(KTSG) - Với TPHCM, quí 3 có thể đã là đỉnh tăng trưởng của năm 2022, triển vọng quí 4 không lạc quan như quí 3 vì các yếu tố tạo áp lực chiếm ưu thế hơn. Tuy nhiên, triển vọng thành phố hoàn thành, thậm chí vượt mức tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay là tương đối khả thi.
- TPHCM có thể vượt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP đặt ra từ đầu năm
- Mở rộng phân cấp, phân quyền để TPHCM tăng tính tự chủ và trách nhiệm
Các tín hiệu lạc quan trong quí 4-2022
Kết thúc sáu tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP của TPHCM đạt 3,82%, tương đương 728.705 tỉ đồng, là tương đối thấp về cơ học so với kế hoạch đặt ra, tuy nhiên, lại là khá tốt nếu nhìn xuôi từ giai đoạn trong dịch Covid-19 đến nay. Có thể nói, đây là con số mạch lạc chứng minh sự phục hồi tích cực của kinh tế TPHCM. Tuy nhiên, áp lực tiếp tục đặt nặng lên quí 3 và quí 4 trong việc hoàn thành nhiệm vụ kinh tế đã định.
Triển vọng quí 4 tập trung chính vào ngành du lịch, nếu có sự chuẩn bị tốt sẽ có thể hồi phục mạnh mẽ nhờ đón làn sóng du lịch quốc tế thường tăng mạnh vào các tháng cao điểm 11 và 12.
Tín hiệu lạc quan từ quí 2 tiếp tục kéo dài đến quí 3-2022 và với sức bật mạnh mẽ hơn nhiều lần. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng liên tục, rất nhanh so với cùng kỳ năm trước. Nếu như chỉ số IIP tháng 6-2022 chỉ tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước thì sang tháng 7 và 8 chỉ số này đã lần lượt đạt mức tăng 53,5% và thậm chí lên đến 104%.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 111,7%, sản phẩm từ cao su và plastic tăng 50%. Ngành thương mại cũng cho thấy sức tăng ổn định và nhiều triển vọng với tổng mức bán lẻ chỉ tính riêng tháng 8-2022 tăng gần 150% trong khi tháng 6-2022 chỉ dừng ở mức 41,1%. Cũng không quên đặt sự tăng trưởng này trong sự tham chiếu với mốc giãn cách xã hội toàn thành phố bắt đầu từ cuối tháng 5 năm ngoái và tháng 8-2022 Dương lịch ứng với tháng 7 Âm lịch, trong đó các hoạt động từ tiêu dùng đến đầu tư... thường bị trì hoãn bởi tâm lý tháng “xá tội vong nhân”.
Cuối tháng 8-2022, các hoạt động kinh tế - xã hội nhộn nhịp trở lại, kéo tổng cầu tăng mạnh, từ đó tạo nhiều giá trị gia tăng cho kinh tế thành phố. Sự cải thiện vượt bậc này ước tính mang lại 423.082 tỉ đồng GRDP cho thành phố riêng ở quí 3, tương đương khoảng 75% mục tiêu đặt ra.
Triển vọng quí 4 của TPHCM không lạc quan như quí 3 vì các yếu tố tạo áp lực chiếm ưu thế hơn. Tuy nhiên mục tiêu nền kinh tế tạo ra được 350.000 tỉ đồng GRDP trong quí này vẫn có tính khả thi, là kết quả từ lực đẩy tích cực mà bàn tay hữu hình liên tục tạo ra ngay từ quí 3 này. Rất nhiều sự kiện văn hóa - xã hội lớn đã được tổ chức mà ở đó có sự tiếp lực từ chính quyền thành phố, hứa hẹn mang lại nhiều giá trị kinh tế cho người dân, doanh nghiệp, một cách gián tiếp qua tăng trưởng trong hoạt động du lịch và lan tỏa hiệu ứng tích cực kéo dài đến quí 4, bù đắp cho những khó khăn hiện hữu ở khu vực công nghiệp.
Triển vọng quí 4 tập trung chính vào ngành du lịch, nếu có sự chuẩn bị tốt sẽ có thể hồi phục mạnh mẽ nhờ đón làn sóng du lịch quốc tế thường tăng mạnh vào các tháng cao điểm 11 và 12.
Triển vọng quí 4 tập trung chính vào ngành du lịch, nếu có sự chuẩn bị tốt sẽ có thể hồi phục mạnh mẽ nhờ đón làn sóng du lịch quốc tế thường tăng mạnh vào các tháng cao điểm 11 và 12. Du lịch quốc tế có thời gian lưu trú trung bình cao hơn so với du lịch nội địa, vì vậy, mang lại giá trị kinh tế trên lượt du khách thường trội hơn.
Nhưng các yếu tố tạo áp lực chiếm ưu thế so với các lực đẩy...
Thứ nhất, sản xuất và xuất khẩu có thể giảm tốc do ảnh hưởng từ bất ổn trên thị trường quốc tế. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu cả nước trong tháng 7-2022 giảm 1,1% so với tháng trước đó. Riêng tại TPHCM, xuất khẩu và chế biến gỗ và hàng dệt may đang phải đương đầu với khó khăn bởi những thị trường then chốt là Mỹ và châu Âu liên tục giảm đơn hàng vì lý do lạm phát. Trong số 52 doanh nghiệp xuất khẩu và chế biến gỗ thì hơn một nửa có số lượng đơn hàng bị giảm lên đến 90% so với cùng kỳ năm trước và dẫn đến hậu quả là doanh thu giảm ít nhất 70%. Tương tự, xuất khẩu giày da và dệt may đồng loạt bị cắt giảm 70-80% số đơn hàng, và nghiêm trọng hơn, theo dự báo, tình hình này nhiều khả năng tiếp tục kéo dài thậm chí đến năm 2023 nếu tình hình lạm phát và chính trị tại các quốc gia này vẫn biến động. Lao động - việc làm theo đó giảm mạnh. Mặc dù đây chỉ là tác động ngắn hạn, nhưng một lần nữa làm bộc lộ sự bất cân bằng cung - cầu lao động tại thành phố và bất ổn do quá phụ thuộc vào thị trường quốc tế của các ngành công nghiệp chủ lực tại thành phố.
Thứ hai, cung tín dụng tiếp tục còn chịu giới hạn do nhiều yếu tố. Rủi ro nợ xấu ngân hàng đang dần hiện hữu sau thời gian siết chặt cung tín dụng cộng với việc Thông tư 14/2021 hết hiệu lực. Quí 3 ghi nhận tổng nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng đều tăng cao.
Thứ ba, lạm phát giảm cầm chừng nhưng chi phí vốn thì tăng khá mạnh, trung bình từ 1-1,5%/năm ở các kỳ hạn. Ảnh hưởng của việc này đến kinh tế TPHCM là khá lớn so với bình diện chung của cả nước. Tạm ước, dư nợ hiện tại ở thành phố tính đến tháng 8-2022 đang là 3.145.900 tỉ đồng, nếu tăng 1% lãi suất thì tổng chi phí vốn tăng lên trên 31.000 tỉ đồng, là con số rất lớn.
(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM