(KTSG Online) – Vai trò đô thị trung tâm thuộc vùng kinh tế phía Nam của TPHCM sẽ được thúc đẩy thông qua phát triển mạng lưới liên kết vùng và kết nối giao thông, xây dựng cấu trúc đô thị với 2 trục tăng trưởng và 3 vành đai sản xuất.
- Điều chỉnh quy hoạch TPHCM và kỳ vọng trở thành đại đô thị của Đông Nam Á
- Những bất cập của quy hoạch hiện hữu đang cản trở TPHCM phát triển
Xây dựng ý tưởng quy hoạch chung nhằm đưa TPHCM trở thành trung tâm động lực cho vùng kinh tế phía Nam là một đề bài hấp dẫn, nhưng đầy thách thức với những người làm quy hoạch. Điều này đòi hỏi thời gian gắn bó lâu dài với hành trình phát triển của thành phố, sự hiểu biết sâu sắc về lối sống và văn hóa địa phương, cũng như sự thấu cảm những nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp để có thể chuyển tải một cách trọn vẹn trong tầm nhìn phát triển dài hạn cho địa phương này. KTSG Online đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đỗ Dũng, chuyên gia quy hoạch quốc tế, đồng sáng lập, kiêm Tổng giám đốc enCity (Singapore) về câu chuyện nêu trên.
KTSG Online: Ông có thể chia sẻ ý tưởng quy hoạch để giúp TPHCM giảm áp lực hạ tầng trong bối cảnh số lượng dân nhập cư tăng nhanh và ngân sách thiếu hụt?
Ông Nguyễn Đỗ Dũng: Một quy hoạch “Thành phố Mở” dựa trên ba khía cạnh gồm kết nối, không gian và cơ hội sẽ giúp TPHCM khai thác tối đa các thế mạnh và tiềm năng nội tại, qua đó khôi phục lại vị thế “đầu tàu” kinh tế, văn hóa, xã hội và là động lực phát triển cho cả vùng Đông Nam Bộ.
Với “Mở kết nối”, TPHCM phát huy vai trò đô thị trung tâm để dẫn dắt và phát triển nền kinh tế của toàn vùng Đông Nam Bộ. Vai trò đô thị trung tâm sẽ được thúc đẩy thông qua phát triển mạng lưới liên kết vùng và kết nối giao thông, xây dựng cấu trúc đô thị với 2 trục tăng trưởng và 3 vành đai sản xuất, tạo ra cơ sở hạ tầng phục vụ không chỉ cho TPHCM mà còn cho sự phát triển tiềm năng của các khu vực xung quanh, tối đa hóa khả năng kết nối với các tỉnh lân cận.
Với “Mở không gian”, TPHCM - vốn đặc trưng bởi những cảnh quan thiên nhiên độc đáo như công viên Cần Giờ và sông Sài Gòn với vai trò huyết mạch của thành phố - nên chiến lược cảnh quan tối ưu là tối đa hóa các không gian mở, lấy cây xanh và mặt nước làm mặt tiền đô thị.
Chúng tôi đã phân chia TPHCM thành 4 vùng thích ứng nhằm đối phó với 3 hình thái gây ngập chủ yếu gồm mưa lớn, lũ thượng nguồn, nước biển dâng, từ đó xác định các giải pháp kết hợp công trình với hạ tầng xanh để chống ngập úng.
Riêng những vùng cảnh quan có nguy cư ngập cao, chúng tôi xây dựng chiến lược kiểm soát ngập toàn diện gồm 3 lớp, đồng thời tư vấn các cấp chính quyền thực thi cơ chế pháp lý mở và minh bạch, chia sẻ công khai các thông tin về kiểm soát nguy cơ ngập lụt cũng như bản đồ cảnh báo ngập để mọi người dân có thể tiếp cận.
Với “Mở cơ hội”, các quy hoạch gia đưa ra ý tưởng trao cơ hội sáng tạo cho người dân và thị trường bằng sử dụng đất linh hoạt trong các khu đô thị sáng tạo, phát triển những loại hình công nghiệp sạch và công nghệ cao trong khu đô thị để tích hợp chuỗi sản xuất. Đồng thời, làm nổi bật đặc trưng cảnh quan để nâng cao chất lượng môi trường sống.
Nhóm tư vấn cũng đề xuất xây dựng hệ thống các trọng điểm sáng tạo (Innovation Hotspots) từ cấp thành phố tới cấp quận và cấp phường, tận dụng các cơ sở hạ tầng có sẵn như nhà văn hóa quận/phường để thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số và nền kinh tế sáng tạo.
Đây là nền tảng quan trọng cho sự đổi mới và là trọng tâm hàng đầu cho tương lai của TPHCM, nơi mọi người và mọi tầng lớp cùng chung tay kiến tạo một hệ sinh thái thông minh trong thành phố.
Việc chưa có quy hoạch tổng thể và bài bản về sông Sài Gòn và những con sông khác khiến hiệu quả khai thác quỹ đất, không gian sông nước không đủ để phục vụ lợi ích công cộng và phát triển kinh tế, du lịch. Giải pháp của ông với vấn đề này?
TPHCM luôn mang dấu ấn của đô thị sông nước bởi hệ thống kênh rạch hòa mình vào đô thị, tham gia vào cấu trúc và tiến trình phát triển của vùng đất này. Vì vậy, quy hoạch gắn với sông nước và chống biến đổi khí hậu sẽ là yếu tố nền tảng trong chiến lược phát triển của thành phố những năm tới.
Hiện thành phố có 3 hành lang sông nước lớn gồm sông Sài Gòn (trung tâm), sông Đồng Nai (phía Đông), kênh Sáng (phía Tây) – con kênh phân tách giữa TPHCM và Long An. Với vai trò là ba luồng thoát nước chính theo hướng Bắc – Nam để đổ ra biển của thành phố thì ba hành lang sông này phải được giữ gìn để phục vụ mục tiêu phát triển.
Quy hoạch sắp tới cần giữ lại khung sinh thái và hành lang xanh dọc các hành lang sông để đảm thoát nước. Ngoài ra, cần khai thác mặt tiền sông và mặt tiền cảnh quan lớn làm mặt tiền đô thị vì đây là đặc trưng của một thành phố sông nước.
Hai việc này cũng giúp tối ưu giá trị đất đai ven sông trong bối cảnh người dân thành phố mới chỉ tiếp cận được 5-8% chiều dài sông Sài Gòn do khu vực còn lại được dành cho sản xuất và nhà ở.
Kết nối thiếu đồng bộ hạ tầng giữa TPHCM và các địa phương trong vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) khiến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa phát triển đúng tiềm năng. Cần làm gì để giải quyết bài toán này?
Kết nối giao thông, đặc biệt giao thông công cộng phải được khai thác có tính chiến lược theo mô hình TOD (Transit Oriented Development), tức là phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng.
Các nút giao thông công cộng, cửa ngõ dẫn từ trung tâm TPHCM ra toàn bộ vùng kinh tế như Bình Chánh cần được định hướng trở thành các tâm điểm phát triển đô thị mới. Đặc biệt là tuyến đường sắt cao tốc TPHCM - Cần Thơ với điểm đầu tại ga Tân Kiên thuộc huyện Bình Chánh và nhà ga đường sắt cao tốc ở Thủ Thiêm.
Cụ thể, có thể khai thác quỹ đất xung quanh hai vị trí này thành trung tâm việc làm và thương mại lớn, tương tự mô hình của những nhà ga đường sắt đô thị lớn trên thế giới.
Ngoài ra, cần hướng tới hợp tác, kết nối giữa các địa phương trong một vùng kinh tế, thay vì cạnh tranh lẫn nhau, dẫn tới tình trạng cục bộ địa phương trong kết nối giao thông.
Cơ sở để triển khai định hướng này là xu hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp dựa trên lợi thế về quỹ đất nhà nhân công giá rẻ của các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai, Long An đang giúp kinh tế TPHCM tốt lên.
Cụ thể, tổng giá trị đầu tư toàn xã hội của vùng Đông Nam Bộ vẫn tập trung và gia tăng tại TPHCM chứ không suy giảm trước xu hướng dịch chuyển sản xuất từ TPHCM sang các địa phương lân cận. Ngoài ra, 80% lao động có trình độ đại học trở lên và 80% công ty khoa học công nghệ đều tập trung tại TPHCM.
Như vậy, hợp tác và kết nối vùng giữa TPHCM các địa phương khác thuộc vùng kinh tế phía Nam sẽ gia tăng lợi ích cho chính TPHCM, đưa địa phương này trở thành trung tâm giao thương của vùng kinh tế.
Việc cần làm là quy hoạch, xây dựng một hệ thống giao thông đồng bộ, thuận tiện để các doanh nghiệp có thể đặt trụ sở tại TPHCM và đặt khu vực sản xuất có giá trị thấp tại các địa phương lân cận. Lãnh đạo các doanh nghiệp, chuyên gia, người lao động có thể di chuyển qua lại giữa trụ sở và khu vực sản xuất qua hệ thống giao thông có tính liên kết vùng cao.
Theo đó, chính quyền thành phố cần quy hoạch các trục xuyên tâm và đường vành đai lớn kết nối với các trung tâm sản xuất – cung ứng – thương mại của các địa phương lân cận. Trong số các địa phương gần TPHCM thì Bình Dương là một trung tâm sản xuất lớn nên cần đầu tư cho hệ thống đường sắt và giao thông công cộng mang tính kết nối vùng giữa huyện Củ Chi và các huyện thuộc tỉnh Bình Dương để người lao động sống tại TPHCM có thể làm việc tại Bình Dương và ngược lại.
Tóm lại, về phát triển kinh tế, không nên giới hạn việc phát triển TPHCM trong ranh giới hành chính quy ước, mà nên nhìn vào bức tranh địa – kinh tế của một vùng đang nằm ở đâu, lực đẩy phát triển của khu vực xung quanh như thế nào.
Ông đánh giá thế nào về định hướng quy hoạch, phát triển đô thị tương lai của TPHCM nếu chuyển 5 huyện gồm Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè thành quận hoặc thành phố thuộc thành phố?
TPHCM là một đô thị lớn với nhiều đô thị bên trong. Các huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh thuộc TPHCM, nhưng có những đặc trưng rất khác so với các quận nội thành. Tương tự là các địa phương nằm xa trung tâm TPHCM như Cần Giờ, Củ Chi.
Trong bối cảnh hệ thống quy định, phân quyền tại Việt Nam chưa rõ ràng thì việc quản lý quy hoạch, đô thị, ngân sách đều thuộc trách nhiệm của chính quyền thành phố lớn. Còn trách nhiệm của chính quyền các thành phố trực thuộc rất ít.
Vì vậy, những huyện nông thôn đang trong quá trình đô thị hoá có thể trở thành thành phố thực thuộc hay không phụ thuộc lớn vào cách phân quyền của chính quyền thành phố lớn.
Tôi cho rằng chính quyền TPHCM cần lưu ý những đặc trưng riêng của từng địa phương khi xây dựng chính sách phát triển và quy hoạch. Ngoài ra, nên trao quyền chủ động về ngân sách, quy hoạch, phát triển đô thị cho chính quyền các địa phương này.
Điều đó sẽ giúp chính quyền các địa phương có chính sách phát triển phù hợp với đặc trưng, bối cảnh của địa phương mình, vốn khác so với vùng lõi trung tâm TPHCM.
Giai đoạn 5-10 năm sắp tới có phải khoảng thời gian phù hợp để triển khai định hướng phát triển của 5 huyện này?
Khi nói về định hướng phát triển thì có 2 khía cạnh cần xem xét: Nằm trong tổng thể chung của TPHCM; Tính độc đáo, riêng biệt theo hoàn cảnh của địa phương;
Ba huyện gồm Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh Đặc nằm ở rìa của trung tâm thành phố nên chịu khá nhiều tác động lan toả từ vùng lõi đô thị trung tâm, nhưng cũng có một số đặc trưng nhất định.
Các địa phương này có vai trò cửa ngõ của trung tâm đô thị TPHCM khi nằm trên các trục đường xuyên tâm như Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, đường vành đai 2, vành đai 3. Việc nằm ở vị trí giao điểm của trục đường xuyên tâm và đường vành đai giúp họ có hội phát triển thành những trung tâm việc làm, logistics.
Cụ thể, huyện Bình Chánh có ga Tân Kiên là điểm đầu của tuyến đường sắt cao tốc TPHCM - Cần Thơ nằm, lại có giao thông đường thuỷ và gần cụm trung tâm hành chính, dịch vụ lớn của TPHCM ở phía Tây nên sẽ là đô thị cửa ngõ phía Tây của TPHCM. Đồng thời, giữ vai trò trục kết nối giữa ĐBSCL và khu vực sản xuất ở miền Đông Nam bộ khi xe cộ từ Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Dương đều phải đi qua khu vực này.
Hai huyện gồm Củ Chi và Cần Giờ lại nằm rất xa TPHCM, thậm chí xa hơn một số huyện thuộc các địa phương khác như Dĩ An, Thuận An, Nhơn Trạch. Riêng Củ Chi từng có thời gian không thuộc TPHCM. Vì vậy, việc phát triển của hai địa phương này rất khác biệt so với phần còn lại của TPHCM.
Những yếu tố hai huyện này đang phát triển như du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao là phù hợp, gắn với tự nhiên vì đó đặc trưng và thế mạnh sẵn có của địa phương. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kĩ để tìm ra yếu tố đặc trưng nổi bật hơn.
Vì du lịch sinh thái, nông nghiệp có phải là mũi nhọn phát triển kinh tế hay không thì tới nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.
Với Cần Giờ, nhu cầu du lịch sinh thái rừng ngập mặn không lớn, khả năng tạo ra giá trị gia tăng rất thấp vì phần lớn du khách ưu tiên xuống biển hoặc lên núi hơn. Ngoài ra, tính tương tác của khu vực này rất hạn chế.
Ngoài ra, dự án xây dựng hạ tầng nghỉ dưỡng để thúc đẩy du lịch Cần Giờ chưa được thực hiện nên chưa đủ luận cứ để chứng minh việc phát triển du lịch sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn.
Bên cạnh đó, khu vực ven biển Cần Giờ có rất ít điều kiện để phát triển bãi tắm, nếu muốn phát triển phải đầu tư rất nhiều tiền để làm bãi biển nhân tạo. Còn phải chịu rủi ro ô nhiễm cao. Rõ ràng đây là một bài toán khó.
Nhưng có những khía cạnh khác có thể khai thác vì phía bên kia vịnh Cần Giờ là sông Cái Mép - Thị Vải, gần các trung tâm công nghiệp biển lớn nhất Việt Nam với Nhà máy lọc hoá dầu Long Sơn, cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, khu công nghiệp nặng Phú Mỹ, cụm cảng – công nghiệp ngành dầu khí.
Hiện nhiều người nhìn nhận Cần Giờ là cực Nam của TPHCM mà chưa nhìn nhận nó đang nằm kế bên của một vùng vịnh với nhiều hoạt động công nghiệp, kinh tế biển. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách cần đặt Cần Giờ trong bức tranh quy hoạch và kinh tế tổng thể để đưa ra chiến lược phát triển về cảng, logistics, công nghiệp, không nên nhìn nhận theo hướng TPHCM không có biển và chỉ phát triển du lịch sinh thái.
Với Củ Chi, địa phương này nằm giữa đường vành đai 4 và vành đai 3, có quỹ đất lớn, nằm giữa Long An và Bình Dương. Địa phương này hoàn toàn có tiềm năng trở thành vành đai sản xuất của TPHCM trong tương lai nhờ kết nối vùng thuận lợi. Theo đó, địa phương này có thể thu hút các loại hình đầu tư, sản xuất công nghiệp công nghệ cao nhờ lợi thế giá đất rẻ, không chịu nhiều áp lực phát triển cơ sở hạ tầng dân cư, có lợi thế kết nối vùng.
Xin cảm ơn ông!
Thực hiện: Văn Phong - Trình bày: Thu Trang