Thứ Tư, 15/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phạt tù từ 2 – 10 năm nếu chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phạt tù từ 2 – 10 năm nếu chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội

Thùy Dung

Phạt tù từ 2 - 10 năm nếu chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội
Doanh nghiệp đóng BHXH – Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Doanh nghiệp nếu có hành vi chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động có thể bị phạt tiền, bị xử lý hình sự và có thể bị phạt tù từ 2 đến 10 năm, theo Luật hình sự sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua.

Cụ thể, Điều 214 Luật Hình sự sửa đổi quy định người nào thực hiện một trong các hành vi như chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Đối với những trường hợp chiếm đoạt có tính tổ chức, chuyên nghiệp và chiếm đoạt từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng cho BHXH có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Trường hợp nặng nhất, theo Điều 214, nếu người nào chiếm đoạt tiền BHXH hoặc gây thiệt hại cho BHXH số tiền trên 500 triệu đồng có thể bị phạt tù từ 5 đến 10 năm. Đồng thời, những người vi phạm có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Đây được coi là những hình phạt mạnh tay nhất từ trước tới nay đối với hành vi chiếm đoạt tiền BHXH của người lao động khi mà trước đây, hành vi này chỉ bị xử lý hành chính. Biện pháp "nặng tay" này nhằm để hạn chế tình trạng trốn, chậm đóng, chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động cũng như của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Bên cạnh đó, Điều 216 Luật hình sự sửa đổi cũng quy định đối với tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Cụ thể, người nào có nghĩa vụ đóng các loại bảo hiểm này cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm trong trường hợp trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 đến dưới 50 người lao động.

Nếu phạm tội ở mức nghiêm trọng hơn như phạm 2 lần, trốn đóng từ 300 đến 1 tỉ đồng, trốn đóng cho 50 đến 200 lao động, hoặc đã thu của người lao động nhưng không đóng BHXH có thể bị phạt tiền từ 200 triệu đến 500 triệu đồng, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Nghiêm trọng nhất đối với tội danh này có thể bị phạt tù từ 2 đến 7 năm và nộp phạt từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng nếu trốn đóng bảo hiểm 1 tỉ đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên và không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động.

Thực tế, đây là một trong những biện pháp khá mạnh tay đối với các hành vi chậm, trốn đóng, chiếm đoạt tiền BHXH của người lao động. Từ trước tới nay, đã có rất nhiều vụ vi phạm như chủ doanh nghiệp là người nước ngoài trốn đóng hàng tỉ đồng tiền BHXH sau đó bỏ trốn về nước; hoặc doanh nghiệp làm ăn phá sản, nợ đọng và chiếm đoạt tiền BHXH sau khi đã trích tiền đóng BHXH của người lao động. Tình trạng trầm trọng đến mức, nhiều đại biểu quốc hội đã phải ví von người lao động đang trở thành “con tin” trong tay doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tổng số tiền nợ đóng bảo hiểm năm 2014 lên tới 7.279 tỉ đồng, tương đương hơn 4% kế hoạch phải thu trong năm. Trong số đó, nhiều nhất là nợ bảo hiểm xã hội với 5.578 tỉ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp là 336 tỉ đồng, nợ chậm đóng bảo hiểm y tế là 1.365 tỉ đồng. Một số tỉnh có tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội cao gồm Lai Châu (12,6%), Hà Nội (6,7%), Hòa Bình (6,4%), Bình Định (6,2%), và Phú Yên (5,1%).

Đọc thêm:

Cần hình sự hóa hành vi trốn đóng BHXH?

Chất vấn Bộ trưởng LĐTBXH: DN nợ BHXH, sao NLĐ bị làm con tin?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới