Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phim ảnh và tội phạm

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nói không ngoa, phim ảnh hoàn toàn có thể bước ra khỏi màn bạc để đến với cuộc đời thực. Nói cách khác, nhiều bộ phim – từ phim tài liệu đến phim truyện – thực sự đã gây ra những tác động không nhỏ đến một hiện tượng xã hội hay một trào lưu trong cuộc đời thực của chúng ta. Đây là một kết luận đã được khẳng định tại nhiều nước trên thế giới qua kết quả của các cuộc điều tra, khảo sát, thăm dò dư luận.

Chẳng hạn, một bài viết đăng trên trang web của Platt College, một cơ sở giáo dục đại học ở thành phố San Diego, bang California, Mỹ, điểm lại một vài bộ phim đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến cách suy nghĩ, cách hành xử của công chúng sau khi xem phim(1).

Lấy ví dụ như phim “Bambi” (ra mắt khán giả năm 1942) kể câu chuyện một con nai mẹ bị thợ săn giết trước mắt nai con đã khiến người ta quan tâm hơn đến việc bảo vệ thú rừng. Thậm chí “nhân vật” Bambi trong phim còn tạo một hiệu ứng ngoài đời được đặt tên theo nó: hiệu ứng Bambi chống việc săn bắn các loài thú rừng dễ thương.

Một phim khác, “All the President’s Men” (1976), kể chuyện hai nhà báo Bob Woodward và Carl Bernstein của tờ Washington Post giúp phanh phui bí mật đặt máy nghe lén của Tổng thống Mỹ Richard Nixon khiến ông này phải từ chức. Sau khi ra mắt, bộ phim đã ảnh hưởng đến quan điểm của công chúng Mỹ đối với nền báo chí nước này một cách trái ngược nhau: trong khi những người có khuynh hướng cấp tiến nhìn báo chí một cách tích cực hơn thì những người bảo thủ lại nhìn các nhà báo với cái nhìn tiêu cực hơn.

Đó là phim truyện, còn các phim tài liệu cũng không hề kém cạnh. “The Day after Tomorrow” (2004) là một bộ phim tài liệu về biến đổi khí hậu. Dù có chỗ chưa chính xác về mặt khoa học, phim đã nêu bật được tầm quan trọng của hiện tượng biến đối khí hậu, giúp công chúng chú ý hơn đến hiện tượng này. Hay phim tài liệu “Super Size Me” (2004) cho khán giả thấy hình ảnh cơ thể một người thay đổi như thế nào sau một tháng tròn chỉ ăn một món duy nhất là thức ăn nhanh của hãng McDonald’s. Bộ phim được thực hiện sau khi hãng McDonald’s ra mắt món mới có “kích thước gấp đôi” loại thường.

Trong nhiều trường hợp, các tác động lên khán giả đến từ hình ảnh, thông điệp của các bộ phim hoàn toàn có thể được đánh giá một cách tương đối chính xác qua số lượng phản hồi, ý kiến người xem, hoặc tác động lên công chúng qua các cuộc thăm dò dư luận. Riêng hiệu ứng của bốn bộ phim nêu trên đều có thể “định lượng” hẳn hoi.

Với “Bambi”, sau khi công chiếu, số lượng nai bị săn ở Mỹ giảm còn một nửa. Còn sau khi trình làng, “All President’s Men” làm số sinh viên đăng ký vào khoa báo chí tại các đại học khắp nước Mỹ tăng lên đáng kể. Theo một cuộc thăm dò được thực hiện ba tuần sau khi “The Day after Tomorrow” ra mắt, có đến 83% số khán giả xem phim cho biết họ quan tâm đến biến đổi khí hậu toàn cầu, cao hơn đáng kể so với 72% người không xem phim nói như vậy. Riêng đối với “Super Size Me”, hai tháng sau khi bộ phim trình chiếu, McDonald’s đã rút lại món ăn mới ra lò không lâu của mình; dù hãng này nói việc rút lại không liên quan gì đến bộ phim, sự thật chắc là ngược lại.

Sở dĩ cần nói dài dòng như trên là để khẳng định rằng muốn kết luận một hiệu ứng xã hội là kết quả của một tác phẩm nghệ thuật nói chung hay một bộ phim nói riêng, cần có những luận cứ, căn cứ cụ thể, nếu định lượng được, như kết quả thăm dò khán giả, điều tra dư luận, v.v… thì càng tốt. Nên tránh phát biểu với ý kiến cá nhân mà không đưa ra được dẫn chứng xác thực liên quan, rất dễ gây hoang mang trong dư luận.

Cách đây gần 50 năm, năm 1972, phim “The Godfather” ra đời. Bộ phim về thế giới ngầm này lập tức gây cơn sốt tại các rạp chiếu phim toàn nước Mỹ. “The Godfather” trở thành phim ăn khách nhất, có doanh thu cao nhất trong năm, và trong một thời gian giữ ngôi vua phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Từ nước Mỹ, bộ phim về tội phạm này lan ra các phòng vé của nhiều nước với hiệu ứng tương tự, đến nỗi nó được đánh giá là một trong những phim về băng đảng xã hội đen gây ảnh hưởng mạnh nhất. Cho đến nay, “The Godfather” vẫn là một trong các bộ phim kinh điển của điện ảnh thế giới. Tuy nhiên, chưa thấy quốc gia nào lên tiếng kết tội phim này làm tăng tội phạm, băng nhóm xã hội đen tại nước mình!

Nghệ thuật điện ảnh chân chính không thể tách rời chức năng phản ảnh hiện thực xã hội, đặc biệt là những vấn đề nóng được công chúng quan tâm, cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Tốt là nhằm nhân rộng, chưa tốt là để đánh động dư luận, tìm hướng giải quyết. Và xin hỏi: xã hội nào trên trái đất này chỉ có toàn mặt tốt mà không tồn tại mặt xấu (dù có thể ít cái xấu hơn)? Nếu một chủ thể chỉ vì dám nói lên điều chưa tốt lại bị kết luận là góp phần làm tăng lên tình trạng chưa tốt đó, thì thử hỏi ai còn màng đến việc đề cập những vấn đề gai góc nhằm tìm ra hướng giải quyết giúp xã hội tốt hơn?

Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ đồng tiến giữa đói nghèo và tỷ lệ tội phạm. Ví dụ, nghiên cứu ở Mỹ cho thấy tội phạm hiện diện khắp nơi, nhưng tỷ lệ phạm tội ở các khu nghèo cao hơn hẳn so với các cộng đồng giàu có.

Nghĩa là ở đâu cũng vậy, khi người ta nghèo hơn, tội phạm có xu hướng tăng cao hơn. Trở lại với nước mình, đại dịch Covid-19 đã làm giảm đáng kể thu nhập của nhiều người Việt; đặc biệt, những người nghèo nhất, thu nhập của họ là con số không. Khi cuộc sống của chúng ta dần trở nên bình thường hơn, một trong những vấn đề cấp bách cần giải quyết là làm sao những người nghèo đó không phải tiếp tục chịu cảnh cùng quẫn. Có lẽ nếu đại biểu đặt vấn đề như thế, cử tri sẽ đồng tình và chia sẻ ngay.

—————

1 BÌNH LUẬN

  1. Phim ảnh không có lỗi, lỗi là ở hội đồng thẩm định chất lượng phim, lỗi ở cơ quan truyền thông tổng hợp tuyền tải phim không có đối tượng, thay vì trẻ em được xem phim hoạt hình, văn hóa Việt Nam thì lại được xem quá nhiều phim kiếm hiệp của Tàu. Kể cả cơ quan truyền thông chính thống, mở được bao nhiêu kênh riêng biệt để tôn vinh văn hóa nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc Việt Nam, chưa kể sắp xếp thời gian công chiếu chương trình hợp lý chưa. Chương trình cho trẻ em, thiếu niên thì chiếu muộn,… Tóm lại là phân lập cho được đối tượng, rồi truyền tải nội dung cho phù hợp. Phim Việt sống khó là vì bị văn hóa lai căng, Trung rồi Hàn chiếm hết tâm trí người xem, phim Việt có tốt thì cũng bị đem so sánh với các nước và chê, mà không thấy được nét riêng của mình mà tôn lên cho được. Người làm phim không có lỗi, người công chiếu mới có lỗi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới