Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Phải sống thực sự cống hiến để không hối hận về cuối đời’

Nhân Tâm thực hiện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhân dịp Xuân Nhâm Dần, KTSG Online có buổi trò chuyện với ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – địa phương được chọn đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2022 và đang có những kế hoạch lớn để phục hồi sau dịch.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp phía Nam tháng 4-2021 do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp tổ chức. Ảnh: Nhân Tâm

KTSG Online: Năm Du lịch Quốc gia 2022: “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh” được xem là một trong nững cơ hội để tỉnh Quảng Nam có thể phục hồi kinh tế nói chung và du lịch nói riêng trong năm Nhâm Dần này. Ông có thể chia sẻ thêm về những cơ hội và thách thức của tỉnh từ sự kiện này?

Ông Lê Trí Thanh: Hai năm qua, ngành du lịch tỉnh Quảng Nam đã bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Giờ đây khi được chọn đăng cai tổ chức Năm du lịch Quốc gia, cùng với khả năng kiểm soát được dịch Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam, thì cơ hội cho phục hồi và phát triển du lịch của tỉnh Quảng Nam là rất rõ ràng.

Ngày 4-12-2021, là địa phương đầu tiên của cả nước, được sự giúp đỡ kỹ thuật của Chương trình du lịch bền vững Thuỵ Sĩ (SSTP), tỉnh Quảng Nam đã ban hành Bộ tiêu chí du lịch Xanh dành cho 6 loại hình du lịch, dịch vụ, qua đó mong muốn cộng đồng làm du lịch tại Quảng Nam phải hướng đến một hệ sinh thái du lịch an toàn, bền vững gắn với bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan tự nhiên, giữ gìn bản sắc văn hoá bản địa, giảm thiểu tiêu hao điện năng, phát triển kinh tế du lịch tuần hoàn…

Và Năm Du lịch Quốc gia 2022 lấy chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch Xanh” sẽ là cơ hội để để hiện thực hoá chủ trương này, qua đó cũng muốn truyền đi một thông điệp về một Quảng Nam đang chuyển mình vươn lên mạnh mẽ những vẫn chú trọng đến bảo tồn những giá trị cốt lõi của nhân loại và hành tinh này.

Thời gian qua, nhiều sản phẩm du lịch của Quảng Nam gắn với làng quê, sông nước, biển đảo, núi rừng đã và đang được xây dựng bởi những chủ đầu tư tâm huyết, trách nhiệm. Nay sẽ là dịp để họ đưa vào khai thác làm say lòng du khách.

Điều thuận lợi của tỉnh Quảng Nam, đó là các doanh nghiệp làm du lịch đều chấp hành rất tốt những chủ trương của tỉnh trong quan điểm và định hướng xây dựng sản phẩm, đồng thời cũng không để trùng lắp, xung đột lẫn nhau mà được chia sẻ, hỗ trợ, cộng sinh cùng phát triển.

Quảng Nam là địa phương có tài nguyên thiên nhiên, văn hoá và nhân văn rất phong phú; cơ sở hạ tầng then chốt như sân bay, cảng biển, đường sắt, đường bộ xuyên Việt, xuyên Á đều đủ cả.

Do đó, chắc chắn sẽ là cứ địa lý tưởng cho đa dạng hoá các hoạt động du lịch ở mọi cấp độ và hình thức khác nhau. Quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá cũng đang được tỉnh Quảng Nam hoạch và triển khai rất chặt chẽ để không làm tổn hại, kìm hãm cho sự phát triển của du lịch.

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cũng đang được tỉnh đặc biệt quan tâm để đáp ứng được nhu cầu bùng nổ của các dự án du lịch trong thời gian đến. Vì vậy nói Quảng Nam sẽ là thiên đường du lịch, một vùng đất đáng đến và đáng sống cũng chẳng có gì là quá đáng.

Thách thức mà ngành du lịch gặp phải trong ngắn hạn, đó là sự phụ thuộc vào ngành du lịch chung của thế giới, là chủ trương mở đón khách du lịch quốc tế của Việt Nam, là tâm lý còn e dè của du khách khi vẫn còn bị ám ảnh bởi sự lây lan dịch bệnh. Về mặt chủ quan, các sản phẩm cần có sự độc đáo, khác biệt hướng vào từng đối tượng khách hàng trong nước và quốc tế, điều này đồi hỏi sự nỗ lực, kiên trì rất lớn, trong khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính khi đã phải cầm cự trong thời gian khá dài.

KTSG Online: Ngoài điểm nhấn này, đâu là những kế hoạch lớn về phát triển kinh tế trong năm Nhâm Dần mà tỉnh Quảng Nam sẽ khởi động để có thể từng bước khôi phục sau dịch hiệu quả?

Ông Lê Trí Thanh: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ 22 (nhiệm kỳ 2020-2025) phấn đấu đến năm 2030 Quảng Nam sẽ trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, theo đó Tỉnh ủy đã đề ra 3 đột phá chiến lược và 6 nhóm dự án động lực phát triển vùng ven biển phía Đông, 5 nhóm dự án trọng điểm phát triển vùng miền núi phía Tây.

Đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2022 là cơ hội để Quảng Nam phục hồi kinh tế nói chung và ngành công nghiệp không khói nói riêng, hướng đến xanh và bền vững. Trong ảnh là du khách nước ngoài trải nghiệm cuốc đất trồng rau tại làng rau Trà Quế, thành phố Hội An. Ảnh: Nhân Tâm

Xét bối cảnh, tình hình trong nước và quốc tế, trên nền tảng những thành công rất lớn của năm 2021 - năm đầu tiên của nhiệm kỳ, tỉnh Quảng Nam chọn triển khai các trọng tâm sau:

Một là, đẩy mạnh cải cách hành chính mà trọng tâm là cải thiện thời gian hoàn thành thủ tục hành chính và chất lượng của nền hành chính, thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống hành chính các cấp gắn với chuẩn hoá các vị trí việc làm, thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ công chức giữa các cơ quan trong cùng cấp hoặc khác cấp; thay thế cán bộ công chức trì trệ, không có động lực phấn đấu, xử lý những cán bộ công chức có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, gây mất đoàn kết.

Bên cạnh đó, phải tạo chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu số của các ngành, các địa phương, nâng cao tỉ lệ sử dụng dịch vụ hành chính công qua mạng để nền hành chính của tỉnh Quảng Nam sẽ ngày càng trở nên minh bạch, hiệu quả, phù hợp với xu thế của thời đại.

Hai là, năm 2021 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ, vì vậy khối lượng công việc mà UBND tỉnh chuẩn bị để trình Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh là rất lớn với 12 Nghị quyết của Tỉnh uỷ và 36 Nghị quyết của HĐND về phát triển kinh tế - xã hội, các nghị quyết này cần phải triển khai ngay để sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực. Bên cạnh đó năm 2021, UBND tỉnh cũng đã ban hành 73 nội dung và đang soạn thảo 55 nội dung trong Chương trình hành động của UBND tỉnh để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 22.

Các nội dung này cũng phải cần khẩn trương hoàn thành và triển khai nghiêm túc trong năm 2022. Trong đó, phải chuẩn bị chu đáo các nội dung đăng ký làm việc với Chính phủ để tạo đột phá phát triển mạnh mẽ Quảng Nam, bao gồm cơ chế đặc thù cho bảo tồn, phát triển di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn và cơ chế tạo điều kiện phát triển toàn diện Khu kinh tế mở Chu Lai.

Ba là, hoàn chỉnh đồng bộ các qui hoạch tỉnh, qui hoạch vùng, qui hoạch các phân khu chức năng đồng thời với đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược trên các lĩnh vực công nghiệp, đô thị, du lịch, nông nghiệp và hạ tầng chiến lược (sân bay, cảng biển).

Theo đó, phải sớm có mặt bằng tại các khu công nghiệp của Thaco, Tam Thăng, Tam Anh và Quế Sơn để thu hút các dự án công nghiệp tạo giá trị gia tăng cao và đóng góp ngân sách lớn. Các đô thị tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc phải sớm giải quyết tồn tại để đẩy nhanh tiến độ, cùng với đó là triển khai nhiều dự án đô thị du lịch, đô thị công nghệ qui mô lớn tại vùng Đông và các dự án mở rộng đô thị tại các trung tâm huyện.

Các dự án du lịch qui mô lớn khu vực ven sông, ven biển, vùng trung du, miền núi, hải đảo sẽ được đẩy mạnh tạo ra các sản phẩm khác biệt do các nhà đầu tư lớn thực hiện, đồng thời với thúc đẩy mối liên kết với các doanh nghiệp du lịch địa phương để phát triển du lịch cộng đồng, gia tăng thu nhập cho nhân dân.

Trong nông nghiệp và dược liệu sẽ làm việc với các nhà đầu tư chiến lược để xây dựng liên kết phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ xây dựng vùng nguyên liệu đến chế biến sâu, trong đó nông nghiệp sẽ theo hướng hữu cơ và thích ứng biến đổi khí hậu, dược liệu sẽ trở thành một ngành công nghiệp chủ lực để tạo thương hiệu riêng có cho Quảng Nam và là con đường quan trọng để làm giàu cho miền núi.

Quan điểm của tỉnh là khẩn trương tái cấu trúc toàn bộ các lĩnh vực của ngành nông nghiệp, dược liệu gắn với qui hoạch và xây dựng những miền quê đáng sống, khuyến khích thanh niên ở lại nông thôn thay vì dịch chuyển ra đô thị và nhiều bà con xa quê sẽ “hồi hương”.

Sân bay Chu Lai đã được Thủ tướng yêu cầu phải đầu tư trở thành sân bay quốc tế lớn của miền Trung, ngoài chức năng vận chuyển hành khách quốc tế với công suất 30 triệu khách/năm thì nơi đây còn trung tâm trung chuyển, phân phối hàng hoá hàng không cấp quốc tế, trung tâm sửa chữa bảo dưỡng các loại máy bay hàng nặng và sản xuất, gia công các sản phẩm ngành hàng không. Trong năm 2022 phải xong cơ chế và hình thức huy động các doanh nghiệp lớn đầu tư sân bay này.

Đối với cảng biển Chu Lai đã được qui hoạch trở thành cảng biển loại 1 cho tàu 5 vạn tấn đủ tải vào làm hàng trên cơ sở mở luồng mới, xây bến mới. Hiện nay Thaco đã đăng ký tự bỏ vốn đầu tư, trong năm 2022 cần hỗ trợ để hoàn thành cơ bản các thủ tục cần thiết.

Ngoài ra, năm 2022 tỉnh Quảng Nam phải khẩn trương phối hợ với Bộ Giao thông vận tải để hoàn thành một số thủ tục chuẩn bị đầu tư, đảm bảo cho năm 2023 khởi công QL14E nối từ QL1A lên đường HCM và xúc tiến tiếp QL14D nối từ đường HCM lên Cửa khẩu quốc tế Nam Giang qua Lào, Thái Lan. Có thể khẳng định tính khả thi của việc hình một trung tâm logistic đa phương tiện tầm cỡ quốc tế tại Chu Lai là vô cùng lớn và hội đủ điều kiện về hạ tầng và nguồn hàng đi/đến.

Cuối cùng, phải quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 ngay từ đầu năm.

Thu hút đầu tư, sản xuất công nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng để Quảng Nam thúc đẩy kinh tế sau dịch. Trong ảnh là Cảng Chu Lai nằm trong Khu Kinh tế Chu Lai, Quảng Nam. Ảnh: Thaco cung cấp

Năm 2021 mặc dù khó khăn nhưng tỉnh Quảng Nam đã giải ngân trên 95%, phấn đấu năm 2022 phải đạt 100%. Để làm được điều đó, những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn đã được chỉ ra trong năm 2021 phải được khắc phục trong năm 2022. Bên cạnh đó, năm 2022 là năm đầu tiên của thời kỳ ổn định ngân sách mới, cần phải chỉ đạo, điều hành vừa chặt chẽ vừa linh hoạt để đảm bảo nguồn thu ngân sách.

Năm 2021, trong điều kiện vô cùng khó khăn, Quảng Nam thu ngân sách 23.773 tỉ đồng, vượt dự toán Trung ương giao trên 5.900 tỉ đồng (trong đó nội địa vượt trên 5.000 tỉ), thì năm 2022, với tình hình khả quan hơn, sẽ nỗ lực để vượt thu cao hơn, đảm bảo nguồn lực để thực hiện các chương trình, nghị quyết theo kế hoạch và có thêm nguồn tăng thu, vượt thu để bổ sung thực hiện các dự án mới, tạo động lực phát triển mạnh mẽ tỉnh Quảng Nam ngay trong năm bản lề quan trọng của kế hoạch 10 năm 2021-2030.

KTSG Online: Theo ông, để tỉnh Quảng Nam có thể nắm bắt các cơ hội cũng như thực thi các kế hoạch hiệu quả mà ông vừa chia sẻ ở trên, đâu sẽ là những yếu tố quyết định? Vì sao?

Ông Lê Trí Thanh: Đó chính là nhân tố con người, vừa thể hiện qua vai trò cá nhân (đặc biệt là người đứng đầu các cấp, các ngành), vừa thể hiện qua tính đoàn kết, thống nhất, nỗ lực của tập thể từng cơ quan, đơn vị.

Mỗi người, mỗi tổ chức đều là một mắt xích quan trọng của cả hệ thống. Bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức nào lỏng lẻo, chệch choạc thì cỗ mấy sẽ không thể vận hành trơn tru, đồng bộ và an toàn được.

Cần phải ý thức rõ điều đó để toàn tâm, toàn lực phụng sự cho quê hương, quốc gia, dân tộc.

Ai cũng chỉ sinh ra một lần, phải sống thực sự cống hiến để không hối hận về cuối đời.

Những ai làm việc mà không có nhiệt huyết, thiếu tinh thần trách nhiệm, mưu cầu lợi ích cá nhân thì nên dừng bước để tạo cơ hội cho những người khác phù hợp hơn.

KTSG Online: Cuối cùng, ông có chia sẻ gì với người dân Quảng Nam cũng như bạn đọc của Kinh tế Sài Gòn nhân dịp Xuân Nhâm Dần?

Nhân dịp năm mới Nhâm Dần, kính chúc mọi điều tốt đẹp nhất đến với mọi người và mọi nhà.

Xin cảm ơn ông!

Nhân Tâm thực hiện

1 BÌNH LUẬN

  1. QN cái gì cũng được nhưng chưa tốt. Nhất là con người của bộ máy hành chính. Năm mới cũng không nên quên chuyện cũ. Đừng để những “tiểu tiết” biến thành đại sự, ví dụ như vụ việc “2.000đ”, hoặc “chỉ thầu”…Thực ra những việc này không chỉ riêng QN mới có, thậm chí cả nước đi đâu cũng dễ “chộ” lắm. Rốt cuộc, cần có bộ máy và con người tâm huyết, tài năng là quan trọng nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới