(KTSG Online) – Tỉnh Quảng Nam lên kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn dựa nguyên tắc tận dụng tối đa giá trị của sản phẩm thải bỏ, chất thải rắn phát sinh trong sinh hoạt thông qua việc áp dụng nhiều giải pháp khác nhau.
- Quảng Nam muốn trở lại Top 15 về năng lực cạnh tranh địa phương
- Quảng Nam tìm cách ‘kết duyên’ du lịch xanh và văn hóa bản địa
Các giải pháp được ưu tiên bao gồm tái sử dụng sản phẩm thải bỏ, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì hoặc nâng cấp sản phẩm bị lỗi, sản phẩm cũ để kéo dài thời gian sử dụng, tận dụng thành phần, linh kiện của sản phẩm thải bỏ, tái chế chất thải rắn để thu hồi nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất theo quy định của pháp luật, xử lý chất thải rắn kết hợp thu hồi năng lượng theo quy định của pháp luật và cuối cùng là chôn lấp chất thải rắn theo quy định.
Chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) sau khi được phân loại sẽ được thu gom, vận chuyển, xử lý riêng, tận dụng để tái sử dụng, tái chế hoặc bán cho các cơ sở thu mua phế liệu hoặc sẽ được đưa về nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt để xử lý. Trước mắt, sử dụng phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH của đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường tại địa phương cho đến khi UBND tỉnh có quy định đối với phương tiện thu gom, vận chuyển chuyên dụng đối với từng loại chất thải.
Tùy điều kiện thực tế tại địa phương và khối lượng phát sinh của từng nhóm chất thải, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức, sắp xếp tần suất thu gom CTRSH sau phân loại cho phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường (có thể tăng, giảm số ngày thu gom mỗi loại chất thải trong tuần).
Theo kế hoạch được UBND tỉnh Quảng Nam công bố hôm nay, 3-10, đến năm 2025, tỉnh Quảng Nam sẽ hoàn thành cơ bản việc triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 100% hộ dân và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được trang bị kiến thức về phân loại CTRSH tại nguồn. Đến năm 2025, tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn ở các phường, thị trấn đạt tỷ lệ 75%, ở xã đạt tỷ lệ 30%.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, kế hoạch được ban hành trong bối cảnh lượng CTRSH được thu gom, xử lý tăng từ 435 tấn/ngày (năm 2015) lên 720 tấn/ngày (năm 2021). Tuy nhiên, hầu hết CTRSH phát sinh của tỉnh đang được xử lý bằng hình thức chôn lấp, vừa lãng phí tài nguyên, vừa làm tăng nhu cầu bố trí diện tích đất chôn lấp, nhiều vấn đề về môi trường cần giải quyết như nước rỉ rác, mùi hôi, khí thải phát sinh từ bãi chôn lấp… Hiện chỉ có thành phố Hội An có phân loại rác thải hữu cơ để xử lý tại nhà máy xử lý rác làm phân hữu cơ nhưng hiệu quả chưa cao.
Việc tổ chức thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, phù hợp với chiến lược quốc gia, giảm áp lực đối với việc xử lý như giảm diện tích bãi chôn lấp, giảm chi phí xử lý; đồng thời, tận dụng được các loại chất thải rắn khác thông qua các hoạt động tái sử dụng, tái chế.