(KSG Online) – Với dân số đông và nền kinh tế số phát triển nhanh, châu Á trở thành miền đất hứa đối với các nhà đầu tư toàn cầu đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu. Các công ty quản lý tài sản khổng lồ từ KKR & Co cho đến Bain Capital đặt cược rằng, nhu cầu lưu trữ dữ liệu và điện toán đám mây ở khu vực này sẽ ngày càng tăng sau cơn bùng nổ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
- Thị trường trung tâm dữ liệu hấp dẫn các nhà đầu tư
- Amazon đầu tư xây dựng 10 trung tâm dữ liệu khu vực ở Việt Nam và châu Á
Châu Á đang chứng kiến nhu cầu trung tâm dữ liệu tăng vọt trong bối cảnh những tập đoàn công nghệ khổng lồ như Amazon.com và Google của Alphabet tăng cường triển khai dịch vụ điện toán đám mây và làn sóng đầu tư AI gần đây trong khu vực.
Theo dữ liệu của Cushman & Wakefield, nhu cầu trung tâm dữ liệu ở Đông Nam Á và Bắc Á dự kiến tăng trưởng khoảng 25% mỗi năm cho đến năm 2028, cao hơn so với mức tăng trưởng ước tính 14% ở Mỹ trong cùng giai đoạn.
“Xu hướng đầu tư trung tâm dữ liệu trỗi dậy đầu tiên ở Mỹ, sau đó lan sang châu Âu và giờ đây, sang châu Á- Thái Bình Dương”, Udhay Mathialagan, người đứng đầu toàn cầu ở mảng kinh doanh trung tâm dữ liệu của Công ty quản lý tài sản Brookfield Asset Management (Canada), nói.
Ông ghi nhận, châu Á là một khu vực đa dạng nhưng có một điểm chung là mọi người đều hiện diện trực tuyến, do vậy, cần lượng kết nối khổng lồ và các trung tâm dữ liệu thực sự tốt.
Các tổ chức đầu tư lớn gần đây đã thiết lập sự hiện diện trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu ở châu Á. Hồi tháng 8, Bain Capital (Mỹ) công bố thuơng vụ thâu tóm mảng trung tâm dữ liệu của Chindata Group Holdings , có trụ sở tại Bắc Kinh, với giá khoảng 3,2 tỉ đô la Mỹ. Đến tháng 9, KKR đồng ý mua 20% cổ phần trong bộ phận kinh doanh trung tâm dữ liệu khu vực của Singapore Telecommunications (Singtel), tập đoàn viễn thông của Singapore, với giá khoảng 800 triệu đô la. Trước đó, Blackstone, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, ra mắt nền tảng trung tâm dữ liệu ở châu Á vào tháng 11- 2022.
Theo Projesh Banerjea, giám đốc bộ phận đầu tư hạ tầng của KKR, nếu bao gồm cả nền tảng của Singtel, KKR có thể đầu tư một tỉ đô la vốn cổ phần vào các dự án trung tâm dữ liệu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong những năm tới. Ông cho biết, lợi nhuận khả quan từ các khoản đầu tư như vậy phù hợp với mục tiêu tăng trưởng hàng năm 15-19% mà KKR đặt ra cho mảng hạ tầng.
Châu Á được kỳ vọng sẽ mang lại miếng bánh lớn hơn trong tương lai cho các nhà đầu tư trung tâm dữ liệu . Theo Cushman & Wakefield, hiện nay, khoảng 29% doanh thu từ các siêu trung tâm dữ liệu được tạo ra từ châu Á-Thái Bình Dương so với 49% từ Mỹ. Nhưng đến năm 2028, thị phần của châu Á dự kiến sẽ tăng lên tới 33%, tương đương 173 tỉ đô la Mỹ.
“Đây là một câu chuyện đầu tư siêu dễ dàng. Bạn có nhu cầu đang tăng lên vô tận và bạn có nguồn cung ngày càng hạn chế mà không có giải pháp nào trước mắt”, Morgan Laughlin, người đứng đầu toàn cầu về đầu tư trung tâm dữ liệu của Công ty quản lý tài sản PGIM (Mỹ), nhận xét khi đề cập đến triển vọng kinh doanh trung tâm dữ liệu ở châu Á.
Laughlin tiết lộ, PGIM có kế hoạch đầu tư tới ba tỉ đô la Mỹ vào lĩnh vực trung tâm dữ liệu toàn cầu trong ba năm tới, bao gồm cả các thị trường lớn ở châu Á-Thái Bình Dương. Theo một nguồn thạo tin, công ty đang đàm phán về địa điểm xây dựng trung tâm dữ liệu ở Tokyo và Seoul.
Jonathan Zhu, đồng giám đốc kinh doanh vốn cổ phần tư nhân châu Á của Bain Capital, cho biết, công ty ông sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc và các thị trường Đông Nam Á, cũng như tìm kiếm cơ hội ở các khu vực phát triển khác ở châu Á.
“Nhờ nhu cầu về dịch vụ điện đám mây và AI, toàn bộ thị trường trung tâm dữ liệu ở châu Á sẽ tiếp tục phát triển”, ông nhận định
Tuy nhiên, phát triển trung tâm dữ liệu tốn nhiều thời gian và phức tạp vì đòi hỏi sự kết hợp giữa chuyên môn về bất động sản, công nghệ, quy định quản lý địa phương và các yêu cầu bảo vệ môi trường. Thị trường trung tâm dữ liệu bị phân mảnh cao độ của châu Á khiến nỗ lực cân bằng các yếu tố này càng trở nên khó khăn hơn.
Theo Ellen Ng, đồng giám đốc bất động sản châu Á của quỹ đầu tư Warburg Pincus, việc có thể cung cấp sản phẩm và dịch vụ trên nhiều thị trường ở châu Á là điều quan trọng nhưng mỗi nước ở châu Á có những quy định quản lý riêng.
Trung Quốc đã đề xuất nới lỏng kiểm soát dữ liệu xuyên biên giới sau khi thắt chặt quản lý trong những năm gần đây. Singapore dỡ bỏ lệnh cấm xây dựng trung tâm dữ liệu mới vào năm 2022 nhưng vẫn chọn lọc trong việc trao thầu các dự án. Nước này đã công bố các tiêu chuẩn cho các nhà khai thác trung tâm dữ liệu để đảm bảo hiệu quả sử dụng năng lượng.
Thông qua khoản đầu tư ở Princeton Digital Group (Singpore), nhà cung cấp trung tâm dữ liệu hàng đầu châu Á, Warburg Pincus đã thiết lập sự hiện diện ở sáu thị trường trong khu vực và đang tìm kiếm cơ hội mở rộng.
Các trung tâm dữ liệu ở châu Á đang chạy đua để cải thiện hệ thống làm mát khi sử dụng nhiều chip xử lý đồ họa (GPU) để đáp ứng nhu cầu tính toán phức tạp ngày càng tăng từ các lĩnh vực như AI. GPU tiêu thụ nhiều năng lượng hơn và tỏa nhiều nhiệt hơn các bộ vi xử lý trung tâm, thành phần chính của máy tính.
Hồi tháng 10, lỗi hệ thống làm mát của nhà điều hành trung tâm dữ liệu Equinix (Mỹ) đã ảnh hưởng đến 2,5 triệu giao dịch thanh toán và giao dịch ATM của ngân hàng DBS Group và Citigroup. Vì sự cố này, DBS, ngân hàng lớn nhất Singapore, sau đó bị Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS) cấm thực hiên giao dịch thâu tóm các dự án kinh doanh mới trong sáu tháng để tập trung củng cố dịch vụ ngân hàng số.
“Quy định quản lý rủi ro, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu, chủ quyền dữ liệu quốc gia và tính bền vững đang được xây dựng ở hầu hết các thị trường châu Á. Nếu các nhà đầu tư và nhà khai thác trung tâm dữ liệu không theo kịp những thay đổi này, họ có thể gặp khó khăn”, Glen Duncan, giám đốc nghiên cứu trung tâm dữ liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của hãng dịch vụ bất động sản toàn Jones Lang LaSalle, cảnh báo
Theo Bloomberg