Thứ Sáu, 16/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nông dân Thái Lan đổ xô trồng lúa jasmine 85 của Việt Nam

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG Online) – Các nhà xuất khẩu Thái Lan cảnh báo, các giống lúa trong nước có nguy cơ tuyệt chủng khi nông dân đổ xô trồng giống lúa thơm jasmine 85 của Việt Nam. Hiện có đến 80% gạo đóng gói bán ở thị trường Thái Lan được sản xuất từ lúa jasmine 85.

Jasmine 85 là giống lúa được Việt Nam nhập khẩu từ Viện lúa quốc gạo tế (IRRI) ở Philippines vào năm 1992 và được Viện Lúa đồng bằng Sông Cửu Long chọn thuần.

Lúa jasmine 85 được trồng trên một cánh đồng ở tỉnh Nakhon Sawan, Thái  Lan. Ảnh: Bangkok Post

Tờ Bangkok Post hôm 13-8 dẫn lời ông Charoen Laothamatas, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho biết, ngành lúa gạo trong nước đang trong tình trạng nguy cấp khi sản lượng của các loại lúa nổi tiếng Pathum Thani và KB 79 giảm mạnh. Lý do là nông dân thay thế những giống này bằng giống lúa jasmine 85 từ Việt Nam (ở Thái Lan được gọi là lúa Khao Hom Phuang), có năng suất cao hơn và thời gian canh tác ngắn hơn.

“Có tới 80% gạo đóng gói bán ở Thái Lan là gạo Khao Hom Phuang của Việt Nam, khiến gạo thơm Pathum Thani gần như biến mất khỏi thị trường. Lúa Khao Hom Phuang cho năng suất cao hơn, khoảng 1.200-1.500 kg/rai (0,16 hecta), có thời gian thu hoạch ngắn hơn, chỉ 90-100 ngày và có thể trồng quanh năm. Lúa thơm Pathum Thani cho năng suất 800-900 kg rai mỗi vụ, thời gian thu hoạch 4 tháng và chỉ có thể trồng mỗi năm một vụ”, ông Charoen Laothamatas nói.

Ông cho rằng, Thái Lan không phát triển các giống lúa đủ đa dạng để đáp ứng nhu cầu của nông dân và thị hiếu của người tiêu dùng. Điều đó khiến họ phải tìm kiếm các giống lúa nước ngoài, đặc biệt là các giống của Việt Nam và Trung Quốc, nơi các cơ quan chức năng tích cực hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong ngành lúa gạo.

Người đứng đầu TREA kêu gọi Cục Lúa gạo thuộc Bộ Nông nghiệp Thái Lan tăng tốc phát triển các giống lúa mới, có năng suất cao hơn để giảm chi phí sản xuất bằng cách đẩy mạnh hoạt động R&D. Cùng với đó là hối thúc Bộ Nông nghiệp sửa đổi các quy định để cho phép nông dân trồng các giống lúa nước ngoài bên cạnh những giống địa phương, từ đó tìm cách lai tạo để phát triển các giống lúa mới.

Chính phủ Thái Lan cần nhanh chóng hỗ trợ ngành lúa gạo trong nước phát triển các giống lúa mới, đáp ứng nhu cầu thị trường. Việt Nam từ lâu đã chuyển sang phát triển các loại gạo chất lượng cao để xuất khẩu như gạo hạt mềm với giá bán thấp hơn so với gạo Hom Mali của Thái Lan.

Báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ dự đoán Ấn Độ sẽ vẫn là nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào năm 2025, tiếp theo là Việt Nam và Thái Lan.

Charoen Laothamatas cảnh báo, nếu không hành động để giải quyết vấn đề này, thị phần xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ giảm

Dù nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng Thái Lan đối mặt nhiều thách thức bao gồm đất đai canh tác hạn chế, lực lượng lao động nông nghiệp suy giảm và năng suất lúa thấp.

Theo USDA, trong năm 2023, sản lượng gạo của Thái Lan chiếm gần 4% tổng sản lượng toàn cầu, đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và Việt Nam.

Hồi tháng 4, ông Pramote Charoensilp, Chủ tịch Hiệp hội nhà nông Thái Lan cũng bày tỏ lo lắng khi thấy nông dân ồ ạt trồng lúa jasmine 85. Ông ước tính, diện tích gieo trồng giống lúa này tới 160.000 hecta trong vụ canh tác bắt đầu vào tháng 4.

Ông khuyến cáo, nông dân không nên trồng lúa jasmine 85 để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến các giống lúa trong nước. Theo ông, các nhà xay xát và xuất khẩu sẽ ngại mua lúa jasmine 85 vì giống lúa này chưa được đăng ký tại Cục lúa gạo của Bộ Nông nghiệp Thái Lan.

Cục trưởng Cục lúa gạo Natthakit Khongthip cũng cho rằng, Thái Lan Lan không sản xuất đủ giống lúa để đáp ứng nhu cầu của nông dân. Do đó, nhà nông phải tìm kiếm các lựa chọn thay thế từ nước ngoài, đặc biệt là giống lúa jasmine 85 từ Việt Nam, loại cho năng suất cao nhưng có thời gian sinh trưởng ngắn hơn. Cục Lúa gạo đang cố gắng cải tiến các giống lúa trong nước nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức.

Cuối năm ngoái, Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan Thamanat Prompow cảnh báo, nông dân không nên nhập lậu các giống lúa từ Việt Nam chưa được đăng ký và chứng nhận tại Thái Lan, nếu không sẽ gặp rắc rối nếu Việt Nam khiếu nại. Điều này sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của Thái Lan và mối quan hệ song phương.

Ông thừa nhận, các giống lúa của Việt Nam có năng suất cao hơn so với các giống lúa nội, mang lại thu nhập tốt hơn cho nông dân.

Nông dân Thái Lan đã trồng lúa jasmine 85 từ nhiều năm trước. Gần đây, người dân mở rộng diện tích trồng giống lúa này vì được thị trường trong nước yêu chuộng và có bán cao hơn các giống địa phương.

Hồi năm 2019, rộ lên tin đồn Cục Lúa gạo gửi thư cho Bộ Thương mại Thái Lan để đề nghị can thiệp, bằng cách yêu cầu các nhà xay xát và các thương nhân giảm giá mua đối với lúa jasmine 85.

Kriangsak Tapanont, Chủ tịch Hiệp hội các nhà máy gạo Thái Lan, cho biết nếu có yêu cầu đó, các nhà xay xát gạo sẽ không hợp tác vì việc can thiệp thị trường theo cách như vậy là không phù hợp.

Lúc đó, ông Suthep Khongmak, Chủ tịch Hiệp hội nông dân trống lúa Thái Lan, cho rằng nếu muốn nông dân dừng trồng lúa jasmine 85, Cục Lúa gạo cần phải phát triển các giống lúa có năng suất, thời gian sinh trưởng và khả năng chống sâu bệnh ở mức ngang ngửa.

Theo trang web của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, jasmine 85 là giống lúa được Việt Nam nhập khẩu từ Viện lúa quốc gạo tế (IRRI) vào năm 1992 và được Viện Lúa đồng bằng Sông Cửu Long chọn thuần. Giống lúa này có thời gian sinh trưởng ngắn (93-100 ngày), tỷ lệ hạt lép thấp, năng suất cao và ổn định, thích hợp canh tác trong cả hai vụ Đông Xuân và Hè Thu. Jasmine 85 được trồng phổ biến ở An Giang và Đồng Tháp.

 Theo Bangkok Post

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới