(KTSG Online) - Với hơn 94% số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, sáng 24-11, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi).
- Đại biểu Quốc hội cho ý kiến về quyền sử dụng đất của người Việt ở nước ngoài
- Đại biểu quốc hội đề nghị thống nhất cơ sở dữ liệu quốc gia
Theo TTXVN, các đại biểu Quốc hội vừa bỏ phiếu biểu quyết thông qua Luật Viễn thông sửa đổi. Với kết quả là 468 đại biểu bỏ phiếu tán thành, chiếm tỷ lệ 94,74%, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi).
Trước đó, trong báo cáo liên quan đến dự thảo luật, đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet là một loại của dịch vụ viễn thông, đã được điều chỉnh trong Luật Viễn thông. Tuy nhiên, dịch vụ này có đặc điểm là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không sở hữu hạ tầng mạng, không được phân bổ tài nguyên viễn thông, nên dự thảo luật đã điều chỉnh quy định theo hướng “quản lý nhẹ”, chỉ tuân thủ một số quy định về nghĩa vụ.
Về quỹ dịch vụ viễn thông công ích, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị được giữ quy định về quản lý hoạt động viễn thông công ích như dự thảo luật; đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể việc miễn, giảm đóng góp vào quỹ sao cho phù hợp với tình hình thực tế.
Một trong các nội dung được nhiều đại biểu quan tâm góp ý là chia các số thuê bao thành nhiều nhóm để đánh giá đúng giá trị, giảm thiểu trường hợp bỏ cọc khi đấu giá. Ngoài ra, đại biểu đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp để kiểm soát việc bỏ tiền đặt cọc tham gia đấu giá kho số viễn thông, quy định mức giá khởi điểm phù hợp, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia đấu giá…