Thứ Tư, 15/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2016

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2016

Minh Đức

(TBKTSG Online) – Quốc hội sáng nay 11-11 đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 với 392/435 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Nghị quyết cho phép điều chỉnh tăng mức lương cơ sở, chấp thuận để chính phủ sử dụng tiền bán cổ phần sở hữu của Nhà nước tại các doanh nghiệp để chi cho đầu tư phát triển; yêu cầu giảm bội chi ngân sách nhà nước (NSNN), đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu Chính phủ và cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế với khối lượng tối đa là 3 tỉ đô la Mỹ thực hiện trong năm 2015-2016…

Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2016
Quốc hội thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước 2016. Ảnh: quochoi.vn

Theo dự toán NSNN vừa được Quốc hội thông qua,

– Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.014.500 tỷ đồng; nếu tính cả 4.700 tỷ đồng thu chuyển nguồn ngân sách địa phương từ năm 2015 sang năm 2016 thì tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.019.200 tỷ đồng.

– Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.273.200 tỷ đồng.

– Mức bội chi ngân sách năm 2016 dự kiến là 254.000 tỷ đồng, tương đương 4,95% GDP.

Tăng mức lương cơ sở thêm 5% từ 1-5-2016

Quốc hội giao chính phủ điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang từ 1-5-2016; bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng.

Riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, Quốc hội thống nhất giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới hai triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở, từ ngày 1-1-2016.

Từ ngày 1-1-2016 đến ngày 30-4-2016, tiếp tục thực hiện mức điều chỉnh đối với các đối tượng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) như năm trước.

Chính phủ đã đưa ra phương án thu xếp khoảng 11.000 tỷ đồng để thực hiện tăng lương từ 1-5-2016. Trong số này, ngân sách trung ương cân đối được khoảng 40%, 60% còn lại lấy từ địa phương. Ngân sách trung ương hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương nghèo, ngân sách khó khăn theo quy định của Chính phủ.

Giảm bội chi ngân sách nhà nước

Trong nghị quyết vừa được thông qua, Quốc hội yêu cầu Chính phủ giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh; quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán ngân sách nhà nước và chi chuyển nguồn sang năm sau.

Quốc hội đề nghị Chính phủ trong thời gian tới cần xác định lộ trình và kiên trì giảm bội chi ngân sách nhà nước hàng năm, ưu tiên đảm bảo thanh toán đầy đủ các khoản nợ (cả gốc và lãi) đến hạn của ngân sách nhà nước, giảm mức vay đảo nợ.

Quốc hội cũng đồng ý cho sử dụng 40.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của Nhà nước tại một số doanh nghiệp để đầu tư phát triển. Trường hợp ngân sách trung ương năm 2015 bị hụt thu, cho phép sử dụng không quá 10.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của nhà nước nhưng chỉ để cân đối, đáp ứng nhiệm vụ chi đầu tư phát triển. Sử dụng 30.000 tỷ đồng đưa vào dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 để tăng chi đầu tư phát triển.

Tại các phiên thảo luận trước đó, một số ý kiến ĐBQH đã đề nghị Chính phủ làm rõ số tiền bù hụt thu và phương án xử lý cụ thể theo quy định của Luật ngân sách nhà nước hiện hành.

Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để xử lý hụt thu ngân sách trung ương, Chính phủ đã đề nghị thực hiện cắt giảm 10% dự toán chi thường xuyên những tháng cuối năm 2015 và sử dụng một phần dự phòng ngân sách (tổng cộng khoảng 4.150 tỷ đồng); tiếp tục rà soát, cắt giảm các khoản chi chưa thật cần thiết; đồng thời phấn đấu tăng thu, xử lý thu hồi nợ đọng thuế.

Tuy nhiên, Chính phủ vẫn xin được phép sử dụng một phần tiền bán cổ phần sở hữu của Nhà nước tại một số doanh nghiệp, nhưng không quá 10.000 tỷ đồng cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển năm 2015.

Đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu Chính phủ

Quốc hội đồng ý đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu Chính phủ phát hành trong năm 2015 và năm 2016, trong đó, chỉ phát hành trái phiếu Chính phủ có thời hạn từ 3 năm đến dưới 5 năm với tỷ lệ không quá 30% tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành, 70% đảm bảo từ 5 năm trở lên theo quy định tại nghị quyết ngày 10-11-2014 của Quốc hội.

Chính phủ cũng được chấp thuận phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để cơ cấu lại nợ trong nước, trên cơ sở so sánh, phân tích, đảm bảo có lợi cho quốc gia và chỉ thực hiện trong năm 2015 và năm 2016, với tổng mức phát hành tối đa là 3 tỷ đô la Mỹ.

Một số đại biểu đề nghị thận trọng với chủ trương phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế, vì làm tăng nợ nước ngoài của quốc gia và có thể gặp rủi ro về tỷ giá. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện tại việc huy động các nguồn lực trong nước gặp nhiều khó khăn do thị trường phát hành trái phiếu trong nước chưa phát triển, trong khi áp lực vay để bù đắp bội chi và vay đảo nợ do bố trí cân đối ngân sách không đủ trả nợ đến hạn ngày càng gia tăng trong ngắn hạn từ nay đến năm 2018.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế để cơ cấu lại nợ trong nước với mức lãi suất hợp lý và thời hạn dài hơn sẽ giảm bớt áp lực trả nợ trong ngắn hạn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới