Thứ Tư, 23/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Ở xa…

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ở xa...

Công Thắng

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) - Bình thường ngồi ở Sài Gòn chỉ cần nhấc chiếc điện thoại hoặc gõ bàn phím là gần như ngay lập tức bạn có thể liên lạc, trò chuyện, thậm chí tán gẫu với người ở xa, thậm chí xa tít đến nửa vòng trái đất. Quá gần đến nỗi hầu như bạn quên mất những khoảng cách diệu vợi.

Nhưng những ngày cuối tháng 9 vừa rồi, trong cơn bão Ketsana cùng lũ lụt kinh hoàng ở miền Trung và Tây nguyên, bạn ngồi đây và cảm thấy bất lực khi muốn gọi điện hay viết vội vài dòng hỏi han người thân đang chống chọi với tai trời ách nước.

Điện bị cắt, đường dây viễn thông bình thường cũng đứt ở nhiều vùng. Đành phải nhốn nháo chạy hỏi nơi này, hóng tin nơi khác. May mà còn có báo, có đài và những phóng viên tận tụy tìm cách lấy tin, đưa tin trong bão lũ. Nhưng cái làng, cái khu phố mà người thân của bạn đang sống cũng chỉ là một dấu chấm nhỏ trên bản đồ, không chắc được xuất hiện trong các bản tin về bão lụt. Thành ra khoảng cách vẫn kéo dài mịt mù, thăm thẳm.

Bạn biết rằng mình đang ở xa, quá xa miền quê thân yêu đang oằn mình trong bão lụt. Và trong tâm tưởng, chừng như bạn nghe cả tiếng gió dữ ù ù gào thét, quật ngã đám cây cối trong vườn, xốc cả mái ngói, giật tung những tấm tôn liệng xuống đất... thấy cả những con sông cuồn cuộn tràn bờ sôi réo và một biển nước mênh mông vàng đục phủ khắp ruộng đồng, làng xóm. Bạn nghe cả tiếng thở dài não lòng và những tiếng kêu cứu thảng thốt trong đêm đen từ mái tranh nào đó ngập chìm trong biển nước...

Bạn đang ở xa, quá xa. Phải chi lúc ấy bạn có mặt để chằng lại mấy tấm tôn trên mái, trảy bớt cành cây trước nhà, kê cao chiếc giường cho mẹ. Phải chi lúc ấy bạn có mặt để lội nước lụt, cõng bà và mấy cháu nhỏ sang nương nhờ nhà hàng xóm cao hơn. Phải chi lúc ấy bạn có mặt để kịp chuyển mấy thùng gạo, lu nước, bó củi khô lên rầm nhà để có cái ăn qua ngày. Phải chi...

Nhưng lúc ấy bạn đang ngồi đây, lòng nóng như lửa đốt. Những người xa quê giống bạn cũng như lửa đốt. Và họ í ới gọi cho nhau, tìm đến nhau, san sẻ chút tin tức mà mình biết được cùng bao nỗi âu lo. Khi ấy, bạn càng thấm thía hơn rằng quê mình sao vẫn còn nghèo, còn đông người phải xa xứ để mưu sinh. Bạn thương những cánh đồng vắng bóng nông dân; thương những ngôi nhà thiếu bàn tay đàn ông mạnh khỏe.

Nhưng rồi nghĩ lại, bạn cũng có nhiều an ủi: có một cộng đồng khác rộng hơn, lớn hơn sẵn sàng chia sẻ, bảo bọc những cộng đồng chòm xóm, đồng hương. Ở cơ quan bạn, có những đồng nghiệp trẻ chưa lần nào đến dải đất miền Trung cũng thăm hỏi sẻ chia nỗi lo lắng; có ông già hàng xóm gốc miền Tây ngày nào cũng chăm chăm theo dõi đài, báo đưa tin lụt bão, và trong câu chuyện với bạn thường tỏ lòng ái ngại. Bạn cũng biết chắc rằng cứ mỗi ngày qua đi, danh sách những người dân thành phố này và nhiều nơi khác đóng góp cho các quỹ cứu trợ sẽ ngày càng dài thêm... Cái tình làm con người gần lại nhau trong tai ương.

Cuối cùng, bạn cũng biết tin về người thân của mình sau khi bão lụt vừa qua. May mắn là mọi người đều bình an, căn nhà cũ chỉ bị hư hại nhẹ, có mấy cái cây trong vườn ngã đổ. Bạn thở phào. Nhưng hỏi han một hồi bạn mới biết thêm, ngôi trường tiểu học bạn từng học đã bị tốc mái hoàn toàn, những dãy phố nhỏ nhắn bình yên giờ ngổn ngang tôn, gạch, cây gãy, ruộng vườn xơ xác như qua một trận giặc kinh hoàng.

Ảnh chụp tại Quảng Trị trong cơn lụt cuối tháng 9-2009.

“Ai ngờ bão lớn quá, nước lên nhanh quá, trở tay không kịp, anh à...” - bạn nghe qua điện thoại tiếng đứa em nghẹn ngào. Đêm đó, cả nhà ngồi soạn lại mớ áo quần cũ, và bạn dành ra một phần tiền lương vừa nhận đưa cho con gái mang đến điểm quyên góp ở khu phố.

Giờ thì lòng bạn thôi lửa đốt, mọi sự gần lại. Bạn tính chuyện nhờ người sửa lại những chỗ hư hỏng nơi mái nhà, dọn dẹp cây cối trong vườn. Nhưng đứa em gái than thở: “Lúc này ai cũng rối bời, ngổn ngang chuyện nhà. Tìm đâu ra người...”.

Và bạn chợt nhớ ra, vẫn còn những thôn xóm vùng sâu bị chia cắt bởi đường hư, núi lở; vẫn còn nhiều người sống dưới mái chòi che tạm ăn khoai sắn qua ngày; vẫn còn nhiều trẻ em không còn sách vở, không còn trường để quay về lớp học; vẫn còn nhiều vết thương nhức buốt chưa lành miệng sau bão lụt... Và ở nơi bạn đang sống đây, vẫn còn nhiều người thắc thỏm, dằn vặt vì nỗi mình đang ở nơi xa...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới