Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nông dân, người bán hàng ‘đổi vận’ nhờ chuyển đổi số

Hoàng Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Một số cơ sở sản xuất nông sản nhỏ đã đạt được giá trị gia tăng lớn với sự trợ giúp của các nền tảng số, giúp xóa bỏ mọi trung gian và tạo sự kết nối trực tiếp giữa 3 bên gồm thị trường, nhà cung ứng, đơn vị tiêu thụ.

Tại hội thảo “Phát triển các mô hình kinh doanh mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế trung ương (KTTƯ) tổ chức ngày 11-11, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần công nghệ Sen Đỏ – cho biết dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ mua sắm truyền thống sang trực tuyến với thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số, trong đó hơn một nửa đến từ các khu vực không phải thành phố lớn, theo nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng Đông Nam Á năm 2021 của VISA.

Đáng lưu ý, có 44% người tiêu dùng trong số 8 triệu người giao dịch đầu tiên qua Internet trong năm 2021 và 84% người tiêu dùng đã chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.

Một điểm thu mua và sơ chế vải sớm tại xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh minh hoạ: TTXVN.

Về phía người bán, ông Dũng cho biết số lượng cửa hàng nông sản đặc sản trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Sendo trong giai đoạn 2020 – 2021 tăng khoảng 46% so với giai đoạn 2019 – 2020. Tương tự, số lượng mặt hàng và đơn hàng trong giai đoạn 2020 – 2021 tăng lần lượt 50% và 45% so với giai đoạn 2019 – 2020.

Kết quả, nhiều thương hiệu nông sản Việt Nam chưa thực sự được biết đến nhiều như Miến Vương, Vua Gạo, Domilk đã trở nên nổi tiếng khi lên sàn, theo ông Dũng.

Với sản phẩm vải thiều Lục Ngạn của Bắc Giang và vải Thanh Hà của Hải Dương, ông cho biết hiện người nông dân có thể livestream chia sẻ về quy trình trồng vải, cách nhận diện vải thiều, kêu gọi người xem đặt hàng trực tuyến ngay trên ứng dụng Facebook với sự hỗ trợ của sàn TMĐT.

“Có người nông dân đã bán được 2 tấn vải chỉ sau 1 giờ livestream đầu tiên. Ngoài ra, có 20 tấn vải được tiêu thụ mỗi ngày thông qua sàn Sendo”, ông Dũng cho biết.

Cũng với sản phẩm vải thiều Lục Ngạn của Bắc Giang, bà Nguyễn Thái Hải Vân – Giám đốc điều hành Grab Việt Nam – cho biết doanh nghiệp đã sử dụng nền tảng công nghệ để giúp người nông dân tiếp cận người mua hàng cuối cùng qua chiếc điện thoại thông minh trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu, tiêu thụ nông sản địa phương bị gián đoạn do dịch bệnh.

Cụ thể, Grab đã làm việc với các đơn vị có nhu cầu tiêu thụ nông sản lớn, gồm hệ thống nhà hàng, chuỗi bán lẻ, tiệm cà phê, các cửa hàng kinh doanh trực tuyến. Đồng thời, mở rộng thực đơn với trà vải, thức tráng miệng bằng vải để nâng cao sản lượng tiêu thụ.

“Quy trình thu mua nhanh chóng, việc giao – nhận sản phẩm cũng diễn ra vào ngày kế tiếp với sự tham gia của các đối tác bán lẻ, cửa hàng chuyên bán nông sản, đơn vị phân phối nông sản cho khu phố giúp quả vải giữ được độ tươi ngon khi tới tay khách hàng”, bà Vân cho biết.

Cũng theo bà Vân, thực tế triển khai hoạt động bán hàng trên nền tảng số với các nông dân gặp một số khó khăn ban đầu do phần đông chưa có kiến thức về đóng gói sản phẩm và tiếp thị qua điện thoại thông minh. Nhưng sự chuyển đổi rất nhanh.

“Mọi người rất vui và háo hức vì có thể tự mở một cửa hàng ảo và điều khiển cửa hàng này chỉ sau 1 giờ đào tạo”, bà Vân cho biết.

Theo đại diện các doanh nghiệp, việc bán hàng qua sàn TMĐT giúp người bán giảm khoảng 30-50% chi phí bán hàng so với kênh truyền thống nhờ giảm các khâu trung gian. Ngoài ra, nhiều sàn đã ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp người bán tối ưu doanh số.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang bỏ lỡ cơ hội này khi chậm chân với số hóa. Cụ thể, chỉ có 17% các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam nằm trong nhóm các sản phẩm bán chạy nhất trên kênh TMĐT trong giai đoạn dịch Covid-19, theo nghiên cứu về hàng Việt Nam trên kênh thương mại điện tử năm 2020 – 2021 của iPrice và Sendo.

Tương tự, ông Nguyễn Thành Phong – Phó trưởng ban Kinh tế trung ương – cho biết kinh tế số tại Việt Nam chủ yếu vẫn phát triển trên nền tảng giao dịch đã có sẵn của nước ngoài như Facebook, Google, Youtube, Grab, Gojek. Lazada, Shopee.

Những nền tảng phát triển bởi Việt Nam, theo ông Phong, còn hạn chế, tập trung chủ yếu ở các nền tảng thương mại điện tử.

“Khả năng cạnh tranh so với các nền tảng thương mại lớn của các tập đoàn/công ty đa quốc gia chưa thực sự cao”, ông Phong cho biết.

Cũng theo ông Phong, mức độ chủ động tham gia phát triển nền tảng kinh doanh tại Việt Nam cũng còn nhiều yếu kém và có phần tự phát. Ngoài ra, thể chế, chính sách còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số có nhiều hạn chế. Còn các doanh nghiệp vẫn bị động trong việc tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại.

Để giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội từ quá trình chuyển đổi số, bà Nguyễn Thái Hải Vân đề xuất 3 giải pháp.

Thứ nhất, xây dựng khung pháp lý riêng dành cho các nền tảng số, các mô hình kinh tế chia sẻ trên nền tảng số và mô hình kinh doanh mới.

Lý giải điều này, bà cho biết nhiều quy định pháp lý tại Việt Nam có độ trễ 5 – 10 năm so với các quốc gia khác, dẫn đến các quy định chồng chéo. Điều này, theo bà Vân, khiến tiến độ chuyển đổi số chậm lại.

Thứ hai, khuyến khích tinh thần ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, tích cực chuyển đổi số.

Thứ ba, đẩy mạnh thanh toán để hướng đến tài chính toàn diện cho người dân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới