Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Phụ thuộc nguồn cung LNG toàn cầu, châu Âu dễ tổn thương trước cú sốc năng lượng

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong tuần này, giá khí đốt ở châu Âu có ngày tăng gần 40%. Mức biến động giá dữ dội cho thấy châu Âu dễ tổn thương hơn trước rủi ro gián đoạn dòng chảy của thị trường năng lượng toàn cầu sau khi thành công trong việc cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Công nhân tại một nhà máy LNG ở Queensland, Úc. Citigroup cảnh báo, giá khí đốt ở châu Âu có thể tăng gấp đôi vào đầu năm tới nếu các cuộc đình công của công nhân ở các nhà máy LNG của Úc bắt đầu sớm và kéo dài đến mùa đông. Ảnh: Bloomberg

Châu Âu đã nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng năng lượng hồi năm ngoái bằng cách tăng nhanh nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Nhiên liệu vận chuyển đường biển này đã thay thế dòng chảy khí đốt tự nhiên từ các đường ống của Nga sau khi Điện Kremlin cắt phần lớn nguồn cung năng lượng sang châu Âu để đáp trả sự ủng hộ của Brussels dành cho Ukraine trong cuộc chiến với Moscow.

Nhưng sự phụ thuộc mới của khu vực vào LNG, một loại hàng hóa toàn cầu, khiến giá năng lượng ở châu Âu nhạy cảm hơn với sự gián đoạn nguồn cung từ khắp nơi trên thế giới, thậm chí ở những nơi xa xôi như Úc.

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng gần 40% vào hôm 9-8 khi rủi ro xảy ra đình công tại nhiều dự án LNG lớn của Úc, chiếm tổng cộng khoảng 10% nguồn cung LNG toàn cầu, khiến thị trường hoảng loạn.

Nhiều nhà đầu tư bất ngờ vì trước đó, họ đặt cược giá khí đốt sẽ giảm tiếp. Họ buộc phải mua lại các vị thế bán khống các hợp đồng khí đốt khi diễn biến thị trường đi ngược lại với kỳ vọng.

Đối với các nhà phân tích năng lượng, châu Âu đang đối mặt thực tế mới: nguồn cung cấp khí đốt mà khu vực dựa vào giờ đây thực sự mang tính toàn cầu, giống như dầu mỏ.

Nhà phân tích Tom Marzec-Manser của Công ty tư vấn năng lượng ICIS, nói: “Khả năng đình công tại các nhà máy xuất khẩu LNG ở Úc một lần nữa làm nổi bật thực tế rằng, chúng ta đang ở trong một thị trường khí đốt toàn cầu hóa. Châu Âu đã thay thế nguồn cung khí đốt từ đường ống của Nga bằng các nguồn cung LNG linh hoạt. Nhưng tính linh hoạt đó dẫn đến sự biến động giá tăng lên”.

Woodside Energy  và Chervon, hai nhà sản xuất LNG ở Úc, đã tổ chức các cuộc đàm phán với các công đoàn để cố gắng ngăn chặn một cuộc đình công có thể làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu. Công nhân của họ đã bỏ phiếu để tổ chức đình công đòi tăng lương và cải thiện an toàn lao động ở ba địa điểm sản xuất LNG chiếm 10% nguồn cung toàn cầu và 50% nguồn cung của Úc.

Zongqiang Luo, nhà phân tích khí đốt tại Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy, cho biết giá tăng đột biến phản ánh khả năng xảy ra đình công. Điều này này sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung LNG trong các đợt nắng nóng đang diễn ra dù lượng khí tồn kho còn dồi dào ở châu Âu.

Ngân hàng Goldman Sachs cảnh báo giá khí đốt ở châu Âu có thể tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba vào mùa đông này.

Trước chiến sự Ukraine, những gì xảy ra ở thị trường khí đốt châu Á chỉ có tác động hạn chế ở châu Âu. Nguồn cung khí đốt đường ống dồi dào và giá rẻ của Nga giúp lục địa này chỉ cần mua thêm một lượng LNG không lớn. Vào năm 2021, nhiên liệu siêu lạnh này chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU. Khí đốt của Nga đóng góp đến 40% tổng lượng nhập khẩu.

Nhưng chiến sự Ukraine đã làm thay đổi tỷ trọng này. LNG chiếm 34% tổng lượng nhập khẩu khí đốt của EU vào năm ngoái và tỷ lệ đó sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, lên 40%, tương đương với tỷ trọng khí đốt của Nga trước đây.

LNG từ Úc hiếm khi được đưa trực tiếp đến các bờ biển châu Âu, vì hành trình dài khiến chi phí vận chuyển cao, không có nhiều ý nghĩa kinh tế.

Nhưng nếu những nước châu Á mua khí đốt của Úc cần tìm kiếm các nguồn cung thay thế, họ phải cạnh tranh trực tiếp với châu Âu. Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là các nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới.

Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc và Nhật Bản đã mua tổng cộng 26 triệu tấn LNG của Úc trong nửa đầu năm nay, chiếm hơn 60% xuất khẩu LNG của Úc trong giai đoạn này.

“Rất nhiều LNG của Mỹ hiện đang được gửi đến châu Âu nhưng có thể chuyển sang châu Á (nếu các nhà máy LNG của Úc dừng hoạt động vì đình công). Điều này làm tăng nguy cơ xảy ra cuộc tranh mua LNG giữa các khu vực”, Kaushal Ramesh, người đứng đầu bộ phận phân tích LNG của Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy nói.

Nick Campbell, Giám đốc của Công ty tư vấn Inspired, cho biết những người mua ở Trung Quốc “có khả năng tăng giá nhập khẩu LNG” để thay thế khối lượng của Úc nếu có sự gián đoạn.

Giá khí đốt ở châu Âu sẽ cần phải cao hơn giá ở châu Á để khuyến khích các thương nhân vận chuyển LNG đến châu Âu.

Giá khí đốt chuẩn ở châu Âu, giảm 7,5% xuống còn 36,6 euro/megawatt giờ vào hôm 10-8. Các nhà phân tích ước tính các kho trữ khí đốt ở châu Âu đã đầy gần 90% và có thể đạt công suất tối đa trong tháng tới trước khi mùa sưởi ấm bắt đầu.

“Dù châu Âu đang có mức dự trữ dồi dào nhưng “thị trường vẫn không ổn định vì mùa đông này có thể xảy ra tình trạng cạn kiệt kho dự trữ nhanh chóng”, Ramesh cho biết.

Theo Financial Times, CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới