Nuôi chim yến phải được cấp phép
Hồng Ngọc
Một dãy nhà đang xây dựng đễ nuôi chim yến tại huyện Cần Giờ, TPHCM - Ảnh: Trần Văn Mạnh. |
(TBKTSG Online) – Kể từ ngày 6-9 tới, người dân và doanh nghiệp muốn đầu tư nuôi chim yến phải đăng ký và phù hợp với quy hoạch nuôi chim yến của địa phương hoặc được sự đồng ý bằng văn bản của Uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện mới được nuôi.
>>Tranh cãi về chuyện nuôi chim yến
>>Có nên phát triển nghề nuôi chim yến lấy tổ?
>>Cần Giờ: Sẽ phát triển mô hình nuôi chim yến
Như vậy, từ nay tình trạng đổ xô đầu tư nuôi chim yến tràn lan sẽ chấm dứt, từ chỗ không ai quản lý nuôi chim yến chuyển sang quản lý chặt chẽ không khác gì quản lý các trại gà công nghiệp của ngành nông nghiệp.
Đây là một nội dung trong thông tư quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành trong bối cảnh đầu tư nuôi chim yến tràn lan ở các tỉnh phía Nam, thậm chí nuôi cả trong đô thị như TPHCM, Phan Rang, Bạc Liêu, Cà Mau, Mỹ Tho…
Thông tư cũng tạo lối mở cho những trường hợp đã đầu tư nuôi chim yến trước đây là đối với trường hợp tổ chức, cá nhân đã nuôi chim yến trước thời điểm thông tư này có hiệu lực phải khai báo chậm nhất vào ngày 31 -12- 2013.
Để dẫn dụ chim yến về làm tổ, các hộ nuôi chim thường bố trí máy phát âm thanh gọi chim trên tầng thượng. Thông tư quy định cường độ âm thanh không vượt quá 70 dBA (Đề xi ben A) trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ và không được sử dụng âm thanh trong thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
Sở dĩ thông tư quy định chặt chẽ điều này vì lâu nay, những âm thanh phát ra từ cái loa nhử chim cùng những tiếng kêu liên tục của bầy chim từ sáng đến tối khiến người dân sống gần các cơ sở nuôi chim yến than phiền, khiếu nại tới chính quyền.
Việc một cơ sở nuôi chim yến ở Ninh Thuận được phát hiện có chim yến nhiễm vi rút cúm A H5N1 đã đặt ra nhiều lo lắng cho người dân và lần này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chặt chẽ các điều kiện vệ sinh thú y và phòng chống dịch bệnh tương tự như các cơ sở chăn nuôi gia súc gia cầm hiện nay.
Đó là cơ sở nuôi chim yến phải được kiểm tra, giám sát và lấy mẫu xét nghiệm định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan thú y có thẩm quyền; cơ quan thú y lấy mẫu định kỳ một năm hai lần để kiểm soát dịch bệnh, lấy mẫu đột xuất khi có hiện tượng chim yến chết bất thường hoặc cơ sở nuôi chim yến nằm trong vùng đang có dịch cúm gia cầm.
TPHCM: Không cho nuôi yến trong đô thị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM cho biết đang xây dựng dự thảo quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến và quy hoạch vùng nuôi chim yến trên địa bàn TP HCM đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 theo hướng ưu tiên quy hoạch nhà nuôi yến tại huyện Cần Giờ, không cho phép nuôi chim yến tại các khu đô thị mới và khu vực trung tâm. Đối với những cơ sở hiện hữu, chưa phù hợp quy hoạch, chính quyền thành phố đã yêu cầu ngành nông nghiệp và các quận huyện phải di dời trước năm 2015. Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp, toàn thành phố hiện có 402 cơ sở nuôi chim yến nhưng chỉ có 10 nhà nuôi ở Cần Giờ được cấp phép nuôi thí điểm, còn lại là nuôi tự phát. Do vậy lần này ngành nông nghiệp rà soát, đánh giá thực trạng các cơ sở hiện hữu đã nuôi chim yến, tính toán cụ thể những rủi ro trong đầu tư để thông tin cho người dân, tránh đầu tư tràn lan. Chính quyền thành phố hồi tháng 6 năm nay cũng có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện rà soát hiện trạng các cơ sở nuôi chim yến hiện hữu đã xây dựng trên địa bàn, đồng thời kiên quyết không để tình trạng xây mới hoặc cải tạo, cơi nới nhà ở thành nhà nuôi chim yến trước tình trạng có nhiều hộ gia đình cải tạo lại nhà đang ở, kho, xưởng hoặc xây nhà mới với phần trên thiết kế nuôi chim yến và phần dưới để ở. Việt Nam hiện có hơn 700 cơ sở nuôi chim yến, khoảng 1.500 nhà yến ở 16 tỉnh thành và đang có dấu hiệu tăng thêm. |