Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quên “đầu ra”  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quên “đầu ra”  

Còn quá nhiều khu công nghiệp không có nhà máy xử lý nước thải, gây ô nhiễm môi trường sống – Ảnh: HỒNG VĂN

(TBKTSG Online) – TPHCM có gần 10 triệu dân nhưng thật bất ngờ là “chất thải” của con người, tức phân hầm cầu, chỉ có khoảng 200 mét khối mỗi ngày được chôn lấp tại bãi rác Đông Thạnh, Hóc Môn; một lượng lớn còn lại không rõ được đưa đi đâu.  

Bí “đầu ra”

Thật ra, Cơ sở phân bón Hòa Bình, hoạt động từ năm 1987, cho tới trước khi đóng cửa vào đầu năm nay đã là điểm tiếp nhận và xử lý phân hầm cầu thành phân bón hữu cơ duy nhất của thành phố. Ông Lê Tiến Dũng, chủ cơ sở chế biến phân bón Hòa Bình cho biết, cơ sở nằm trên mặt bằng rộng khoảng 4.000 mét vuông tại địa chỉ 1/8 Tân Kỳ- Tân Quý, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú. Mỗi ngày, cơ sở tiếp nhận khoảng 300- 400 mét khối phân hầm cầu, tương ứng 75- 80% loại chất thải này của toàn thành phố (khoảng 500 mét khối phân hầm cầu).  

Thế nhưng, sau khi buộc cơ sở phân bón Hoà Bình phải đóng cửa do gây ô nhiễm môi trường vào ngày 1-1 năm nay, toàn thành phố gần như chưa có địa điểm chính thức xử lý phân hầm cầu. Chính quyền thành phố cũng có giao cho Công ty Môi trường Đô thị chịu trách nhiệm tiếp nhận phân hầm cầu tại bãi chôn lấp Đông Thạnh, Hóc Môn với khoảng 200 mét khối mỗi ngày. Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng Nhân dân (HĐND) TPHCM cho rằng một khối lượng lớn phân hầm cầu còn lại trên địa bàn thành phố không rõ được đưa đi đâu.  

“Đặc biệt nghiêm trọng” – là cụm từ mà ông Hoàng nói  về chuyện bí “đầu ra” như trên trong khi trình bày tờ trình thẩm tra việc thực hiện kinh tế-xã hội năm 2007 và kế hoạch năm 2008 của chính quyền thành phố tại kỳ họp 12 của HĐND TPHCM khoá VII vừa qua.  

Câu hỏi đặt ra là các xe làm dịch vụ hút hầm cầu trong nội thành đổ “sản phẩm” này đi đâu? Và cũng đã có câu trả lời: địa điểm ưa chuộng để trút “hàng” thường là những hố ga, kênh rạch nhỏ ngoại thành, những nơi vắng vẻ ít người dòm ngó như địa điểm đối diện với ga Sóng Thần ở Bình Dương, kênh Tân Hóa- Lò Gốm, khu vực gần cầu Bình Điền, kênh rạch nhỏ phía sau khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng… Thực tế, nhiều trường hợp đổ phần hầm cầu “chui” xuống kênh rạch đã bị chính quyền địa phương phát hiện.  

Theo dự kiến tháng 8 qua, Công ty TNHH Hoà Bình, tức cơ sở phân bón Hoà Bình cũ sau khi di dời, sẽ tiếp nhận và xử lý phân hầm cầu tại khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Đa Phước ở huyện Bình Chánh, thay cho chôn lấp tại bãi rác Đông Thạnh. Tuy nhiên, vào thời điểm giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách vào ngày 15-10, các hạng mục tiếp nhận và xử lý phân hầm cầu vẫn chưa thực hiện xong.  

“Thập diện mai phục”  

Cũng không chỉ có chuyện môi trường TPHCM bị ô nhiễm bởi việc đổ trút phân hầm cầu bừa bãi.

Giữa năm ngoái, chính quyền thành phố đặt ra thời hạn hết tháng 12-2006, các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung thì phải khởi công xây dựng; thậm chí dọa không cho thu hút đầu tư nếu chủ đầu tư khu công nghiệp không chịu xây nhà máy xử lý nước thải.  

Đầu năm nay, theo Ban Kinh tế và Ngân sách, vẫn còn 9 trong 15 khu công nghiệp chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Đó là khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Tân Thới Hiệp, Tân Tạo (phần mở rộng), Cát Lái II, Bình Chiểu, Hiệp Phước, Tây Bắc Củ Chi, Tân Phú Trung và Phong Phú. Hệ quả là huyện Bình Chánh có 72 kênh rạch nhưng chính quyền huyện này thông báo rằng cả thảy đều đang bị ô nhiễm do nước thải của các khu công nghiệp và 10 trong 13 xã của huyện có nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm không ít thì nhiều. Thậm chí quanh khu công nghiệp Lê Minh Xuân, xuất hiện hiện tượng lá cây, cỏ bị chuyển màu do ô nhiễm chất thải.

Xung quanh chuyện ô nhiễm môi trường do các khu công nghiệp gây ra, ông Vũ Văn Hoà, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất TPHCM (Hepza) cho biết đã kiểm tra và phát hiện 378 doanh nghiệp vi phạm môi trường, chuyển cho các cơ quan chức năng xử phạt vì Hepza không có chức năng xử phạt. Điều khó hiểu là các cơ quan chức năng chỉ xử phạt được 68 doanh nghiệp.

“Nếu Hepza được giao thêm chức năng thanh tra và xử phạt các trường hợp gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi có điều kiện làm quyết liệt hơn”, ông Hòa đề nghị.  

Theo nghị quyết của HĐND TPHCM vào năm 2002 thì đến hết năm 2004 phải di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, sau đó gia hạn thêm tới giữa năm 2006. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn 141 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường đang ở bên trong nội thành, chiếm 10% trong tổng số 1.402 cơ sở trong danh sách di dời.  

Thậm chí ông Hoàng còn cho biết, có một số sở ngành còn ban hành văn bản tham mưu cho UBND thành phố ký gia hạn thời gian di dời các danh sách các cơ sở phải di dời, trái với nghị quyết của HĐND thành phố mà điển hình là trại chăn nuôi heo Gò Sao ở quận 12. Theo ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM thì trại này có 2.000 con heo, nằm trong chương trình di dời nhưng do đang nuôi …hơn 100 heo giống nhập từ Mỹ nên chính quyền quận 12 có văn bản đề nghị gia hạn.  

Đại biểu HĐND Đặng Văn Khoa, than phiền ô nhiễm môi trường bây giờ giống như “thập diện mai phục”, khi phía tây thì cây cỏ úa màu vì ô nhiễm do khu công nghiệp Lê Minh Xuân gây ra, phía đông ở Thủ Đức thì kênh Ba Bò thành kênh thối, phía Cần Giờ thì sông Thị Vải cá chết trắng sông. Trong phần trả lời chất vấn của ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường, ông Khoa thẳng thắn nhận xét: “Anh Kiệt nói hơi nguội lạnh so với sự nóng bỏng của môi trường thành phố”.

Mời bạn đọc bấm vào đây để cùng bình luận về vấn đề bức xúc này

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới