Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nông nghiệp bền vững và những nguyên tắc cần tuân thủ trên thực địa

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Phát triển bền vững là mục tiêu hướng đến của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, để đạt kỳ vọng này không phải là chuyện dễ vì cần đáp ứng yêu cầu về giảm khí nhà kính và dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật ngày càng khắt khe hơn của thị trường nhập khẩu.

Sản xuất bền vững là mục tiêu hướng đến của ngành nông nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

Kết thúc năm 2024, ngành nông nghiệp mang về cho cả nước 62,5 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu, cao hơn 7,5 tỉ đô la Mỹ so với mục tiêu 55 tỉ đô la Mỹ được Thủ tướng Chính phủ đặt ra.

Tuy nhiên, ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để có được kết quả như trên, ngành nông nghiệp đã tạo ra 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia, trong đó, sản xuất lúa phát thải đến 46% trong tổng lượng phát thải của toàn ngành nông nghiệp.

Từ thực trạng nêu trên, vấn đề sản xuất bền vững là đòi hỏi tất yếu ngành nông nghiệp phải hướng tới. Đây cũng là cách để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của thị trường nhập khẩu.

Phải có cơ chế hạn chế lạm dụng hoá chất

Tại “diễn đàn xây dựng hệ sinh thái bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050” diễn ra mới đây ở thành phố Cần Thơ, ông Võ Tân Thành nhấn mạnh, chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp phát thải thấp cũng chính là con đường bảo vệ môi trường và gia tăng giá trị cho người nông dân.

Ông Ngô Xuân Chinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ kỹ thuật (Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) thì cho rằng, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững không chỉ góp phần đảm bảo đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, mà còn góp phần tạo dựng hình ảnh, chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng cần phải hiểu rõ trước hết, đó là nguyên tắc của phát triển bền vững. Chúng ta nói phát triển bền vững rất nhiều, vậy phải hướng tới phát triển bền vững dựa trên những mặt nào?, ông đặt câu hỏi.

Đầu tiên là nguyên tắc “uỷ thác của nhân dân”, tức chính quyền qua các giai đoạn phải làm sao thay mặt nhân dân thực hiện. Việc xây dựng các thông tư, nghị định phải đảm bảo xây dựng được xuyên suốt chính sách phát triển bển vững, ông Chinh nhấn mạnh.

Nguyên tắc thứ hai là “bình đẳng giữa các thế hệ”, nghĩa là chú trọng vào việc cân bằng giữa thế hệ trước với thế hệ sau trong khi thác tự nhiên. “Nếu bây giờ chúng ta khai thác hết tài nguyên, có bao nhiêu khai thác hết, thì đời con cháu hoặc xa hơn sẽ bị tác động rất lớn”, ông giải thích thêm.

Với nguyên tắc nêu trên, rõ ràng việc khai thác quá mức hoặc lạm dụng các loại hoá chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp để gia tăng sản lượng cần phải nhìn nhận lại và có cách ứng xử khác nhằm bảo vệ tài nguyên cho thế hệ mai sau.

Theo ông Chinh, cần thực thi nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” để hạn chế tình trạng lạm dụng hoá chất, bảo vệ môi trường và chất lượng sản phẩm ngành nông nghiệp. “Từ trước đến nay, các công ty phân, thuốc, tức những người gây ra ô nhiễm, nhưng họ đã trả tiền chưa?”, ông đặt câu hỏi và cho rằng, cần thực thi nguyên tắc này để hướng đến sự bền vững của ngành nông nghiệp.

Ngoài ra, phát triển bền vững đối với ngành nông nghiệp còn dựa trên nguyên tắc, người sử dụng trả tiền, tức bán tín chỉ carbon đang được hướng tới; nguyên tắc phòng ngừa rủi ro và phân quyền/uỷ quyền. Đây là những nguyên tắc chính hướng đến sự bền vững của ngành nông nghiệp, ông cho biết.

Tro, rơm được chế biến thành phân hữu cơ để trả lại đồng ruộng. Ảnh: Trung Chánh

Còn vướng thủ tục và dừng lại ở khẩu hiệu

Để hiện thực hoá phát triển bền vững, ngành nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang triển khai phát triển một triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Đây là bước đi nhằm tạo lập thương hiệu gạo giảm phát thải, đóng góp cho mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như cam kết của Chính phủ.

Ông Chinh cho rằng, việc áp dụng kỹ thuật tưới ngập, khô xen kẽ giúp giảm 30-40% lượng nước tưới so với cách sản xuất truyền thống hiện nay cũng là tiết kiểm tài nguyên, đúng với nguyên tắc “bình đẳng giữa các thế hệ” trong phát triển bền vững.

Dù xác định phát triển bền vững là mục tiêu hướng đến, nhưng việc thực thi để đạt kết quả như mong muốn không phải là chuyện dễ, thậm chí đang có nhiều thách thức.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI chi nhánh vùng ĐBSCL nhấn mạnh, nhìn một cách tổng thể và lâu dài, đang có rất nhiều thách thức cần giải quyết để xây dựng được một chuỗi sản xuất bền vững.

Theo đó, vấn đề đầu tiên là biến đổi khí hậu đang tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp; thứ hai, dù Việt Nam phát triển rất nhanh trong một số lĩnh vực, bao gồm chăn nuôi, sản xuất thuỷ sản, nhưng khâu chọn giống vẫn chưa làm chủ; thách thức thứ ba là làm sao ngành nông nghiệp Việt Nam có được trung tâm sản xuất, chế biến tập trung. “Đây là nội dung Chính phủ giao thành phố Cần Thơ, nhưng đến nay với các quy trình thủ tục hành chính vẫn chưa đưa ra được”, ông Lam nhấn mạnh.

Một thách thức không hề nhỏ khác, đó là ứng dụng khoa học, công nghệ để số hoá ngành nông nghiệp. “Cuối cùng, chúng tôi đánh giá, chính sách phát triển nông nghiệp chỉ mới đáp ứng được phần nào”, ông Lam nói và dẫn chứng, trước những thách thức/thay đổi lớn của thị trường thế giới, thì chính sách cần thích ứng nhanh chóng hơn.

Liên quan việc đưa công nghệ để số hoá phát triển bền vững ngành nông nghiệp, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, thừa nhận việc ứng dụng còn khó khăn cả về quy mô lẫn số lượng sản phẩm. “Sản xuất dàn trải, thiếu quy mô nên khó ứng dụng công nghệ trên quy mô lớn, chi phí cao làm hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa như mong muốn”, ông lý giải.

Đứng dưới góc độ doanh nghiệp, ông Tô Thái Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Thịnh đề xuất, cần có kiểm tra từ phía quản lý Nhà nước trong hướng người nông dân chuyển đổi sang sản xuất xanh, bền vững, bởi việc triển khai của nhiều chương trình/chính sách nhiều khi “chỉ dừng lại ở khẩu hiệu”.

Trong khi đó, để ứng công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất lẫn chế biến, vấn đề “cốt tử” của mọi vẫn đề vẫn là “có bột mới gột nên hồ”, tức phải có nguồn vốn để đầu tư. Bây giờ muốn tự động hoá, hiện đại hoá hay nâng cao chuyển đổi mô hình nhằm tăng giá trị, tăng sản lượng, nhưng không có tiền sao thay đổi?

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời - đơn vị đi đầu trong thực hiện cánh đồng mẫu lớn và hiện nay là một triệu héc ta lúa chất lượng cao - cho rằng, lý thuyết thấy làm được, nhưng suy nghĩ kỹ lại thấy khó, không làm được. Không làm được vì không đồng bộ giữa quản lý, quản trị và vấn đề chính sách, ông giải thích.

Từ vấn đề nêu trên, ông Thòn đề xuất, cần phân chia rõ ràng công việc và lợi ích của các bên tham gia, bao gồm doanh nghiệp, nông dân, các nhà hoạch định chính sách và chỉ đạo từ phía quản lý nhà nước. Phải làm rõ vấn đề đó, tức phân công cho hợp lý, xác định nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn cũng như nghĩa vụ của các bên, ông nhấn mạnh.

Tóm lại, mỗi địa phương tham gia đề án phải có “nhạc trưởng” để chỉ đạo chung, trong đó, các doanh nghiệp tham gia có sự phân vai rõ ràng, bao gồm vật tư nông nghiệp, giống, mua bán, chế biến, xuất khẩu…, thì việc thực hiện sẽ nhanh hơn. Phải có "nhạc trưởng" mới dẫn dắt được, chứ doanh nghiệp như tụi tôi, làm như tụi tôi nó sẽ lần quần mãi không ra đâu, ông Thòn nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới