(KTSG Online) - Tại nhiều nước châu Á, các công ty quản lý tài sản đang chạy đua ra mắt các quỹ đầu tư vào các tài sản số hóa như công nghệ blockchian (chuỗi khối) hoặc đầu tư gián tiếp vào tiền ảo để nắm bắt các cơ hội trong khu vực.
- Đề xuất bổ sung tài sản ảo, tiền ảo vào Luật Phòng chống rửa tiền sửa đổi
- “Mùa đông” tiền ảo đặt ra thách thức mới cho Singapore
Theo báo cáo của Công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường tài chính Cerulli Associates (Mỹ), nhiều quỹ đã tập trung đầu tư vào không gian rộng lớn hơn của tiền ảo bao gồm blockchain đã đăng ký hoạt động ở Singapore, Hồng Kông và Hàn Quốc trong năm qua.
Trong khi đó, nhiều quỹ hoán đổi danh mục (ETF) tiền ảo đã được thành lập tại Úc, cho phép các nhà đầu tư tiếp xúc Bitcoin và Ether, hai đồng tiền ảo có vốn hóa lớn nhất thị trường hiện nay, mà không cần phải trực tiếp sở hữu chúng.
Chẳng hạn, các quỹ này mua tiền ảo rồi phát hành chứng chỉ quỹ. Khi mua các chứng chỉ quỹ này, các nhà đầu tư sẽ gián tiếp sở hữu tiền ảo. Do đó, họ có thể tiếp xúc với Bitcoin và Ether mà không phải trả thêm chi phí và sẽ không gặp rủi ro nếu nắm giữ chúng trực tiếp. Giá chứng chỉ quỹ ETF tiền ảo dao động hàng ngày dựa trên các giao dịch mua hoặc bán của nhà đầu tư.
Có 3 quỹ ETF tiền ảo ở Úc bắt đầu giao dịch từ tháng 5, gồm Cosmos Purpose Bitcoin Access, 21Shares Bitcoin ETP và 21Shares Ethereum ETP ETF.
Hồi tháng 6, chi nhánh Hồng Kông của Công ty Samsung Asset Management (Hàn Quốc) đã triển khai quỹ ETF toàn cầu liên quan đến blockchain đầu tiên ở châu Á, có tên gọi Samsung Blockchain Technologies ETF. Quỹ này sẽ quản lý và đầu tư vào các quỹ ETF liên quan đến blockchain, chẳng hạn các quỹ ETF theo dõi các hợp đồng tương lai tiền ảo ở Mỹ.
Cuối năm ngoái, Công ty Fintonia Group ở Singapore đã ra mắt quỹ ETF theo dõi giá Bitcoin giao ngay, có tên gọi Fintonia Bitcoin Physical Fund sau khi được sự chấp thuận của Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS).
“Đối với các nhà đầu tư, việc ngày càng có nhiều quỹ tương hỗ và ETF tiền ảo xuất hiện trên thị trường giúp mở rộng lựa chọn sản phẩm hoặc thậm chí hợp pháp hóa việc đầu tư tiền ảo bằng cách cung cấp các con đường được cho là an toàn hơn để tiếp cận loại tài sản này, so với đầu tư tiền ảo trực tiếp”, Ken Yap, giám đốc quản lý khu vực châu Á của Cerulli Associates, nói.
Tuy nhiên, các nhà quản lý trong khu vực đang siết chặt ngành công nghiệp tiền ảo. Hồi tháng 8, MAS cho biết sẽ tìm cách hạn chế các nhà đầu tư nhỏ lẻ mua bán tiền ảo, chẳng hạn bằng cách hạn chế cho phép sử dụng đòn bẫy hoặc các công cụ tín dụng.
Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Thái Lan đang sửa đổi các quy tắc để siết chặt hoạt động quảng cáo của các công ty kinh doanh tài sản kỹ thuật số, bao gồm việc sử dụng người có ảnh hưởng mạng xã hội để quảng bá tiền ảo.
Hàn Quốc hiện cũng lên kế hoạch cấm các nhà đầu tư trong nước sử dụng các dịch vụ của các sàn giao dịch tiền ảo chưa đăng ký hoạt động ở nước này.
Song môi trường quản lý thắt chặt hơn và và sự biến động quá lớn của thị trường tiền ảo sẽ là “các lợi điểm bán hàng quan trọng” đối các công ty quản lý tài sản đang triển khai cấp các quỹ đầu tư gián tiếp tiền ảo, theo nhận định của Ken Yap.
Các động thái siết chặt quản lý vẫn không ngăn được các công ty quản lý tài sản ở châu Á tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực tiền ảo, với một số công ty Hàn Quốc đang phát triển các dịch vụ liên quan quan đến tài sản kỹ thuật số.
Hồi tháng 1, Tập đoàn tài chính Mirae Asset của Hàn Quốc công bố kế hoạch triển khai hoạt động kinh doanh tài sản kỹ thuật số, ban đầu sẽ nhắm đến các dịch vụ lưu ký tiền ảo, các mã thông báo (token) và cuối cùng sẽ thành lập các các khoản cho vay và các quỹ gắn liền với tài sản kỹ thuật số.
Một tháng sau đó, KB Asset Management, công ty quản lý tài sản của KB Financial Group, tập đoàn tài chính lớn nhất Hàn Quốc, thông báo đã thành lập một ban đánh giá tiềm năng phát triển các quỹ tài sản kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo.
Tháng 9 năm ngoái, KB Asset Management đã triển khai Quỹ kinh tế chuỗi kỹ thuật số toàn cầu KB, tập trung đầu tư vào các công ty công nghệ blockchain.
Cerulli Associates cho biết thế hệ Z (sinh ra trong giai đoạn 1997 -2012) và thế hệ Millennials (sinh ra trong giai đoạn 1981-1996) đang thúc đẩy sự quan tâm đến tiền điện tử ở Hàn Quốc.
Singapore cũng đang chứng kiến sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư trẻ đối với tiền ảo. Khảo sát của Cerulli Associates hồi năm ngoái cho thấy 51% những người từ 25-44 tuổi ở Singapore sẵn sàng đầu tư nhiều hơn vào tiền ảo.
Vào đầu năm nay, Công ty quản lý đầu tư BNY Mellon Investment Management (Mỹ), với tổng tài sản 2.400 tỉ đô la Mỹ, cho biết sẽ ra mắt quỹ đầu tư công nghệ blockchain đầu tiên ở Singapore nhằm vào các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Thái Lan và Việt Nam cũng đã nổi lên như những điểm nóng đầu tư tiền ảo ở Đông Nam Á, ngay cả khi các nhà đầu tư đang trải qua cơn suy sụp của thị trường.
Thái Lan ghi nhận 135,9 tỉ đô la Mỹ giá trị tiền ảo được giao dịch trong 12 tháng tính đến tháng 6 -2022, trong khi đó, con số này ở Việt Nam là 112,6 tỉ đô la Mỹ, theo một báo cáo của nền tảng dữ liệu blockchain Chainalysis công bố hôm 21-9.
Tiền ảo cũng đã thu hút sự quan tâm từ các cá nhân có giá trị ròng cao, với Cerulli Associates báo cáo rằng một số dịch vụ ngân hàng cá nhân và văn phòng quản lý đầu tư gia đình ở cả Singapore và Hồng Kông đang nhận thấy mối quan tâm đầu tư tiền ảo trực tiếp hoặc thông qua quỹ ETF tiền ảo.
Theo một báo cáo hồi tháng 6 của Công ty đầu tư mạo hiểm White Star Capital, có hơn 600 công ty tiền ảo hoặc blockchain hiện có trụ sở chính tại Đông Nam Á. Phần lớn sự tăng trưởng gần đây trong nguồn vốn đầu tư mạo hiểm ở khu vực này bắt nguồn từ các công ty khởi nghiệp tiền điện tử, blockchain và web3, với khoảng gần 1 tỉ đô la Mỹ huy động được trong 6 tháng đầu.
Theo Financial Times