Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

PCI chuyển qua giai đoạn cạnh tranh về ‘trái tim, khối óc’

Trần Mạnh Trí (*) - Trần Trí Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Với xu thế cải thiện các chỉ số thành phần theo mô hình “quả táo”, PCI sẽ chuyển qua giai đoạn cạnh tranh về chất với hàm ý “trái tim và khối óc”(1) khi quả táo chín căng tròn. Khi ấy, PCI không đơn thuần là một chỉ số đo lường mà còn là biểu tượng của sự cảm thụ, trải nghiệm của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đối với môi trường kinh doanh địa phương. Do vậy, đã đến lúc cần xem mục tiêu phát triển doanh nghiệp tư nhân như là một chỉ báo tham chiếu để hoàn thiện bộ chỉ số cũng như đo lường hiệu quả của PCI?

Trao kỷ niệm chương cho đại diện TOP 10 bảng xếp hạng PCI năm 2022 - Ảnh: VGP

Xu hướng thay đổi mô hình cải cách PCI từ “bàn tay trỏ” sang mô hình hình “quả táo”

Đặc trưng đáng lưu ý trong đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ năm 2022 trở đi là sự thay đổi trọng số các chỉ số thành phần với phổ điều chỉnh rất rộng ±30 điểm phần trăm (kỳ trước là 20). Gồm, nhóm ba Chỉ số hạ nhiệt (3, 8, 9), trong đó, giảm mạnh là tính minh bạch (giảm 15 điểm phần trăm), đào tạo lao động (giảm 10 điểm phần trăm) và nhóm năm Chỉ số tăng (2, 5, 6, 7, 10), trọng tâm là tính năng động, tiên phong của chính quyền, tăng 10 điểm phần trăm. Đây là thay đổi lần thứ ba trong lịch sử phát triển PCI Việt Nam, lần một vào năm 2008, lần hai vào năm 2013.

Trọng số thể hiện mức đóng góp và tầm quan trọng của từng chỉ số đối với sự phát triển của khu vực tư nhân. Do vậy, sự điều chỉnh kỳ này nhằm phản ánh sát thực trạng những chuyển động đáng chú ý nhất của môi trường kinh doanh. Sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân không còn tập trung vào ba chỉ số (3, 8, 9) theo hình “bàn tay trỏ” mà được trải rộng hầu hết các chỉ số theo hình “quả táo” với sự chú ý hơn đến các chỉ số có trọng số lớn (5, 7, 8); nghĩa là ưu tiên phát triển phần đáy quả táo trong tiến trình trái chín.

Quá trình cải thiện chỉ số thành phần ba nhóm điểm số Min, Med (trung vị) và Max từ kỳ thay đổi trọng số lần hai đến năm 2023 theo biểu đồ 1 đã phản ánh rõ xu hướng phát triển trên, quả táo ngày càng căng tròn theo vóc dáng tự nhiên của nó. Đồng thời, biểu tượng quả táo “khuyết” của chỉ số Min năm 2022, 2023 (biểu đồ 2, 3) cho thấy khái quát nguyên nhân vì sao nhóm dưới trung vị cải thiện kém hiệu quả - đó là sự xa rời xu hướng trên con đường cải thiện.

Mô hình quả táo không chỉ biểu thị những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến sự tăng trưởng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tư nhân mà còn là xu hướng cải cách tối ưu hóa nâng cao điểm số PCI, phản ánh định hướng và sự ưu tiên của chính quyền đối với các lĩnh vực, chỉ số cần tập trung cải thiện để nâng cao chất lượng điều hành kinh tế địa phương. Vì thế, mô hình này có ý nghĩa tham chiếu cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng và đánh giá kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh của các địa phương. Bởi, sự thay đổi trọng số các chỉ số đều làm biến động tăng/giảm, đồng biến/nghịch biến đến điểm số và thứ hạng PCI. Nếu địa phương chú ý đến chỉ số thành phần cụ thể nào đó và chỉ số này được đánh giá cao hơn so với các địa phương khác thì điểm số và thứ hạng sẽ tăng lên và ngược lại.

Có thể chiêm nghiệm nhận định trên qua thực tiễn năm 2022 khi tính toán lại PCI theo trọng số cũ, thứ hạng các địa phương bị tác động rất mạnh với khoảng biến thiên rất rộng (Quảng Bình giảm 22 bậc, Bến Tre tăng 18 bậc). Trong đó, giảm điểm/tụt hạng có Bắc Ninh, Hà Nội; 32 địa phương tăng điểm, tăng hạng; 5 địa phương tăng điểm, không thay đổi vị thứ (Cao Bằng, Khánh Hòa, Đắk Nông, Cần Thơ, Quảng Ninh); còn lại 24 địa phương tăng điểm nhưng lại tụt hạng(2). Hai nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên, một là tách rời xu hướng mới do chủ quan nên vẫn duy trì mô hình bàn tay trỏ; hoặc là, không được cung cấp thông tin kịp thời về sự thay đổi trọng số trong quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch cải thiện PCI!

Với xu thế cải thiện các chỉ số theo mô hình quả táo, mức độ cạnh tranh PCI giữa các địa phương sẽ ngày càng quyết liệt, không chỉ về lượng mà còn chuyển qua giai đoạn cạnh tranh về chất theo hàm ý ”trái tim và khối óc” khi quả táo chín căng tròn (các chỉ số tiệm cận cực đại). Khi ấy, PCI không đơn thuần là một chỉ số đo lường mà còn là biểu tượng của sự cảm thụ, trải nghiệm của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đối với môi trường kinh doanh.

Cạnh tranh thứ hạng và xu hướng qua ba lần thay đổi trọng số

Nhóm cuối bảng ngày càng cải thiện mạnh liên tục điểm số, với tốc độ bình quân 3,18%/năm, từ 36,1 năm 2006 lên 61,4 năm 2023, tăng 25,1 điểm; tương tự, điểm trung vị(3) cũng từ 52,4 lên 66,7, với tốc độ bình quân năm 1,42%, tăng 14,3 điểm. Ngược lại, nhóm đầu bảng có khuynh hướng giậm chân tại chỗ và đi xuống, từ 77,6 điểm xuống 71,3 điểm năm 2023, với tốc độ âm 0,5%/năm, giảm 6,3 điểm. Điều đó làm cho không gian cạnh tranh ngày càng nhỏ lại, từ khoảng cách 41,54 điểm chênh lệch giữa max-min năm 2006 xuống còn 9,9 điểm năm 2023; đặc biệt, thu hẹp nhanh trong những năm gần đây.

Biên độ điểm thứ hạng (viết tắt là biên độ) là khoảng cách điểm số giữa hai thứ bậc liền kề, thể hiện mức độ cạnh tranh thứ hạng, biên độ càng nhỏ mức độ cạnh tranh càng lớn. Đối với nhóm trên trung vị (Med+), biên độ giảm rất nhanh với tốc độ 5,31 lần liên tục theo thời gian từ 0,79 điểm năm 2006 xuống 0,15 điểm năm 2023; nhóm dưới trung vị (Med-) cũng giảm khá nhanh (3 lần) từ 0,51 điểm năm 2006 xuống 0,17 điểm năm 2023.

Nhìn chung, nhóm Med- mức độ cạnh tranh gay gắt hơn nhưng gia tốc không nhanh bằng nhóm Med+. Đặc biệt, sau kỳ điều chỉnh trọng số lần ba, mức độ cạnh tranh thứ hạng ở cả hai nhóm năm 2023 đều khốc liệt, độ nhạy thay đổi thứ hạng chỉ dao động trong khoảng rất hẹp, tính bằng số lẻ đơn vị điểm số (0,15-0,17 điểm).

Càng gần thời điểm thay đổi trọng số, cạnh tranh thứ hạng giữa hai nhóm thông qua chỉ số biên độ có xu hướng tương đồng: lần một vào năm 2008 (0,58/0,54), trùng nhau lần hai (0,28) năm 2013 và năm 2021 (0,27) - kế năm điều chỉnh lần ba. Thực tiễn đó phản ánh sự bão hòa về mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đối với vai trò của các chỉ số hiện hữu và sự tất yếu phải thay đổi trọng số. Qua đó, minh chứng sự đúng đắn, phù hợp, kịp thời trong các lần điều chỉnh trọng số; tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu kịp thời điều chỉnh trọng số lần ba vào năm 2021 khi biên độ hai nhóm bằng nhau.

Để rõ hơn mức độ và xu hướng cạnh tranh giữa các địa phương, người viết phân loại kết quả thứ hạng PCI theo ba nhóm (trung bình, trên và dưới trung bình) để phân tích, đánh giá. Kết quả biên độ thứ hạng của ba nhóm giai đoạn 2006-2023 như sau:

- Không gian cạnh tranh giữa các nhóm cũng như trong nội nhóm ngày càng thu hẹp là xu hướng chung như đã phân tích. Đặc biệt từ năm 2023 trở đi, mức độ cạnh tranh thứ hạng sẽ rất khốc liệt với độ nhạy biên độ cạnh tranh cực nhỏ.

- Nhóm trung bình (gồm các địa phương từ vị thứ 22-42) luôn ở trong tình trạng cạnh tranh rất gay gắt, với biên độ nhỏ 0,15 bình quân giai đoạn 2006-2022; đặc biệt qua năm 2023, rất khốc liệt, bởi, độ nhạy biên độ cạnh tranh cực nhỏ, chỉ cần 0,06 điểm số đã làm thay đổi một đơn vị thứ hạng.

- Nhóm trên trung bình (từ vị thứ 1-21), mặc dù biên độ bình quân cao (0,49/0,38) so với nhóm dưới trung bình (từ vị trí 43-63(4)) nhưng gia tốc gấp 2 lần, nên khoảng cách cạnh tranh thu hẹp rất nhanh, ngang nhau vào năm 2013, 2021 và vượt qua nhóm này vào năm 2023 với mức độ cạnh tranh rất gay gắt (0,17/0,21 điểm).

Cuộc rượt đuổi điểm số ngày càng ngắn lại làm cho cạnh tranh thứ hạng càng trở lên khốc liệt với những biến đổi đột phá; thay đổi thứ hạng chỉ tính bằng số thập phân đơn vị điểm số. Trụ hạng thật sự đang trở thành thách thức lớn, nhất là đối với các tỉnh/thành thuộc nhóm trung bình và nhóm trên trung bình.

(*) VHU
(1) Diễn đạt nghĩa bóng “tình yêu và tri thức” của biểu tượng quả táo
(2) Tham khảo bài viết “PCI 2022 - Bất ngờ phút 89”, Trần Mạnh Đương, Đặc san Khoa học và Phát triển thành phố Đà Nẵng số 6 (9-2023), tr 50.
(3) Điểm trung vị PCI là điểm số mà vị trí của nó nằm ở giữa nhóm các tỉnh thành; có nghĩa là, phân nửa các địa phương có điểm số lớn hơn điểm trung vị và phân nửa còn lại gồm các địa phương có điểm số bé hơn điểm trung vị.
(4) Năm 2006, nhóm dưới trung bình thêm một tỉnh Hà Tây thứ 64

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới