Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nước Anh và những mảng màu sáng, tối trong đại dịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nước Anh và những mảng màu sáng, tối trong đại dịch

Hồ Quốc Tuấn (*)

(TBKTSG) – Một tuần nay, nhà của tôi bắt đầu trong trạng thái “ở nhà” mà Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi. Công ty vợ tôi đóng cửa tạm thời, theo tính toán là nghỉ hai tuần nhưng tôi nghĩ còn lâu hơn như vậy. Còn trường của tôi chuyển sang làm việc tại nhà, học kỳ giảng dạy mùa xuân kết thúc sớm. Ngay cả việc ngồi hội đồng đánh giá tiến độ nghiên cứu tiến sĩ hằng năm cũng được thực hiện qua mạng.

Covid-19 tàn phá thị trường lao động Mỹ với 10 triệu người mất việc

Nhiều nước phạt tù người vi phạm lệnh cách ly do Covid

Nước Anh và những mảng màu sáng, tối trong đại dịch
Hai phụ nữ với khẩu trang bảo vệ tại trung tâm London.

Các bài thi đều phải được viết lại để phù hợp với chuyện cho thi qua mạng vào tháng 6. Nói chung, ở nhà làm việc nhưng còn bận rộn hơn ngày thường. Một vài đồng nghiệp tôi than vãn ở nhà làm việc không thể tập trung vì phải bận con cái, gia đình, và thỉnh thoảng là… cãi nhau với vợ hoặc chồng. Cô nghiên cứu sinh tiến sĩ của tôi thì than thở là làm việc ở nhà thì dễ mất tập trung, toàn… nấu ăn chứ không làm nghiên cứu.

Một trạng thái kỳ lạ. Chúng tôi đang “sống chậm”, nhưng theo cách khác nhau. Vợ tôi thì lên mạng đọc các trang giải trí đầy những mẩu chuyện cười thời coronavirus, trong khi tôi thì trò chuyện với nhiều người bạn về những cơ hội đầu tư khi giá cổ phiếu giảm rất mạnh, hoặc với đồng nghiệp về các dự án nghiên cứu qua mạng.

Chúng tôi cũng dành nhiều thời gian hơn để nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất với bạn bè, người thân  những người cũng tìm cái gì đó để làm cho hết ngày hết giờ giữa lúc đang nghỉ không làm gì.

Qua đó, tôi nhận thấy một bức tranh xã hội đầy màu sắc chứ không chỉ có một màu u ám sợ hãi hay lạc quan coi thường dịch bệnh như một số người đang cố gắng vẽ ra.

Một người bạn của tôi đang “cố thủ” ở London kể chuyện sáng nay nghe được tin gần nhà anh có người tấn công những y tá làm việc ở tuyến đầu, đốt xe giao thức ăn –  những dịch vụ cực kỳ thiết yếu hiện nay để giữ cho trái tim của xã hội nước Anh tiếp tục đập.

Cảnh sát nhận định đây là những hành vi thiếu suy nghĩ của một nhóm thanh niên vô công rỗi nghề và những người làm việc tuyến đầu này trở thành nạn nhân của họ vì chúng “tiện tay”. Ở Bristol nơi tôi ở cũng đã có tình trạng đốt xe giao thức ăn. Nhiều trung tâm thương mại và nơi vui chơi giải trí ở Bristol đã trở thành một “thành phố ma” (ghost town), cũng là một nơi cho những kẻ này phá phách.

Nhưng chúng cũng thích đốt phá những cái phấn khích hơn và dường như hiếp đáp y tá, đốt xe giao thức ăn đem lại những cảm giác mới mẻ cho những kẻ có suy nghĩ phản xã hội đó.

Trong khi đó, có những bác sĩ, y tá đã bị người cho thuê nhà đuổi ra khỏi nhà vì sợ họ mang mầm bệnh, bất chấp chính phủ yêu cầu chủ nhà cho thuê không làm như vậy. Đây là một nghịch lý hết sức khó chịu với nước Anh: những người đặt mạng sống của mình vào nguy hiểm để cứu người khác, để giữ cho nước Anh không “hôn mê” hoàn toàn, lại bị kỳ thị và xa lánh.

Một y tá Anh đã bật khóc vì sau hơn 30 tiếng làm việc, đi vào siêu thị mua đồ thì không còn lại gì cả. Những hành động rất hợp lý vì bảo vệ lợi ích của bản thân lại gây hại cho xã hội của người dân là đây. Nhưng giữa an toàn mạng sống và tiện lợi bản thân so với lợi ích cộng đồng, người ta sẽ lựa chọn như thế nào?

Những câu chuyện đó chỉ là những mảng tối hiếm hoi. Còn rất nhiều mảng sáng trong cuộc sống. Nhiều người cung cấp dịch vụ Airbnb ở Anh cho biết họ sẵn sàng cung cấp chỗ ở miễn phí cho những nhân viên làm việc cho hệ thống y tế quốc gia (NHS) như một cách tri ân những đóng góp của những người hùng thầm lặng này. Cho đến nay đã có 1.500 chỗ ở như vậy được công bố và hy vọng sẽ ngày càng nhiều hơn.

Vào 8 giờ tối ngày thứ Năm, 27-3, tất cả gia đình ở Anh đều đứng ở cửa nhà hoặc ban công để vỗ tay cổ vũ và cám ơn những nhân viên làm việc cho NHS và các nhà dưỡng lão đã dũng cảm tiếp tục công việc khó khăn của mình. Siêu thị Lidl đã cung cấp miễn phí hàng ngàn bao rau cải và trái cây để giúp các bạn nhân viên NHS sống khỏe mạnh trong mùa dịch để tiếp tục công việc. Giữa muôn vàn tin xấu, bao nhiêu đó cũng làm bạn ấm lòng.

Nói về chuyện lựa chọn giữa bảo vệ bản thân và đóng góp cho cộng đồng, câu chuyện cảm động hôm nay tôi đọc được là về một bác lớn tuổi tên Lin ở Birmingham. Bác đang bị ung thư giai đoạn cuối và bác quyết định nếu bị nhiễm virus, bác sẽ không nhập viện. Bác cho biết mình không muốn giành lấy nguồn lực có thể dùng để cứu sống người khác của NHS, vốn đang vô cùng thiếu thốn.

Bác nói, “có thể trong suốt phần đời còn lại, tôi sẽ không còn được đi đâu ra khỏi bốn bức tường nhà nữa”, “có thể tôi sẽ không được gặp lại con cái nữa”, “không còn được ôm hôn con cháu nữa”. Và bác vẫn quyết định không để NHS lãng phí nguồn lực cho bác.

Những người già ở Anh không bao giờ khiến tôi hết kính phục. Martin, thầy hướng dẫn luận văn tiến sĩ của tôi, một người già gần 70 tuổi sống gần Manchester, gửi cho bạn bè đồng nghiệp một e-mail với tiêu đề “Trò chơi mới cho các cô cậu” (nguyên văn “New toy for boys and girls!”), trong đó là một loạt hướng dẫn cho người mới nhập môn lập trình Python cho ngành tài chính, kinh tế. Python là một ngôn ngữ lập trình thời thượng mới nổi lên vài năm gần đây trong ngành tài chính và những người còn trẻ như chúng tôi còn vất vả tự cập nhật, tự học.

Một ông già gần 70 tuổi đã về hưu, vẫn còn tiếp tục tự học cái mới, tìm niềm vui mới trong những ngày xã hội phong tỏa như vầy. Vì vậy không có lý do gì mà người trẻ không tiếp tục cuộc sống. Nước Anh của những người già như vậy không thể bị đánh gục bởi một con virus được.

Thế nhưng, không phải vì thế mà người Anh có thể chủ quan. Nước Anh chậm trễ trong việc thực thi những biện pháp chống dịch mạnh mẽ, đóng cửa những nơi tụ tập đông người, hủy sự kiện lớn, và yêu cầu tất cả mọi người ở nhà. Vì vậy, số người bệnh ở Anh đã tăng nhanh đến con số trên 22.000 người và số người chết cũng đã vượt 1.400 người (tính đến 18 giờ ngày 31-3, giờ Việt Nam).

Những điều xấu nhất vẫn đang còn ở phía trước. Việc hai bác sĩ mới chết gần đây khiến các bác sĩ và y tá tiếp tục chỉ trích chính phủ vì không cung cấp đủ thiết bị bảo vệ như khẩu trang và bao tay. Thiếu máy thở vẫn là một vấn đề đau đầu với chính phủ.

Nhiều công ty Anh đang chỉ trích chính phủ đã bỏ lỡ cơ hội khi không đặt hàng sản xuất từ họ mà đi tìm nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Tờ Financial Times đã trích phát biểu của nhiều công ty cho thấy chính phủ đã không phản ứng đủ nhanh trong việc trả lời cho các công ty Anh biết chính phủ có cần máy thở của các công ty Anh không khi các công ty này đề xuất cung cấp máy thở cho NHS.

“Họ có thể đã có 500 máy thở nếu họ trả lời tôi ngay lập tức”, Giám đốc điều hành của MEC Medical – Andrew Rayner, cho biết. Họ đã bỏ lỡ cơ hội. Nước Anh đang đặt hàng 8.000 máy thở cho NHS trong vài tuần tới, trong khi theo ước tính thì cần thêm 30.000 máy.

Chính phủ Anh cũng đang bị chỉ trích vì chậm trễ trong việc cho các nhân viên y tế tuyến đầu được kiểm tra virus, làm tăng nguy cơ lây nhiễm coronavirus giữa nhân viên y tế với nhau, và từ nhân viên y tế sang những người bị các loại bệnh khác đang được chăm sóc trong bệnh viện.

Mà Chính phủ Anh không chỉ bị chỉ trích trong vấn đề y tế. Họ cũng bị cười nhạo vì đưa ra những đề xuất không sát thực tế trong cuộc sống phong tỏa chống dịch. Chính phủ khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ giao hàng siêu thị tận nhà, nhưng khi tôi sử dụng dịch vụ này ngày hôm nay, tôi được thông báo là mình nằm trong hàng chờ với số thứ tự… vài chục ngàn, và ước tính chỉ được giao vào… giữa tháng 4.

Một bạn tôi thì tức giận thông báo là anh đặt siêu thị giao mấy chục món hàng, nhưng khi giao hàng thì chỉ có thể giao vài ba món. Các siêu thị thì kêu gọi khách hàng nên chịu khó trực tiếp đi siêu thị để mua hàng vì năng lực giao hàng đã bị quá tải. Một bạn tôi đùa là chắc những chính trị gia làm ở số 10 Downing Street không đi chợ nên bây giờ vẫn kêu gọi người ta mua đồ siêu thị qua mạng.

Những ghi chép tản mạn này chỉ là một vài điểm chấm phá trong một bức tranh đa dạng của chuyện chống dịch ở Anh. Nó cho thấy không có toàn màu tối, cũng không toàn màu hồng. Người muốn tin nước Anh chống dịch tốt sẽ tìm đọc những tin như chính phủ chi nhiều tiền hỗ trợ người dân, những người Anh dũng cảm và không lo sợ về dịch.

Những người muốn tin rằng nước Anh chống dịch kém sẽ tìm những mẩu tin như Thủ tướng, Bộ trưởng Y tế và cả Thái tử Charles đều bị nhiễm virus, về số người chết, và ngay cả nhóm chuyên gia cố vấn chính sách y tế của Thủ tướng Boris Johnson cũng có người nhiễm bệnh.

Trong một bức tranh đa màu sắc đó, người ta sẽ chọn những tin ủng hộ cho quan điểm của mình về chống dịch, và bỏ qua những tin tức hay quan điểm của người khác. Thế rồi tranh luận lại nổ ra và người ta lại đổ lỗi cho nhau là ai làm cho dịch bệnh trầm trọng hơn.

Ví dụ như chính trị gia Mỹ đang gọi virus cúm lần này là virus Vũ Hán hay virus Trung Quốc. Ở Anh, nhiều người Anh đang sợ người châu Á mang dịch bệnh cho mình, và đã xảy ra những vụ đánh người châu Á chỉ vì nghĩ họ mang dịch bệnh. Ngược lại ở Việt Nam, nhiều người tôi quen đang rất lo sợ chỉ vì trong xóm có chủ nhà cho người nước ngoài thuê nhà.

Một sinh viên người Trung Quốc của tôi đang tỏ ra giận dữ với cách mà Chính phủ Anh đối xử với sinh viên Trung Quốc khi họ muốn được xét nghiệm. Họ cảm thấy nước Anh nói riêng và nhiều nước phương Tây khác quá kém cỏi và tỏ ra thất vọng vì đã đi học ở một nước như vậy.

Trong khi đó, nhiều thành viên nội các Anh đang chỉ trích Trung Quốc che giấu số liệu thật về dịch bệnh khiến nước Anh đã đưa ra các ước đoán sai lầm. Một số nghị sĩ Anh nhân đó đã kêu gọi chính phủ xem xét lại kế hoạch cho phép Huawei xây dựng mạng 5G ở Anh.

Con virus này tuy nhỏ, nhưng đang tạo ra những hố sâu ngăn cách không dễ gì lấp lại được sau dịch bệnh. 

(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới