối quan hệ xấu đi với Trung Quốc đã khơi gợi các nỗ lực để gia nhập cuộc đua cung cấp khoáng sản quan trọng.
Tuy vậy, việc xây dựng lại cả một ngành công nghiệp là điều không hề dễ dàng, đặc biệt là khi phải cạnh tranh với quy mô kinh tế khổng lồ của Trung Quốc và khoảng cách về chuyên môn ngày càng lớn. Khai thác đất hiếm cũng là một ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và được dự báo sẽ đối mặt với các quy trình cấp phép kéo dài, cùng nhiều quy định ngặt nghèo.
Ông James Kennedy, Chủ tịch của Three Consulting, một công ty tư vấn về đất hiếm, nhận định những nỗ lực của Mỹ nhìn chung đã chưa đem lại kết quả. “Trong 15 năm nay, Mỹ đã theo đuổi hoặc thúc đẩy các chính sách, và mỗi chính sách đều là một thất bại nặng nề”.
Với Nhật Bản, mối đe dọa đã trở nên rõ ràng vào năm 2010, khi Trung Quốc đình chỉ xuất khẩu đất hiếm sang nước này, để trả đũa những tranh chấp lãnh thổ. Hồi năm ngoái, Trung Quốc cũng đe dọa ngăn cản việc bán các khoáng sản quan trọng cho hai nhà thầu quốc phòng Mỹ là Lockheed Martin và Raytheon Technologies, để phản đối việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Đài Loan (Trung Quốc).
Sau khi căng thẳng gia tăng với Trung Quốc hồi năm 2010, Chính phủ Nhật Bản đã khuyến khích Công ty thương mại Sojitz của nước này ký hợp đồng mua bán với nhà sản xuất Lynas Rare Earths của Úc, đồng thời hỗ trợ công ty này bằng các khoản vay giá rẻ.
Ngay lập tức, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách tràn ngập thị trường để giảm giá đất hiếm, đồng thời gây sức ép về mặt dư luận với nhà máy của Lynas tại Malaysia.
Bộ trưởng Tài nguyên Úc Madeleine King lập luận rằng, với những rào cản như vậy và chi phí xử lý an toàn với môi trường cao, bất kỳ hoạt động sản xuất mới nào cũng sẽ cần sự hỗ trợ lâu dài. Các công ty khai thác đất hiếm nhỏ không có đủ khả năng chi trả cho việc xây dựng đường sắt và các cơ sở hạ tầng hỗ trợ khác - điều mà chỉ các doanh nghiệp có quy mô khổng lồ mới có thể thực hiện.
Giám đốc điều hành Greg Hayes của Raytheon, nhà sản xuất tên lửa dẫn đường lớn nhất thế giới, mới đây chia sẻ với Financial Times rằng việc chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng của Trung Quốc có vẻ là bất khả thi.
“Hơn 95% lượng đất hiếm, khoáng sản quan trọng được khai thác hoặc xử lý tại Trung Quốc. Không có sự thay thế nào cả”, ông Hayes nhận định. “Nếu chúng ta rút khỏi Trung Quốc, sẽ mất rất nhiều năm để chúng ta có thể thiết lập lại được công suất như ban đầu tại thị trường nội địa hoặc các thị trường thân thiện khác”.
Nguồn: Economist, Politico, India Express, Financial Times, CNBC