Nông nghiệp công nghệ cao đối mặt nhiều rào cản
Thuỳ Dung
Nông nghiệp công nghệ cao phải gắn liền với đầu ra - Ảnh minh hoạ: TL |
(TBKTSG Online) - Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo nhiều chuyên gia, là một hướng đi đúng của ngành nông nghiệp nhưng phát triển lĩnh vực này còn gặp nhiều rào cản, trong đó có việc tiếp cận thị trường và vướng mắc về tài sản đảm bảo.
Lầm tưởng về nông nghiệp công nghệ cao
Tại hội thảo "Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng nông nghiệp công nghệ cao" diễn ra ngày hôm 4-7 tại Hà Nội, ông Lê Thành, Viện trưởng Viện kinh tế nông nghiệp hữu cơ cho biết, hiện đang có nhiều lầm tưởng về nông nghiệp công nghệ cao, nhiều ý kiến cho rằng đầu tư vào lĩnh vực này sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, chỉ đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao thì chưa đủ.
“Nông nghiệp công nghệ cao là một phương thức sản xuất chứ không phải mô hình kinh tế, nó phải gắn liền với chuỗi giá trị mới gọi là nông nghiệp công nghệ cao. Vậy nên, nông nghiệp công nghệ cao đầu tư tới 3.000 - 4.000 tỉ đồng mà không có thị trường sẽ trở thành gánh nặng cho các ngân hàng, doanh nghiệp và nhà đầu tư”, ông Thành nói.
Ví dụ điển hình là đợt dư thừa thịt heo vừa rồi, nếu đầu tư nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực nuôi heo nhưng không gắn với thị trường sẽ dẫn tới tình trạng dư thừa sản xuất, giá cả sụt giảm, nợ xấu tăng cao và là gánh nặng cho nền kinh tế.
Cũng tại hội thảo, ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là một hướng phát triển nông nghiệp mới, chưa có tiền lệ, vì vậy tiềm ẩn rủi ro khi triển khai dự án.
Mặt khác, vốn đầu tư cho dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là rất lớn và giá thành trên một đơn vị sản phẩm khá cao. Nhưng, hầu hết các sản phẩm của nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đang thiếu thị trường tiêu thụ ổn định, chưa có đủ công cụ cần thiết để phân biệt và bảo vệ sản phẩm dạng này trên thị trường nên hiệu quả đầu tư còn hạn chế.
Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững, ông Thành cho hay, nhà đầu tư phải quyết định thị trường, phải tìm được đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp mình sản xuất. Bên cạnh đó, nhà đầu tư phải tự liên kết với những nhà cung ứng. Cuối cùng, phải sử dụng công nghệ để làm nền tảng tạo thị trường.
“Chuỗi giá trị công nghệ cao thành công phải gắn chặt các đơn hàng từ tập đoàn lớn bởi chỉ có các đơn hàng lớn mới có thể tổ chức chuỗi giá trị sản xuất được”, ông Thành nói.
Tài sản lớn nhưng không được thế chấp
Theo đại diện NHNN, hiện các công trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới... chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, nguồn vốn dành cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao có, đó là gói tín dụng 100.0000 tỉ đồng mà Chính phủ dành cho lĩnh vực này. Song, điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này còn gặp nhiều khó khăn, thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp.
“Tài sản hình thành trên đất nông nghiệp của các dự án nông nghiệp công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới, nhà xưởng, trang thiết bị… rất lớn nhưng lại không được chứng nhận là tài sản bảo đảm để vay vốn”, bà Thuỷ nói.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm thực hiện Nghị quyết của Chính phủ nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp trong đó bao gồm tài sản hình thành trên đất của các dự án nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng.
NHNN cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT cần phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá, dự báo và cảnh báo về nhu cầu thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm để việc triển khai chương trình tín dụng nông nghiệp công nghệ cao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đạt hiệu quả.
Liên quan tới gói tín dụng 100.000 tỉ đồng, theo báo cáo kết quả sơ bộ, đến nay, tổng dư nợ cho vay ứng dụng công nghệ cao tại các ngân hàng thương mại đã đạt con số tương đối lớn là 32.339 tỉ đồng, với 4.021 khách hàng (3.957 khách hàng cá nhân, 64 doanh nghiệp). Một số ngân hàng có kết quả cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nổi bật. Ngân hàng TMCP Bắc Á cho vay đầu tư vào một số dự án lớn thuộc lĩnh vực chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, chế biến gỗ, trồng rau và hoa trong nhà kính, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao, rau củ quả chất lượng cao và lúa chất lượng cao như dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung tại xã Nghĩa Đàn, Nghệ An. Ngân hàng TMCP Ngoại thương cho vay đầu tư vào các dự án sản xuất trứng sạch, lợn giống và chăn nuôi lợn, thức ăn chăn nuôi. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra gói tín dụng 50.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất giảm từ 0,5 - 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường đối với các chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. |
Mời đọc thêm:
Phú Yên xây khu nông nghiệp công nghệ cao
Sắp triển khai gói tín dụng 100.000 tỉ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao