(KTSG Online) – Trung ương đã thống nhất để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021-2026 theo nguyện vọng cá nhân.
Theo TTXVN, tại cuộc họp bất thường chiều 17-1, Ban chấp hành Trung ương sau khi xem xét và cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của ông Nguyễn Xuân Phúc, Trung ương đã thống nhất để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021-2026 theo nguyện vọng cá nhân.
Trung ương đánh giá ông Nguyễn Xuân Phúc là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng; được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị các khoá tín nhiệm phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Trên cương vị Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021, ông đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt kết quả quan trọng. Tuy nhiên, ông chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 Phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng. 2 Phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự.
Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, ông Phúc đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.
Theo Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Chủ tịch nước đứng đầu Nhà nước, thay mặt đất nước về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội, do đó Quốc hội sẽ phải tiến hành quy trình miễn nhiệm Chủ tịch nước.
Nhiệm kỳ khóa XIII, Bộ Chính trị có 18 ủy viên. Sau khi ông Phạm Bình Minh và Nguyễn Xuân Phúc thôi chức, Bộ Chính trị còn 16 ủy viên.