Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Quy mô và nguồn tài trợ cho gói hỗ trợ kinh tế

Trần Hùng Sơn (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Bài viết thảo luận các lựa chọn tài trợ cho chính sách tài khóa hỗ trợ kích thích kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, các quốc gia trên thế giới đã có các chính sách để đối phó với cuộc khủng hoảng này.

Theo thống kê của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) trong năm 2020, các nước phát triển đều đưa ra các gói hỗ trợ khổng lồ như Mỹ đưa ra gói chi tài khóa bổ sung 25,5% GDP và cho vay và bảo lãnh là 2,4% GDP, Anh lần lượt là 16,2% và 16,1% GDP, hay thấp nhất trong nhóm 20 nước phát triển là Hàn Quốc cũng chi tài khóa bổ sung 4,5% GDP và cho vay và bảo lãnh là 10,2% GDP. Dự kiến một số khoản chi tại các quốc gia này sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Sử dụng mọi phương cách để hồi phục kinh tế và chấp nhận rủi ro đi kèm đã được tính đến có lẽ là chính sách tốt nhất hiện nay.

Ở các nền kinh tế mới nổi, mức chi tài khóa bổ sung bình quân 4% GDP và cho vay và bảo lãnh là 2,5% GDP.

Theo ước tính, trong năm 2020, Việt Nam đã đưa ra gói hỗ trợ có quy mô 1,9% GDP. Tuy nhiên, ngay cả khi giải ngân toàn bộ gói hỗ trợ này thì quy mô vẫn rất nhỏ.

Tính đến tháng 8-2021, Việt Nam công bố tổng gói hỗ trợ từ đầu năm là 138.000 tỉ đồng, tuy nhiên, phần lớn gói hỗ trợ này là dưới hình thức giãn thuế. Cùng với đó là gói chi an sinh xã hội trị giá 26.000 tỉ đồng. Vì thế, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam cần có gói chi tiêu đủ lớn để cứu doanh nghiệp, người dân và toàn bộ nền kinh tế. Nói cách khác, phải bơm tiền thực để tái khởi động nền kinh tế.

Theo người viết, quy mô gói hỗ trợ kinh tế cần ở mức 4% GDP (3% đối với các khoản chi bổ sung và 1% đối với các khoản hỗ trợ cho vay và bảo lãnh), tương đương 251.000 tỉ đồng(1), con số này là phù hợp với quy mô và nội lực của kinh tế Việt Nam.

Trong trong phạm vi bài viết này, người viết đưa ra khuôn khổ phân tích một số lựa chọn tài trợ cho gói kích thích kinh tế này.

Thông thường, khuôn khổ tài trợ cho chi ngân sách thường phụ thuộc vào các chính sách thuế, chính sách tiêu dùng và chính sách vay nợ. Ngoài ra, đối với các quốc gia có tỷ trọng kinh tế nhà nước cao như Việt Nam, một công cụ có thể sử dụng đó là chuyển nhượng các tài sản công như thoái vốn tại các công ty cổ phần thuộc sở hữu nhà nước. Phương thức tài trợ thâm hụt ngân sách cuối cùng đó là tiền tệ hóa thâm hụt.

Đối với mỗi phương thức tài trợ này sẽ có bốn tiêu chí ảnh hưởng đến không gian tài khóa: (i) Khả năng hoặc tiềm năng tạo ra nguồn lực để thực thi. Chẳng hạn, các quốc gia có tỷ lệ động viên thuế thấp hoặc có nhiều tài nguyên sẽ có nhiều không gian cho chính sách thuế; (ii) Tác động của chính sách đến các khu vực kinh tế hay thậm chí là toàn bộ nền kinh tế. Thông thường chỉ tiêu này được phân tích thông qua các mô hình kinh tế vĩ mô hoặc các khung phân tích kinh tế khác; (iii) Thời gian để tạo ra nguồn lực; và (iv) Tính bền vững của chính sách, nghĩa là liệu chính sách có thể thực hiện được nhiều lần trong trung hạn và dài hạn hay không.

Để đáp ứng cho các khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, chúng tôi đưa ra khung phân tích các lựa chọn tài trợ cho gói kích thích kinh tế của Việt Nam như sau: (1) Tái phân bổ chi tiêu; (2) Thuế; (3) Vay nợ; (4) Chuyển nhượng tài sản công; (5) Tiền tệ hóa thâm hụt.

Tái phân bổ chi tiêu

Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ có thể tái phân bổ chi tiêu bằng cách cắt giảm chi thường xuyên và chuyển các khoản cắt giảm này sang các khoản chi cho an sinh xã hội. Như vậy xét về các tính chất tác động của chính sách, thời gian huy động nguồn lực, việc tái phân bổ chi tiêu hoàn toàn đáp ứng.

Chính sách thuế

Hiện tại không gian cho chính sách thuế là không nhiều do sự thu hẹp hoạt động của các khu vực và thành phần kinh tế. Theo một khảo sát gần đây về tình hình hoạt động của doanh nghiệp cả nước do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tiến hành, có đến 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19.

Vay nợ

Vay nợ là một nguồn tài trợ tiềm năng. Tuy nhiên, việc đi vay nợ sẽ gặp rào cản đó là tính bền vững của nợ công khi tỷ lệ nợ công trên GDP đang bị khống chế ở mức 60% mà Quốc hội đã thông qua(2) (tỷ lệ nợ công ước tính năm 2020 là 56,8-57,4% GDP). Do đó, vấn đề khống chế trần nợ công có thể cần được xem xét trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, ở tầm quốc tế, IMF đã đưa ra gói hỗ trợ phục hồi kinh tế trị giá 650 tỉ đô la Mỹ cho các nước, do đó vay nợ quốc tế cũng có thể cần được xem xét trong bối cảnh hiện nay.

Chuyển nhượng các tài sản công

Theo kế hoạch, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ thoái vốn tại 88 doanh nghiệp trong năm 2021 (tăng ba doanh nghiệp so với năm 2020), trong đó có nhiều doanh nghiệp đang niêm yết với giá trị vốn hóa thị trường lớn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là thời gian để thực hiện việc này, khi mà trong năm 2020, SCIC chỉ thoái vốn thành công ở 10 doanh nghiệp, thu về cho Nhà nước 1.521 tỉ đồng, gấp hai lần giá vốn.

Tiền tệ hóa thâm hụt

Tiền tệ hóa thâm hụt là phương thức tài trợ thâm hụt ngân sách hiện đã được sử dụng tại các quốc gia/khu vực phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản, châu Âu và các quốc gia đang phát triển như Indonesia và Ấn Độ... Việc sử dụng phương thức này đòi hỏi phải xác định lượng tiền cung ứng, thời gian thực hiện cũng như những hậu quả không mong muốn ở hiện tại hay tương lai. Để làm điều này cần dựa trên các mô hình phân tích kinh tế vĩ mô. Tuy vậy, đây là một sự đánh đổi đặt ra cho Việt Nam khi thực hiện chính sách này, đó là hồi phục kinh tế và chấp nhận các rủi ro kèm theo.

Mỗi lựa chọn chính sách đều có ưu và nhược điểm nhất định và cũng sẽ không có câu trả lời đơn giản cho các lựa chọn này. Tuy nhiên, sử dụng mọi phương cách để hồi phục kinh tế và chấp nhận rủi ro đi kèm đã được tính đến có lẽ là chính sách tốt nhất hiện nay.

Cuối cùng, khác với các cuộc khủng hoảng đã từng xảy ra, đại dịch Covid-19 đòi hỏi Chính phủ phải có các chính sách sáng tạo, thậm chí khác biệt với các chính sách đã từng áp dụng trong quá khứ để đạt được mục tiêu đó là tạo tấm đệm cho việc hồi phục kinh tế.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM

(1) GDP ước tính năm 2020 là 6.293,1 ngàn tỉ đồng.

(2) Ngày 28-7-2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công năm năm giai đoạn 2021-2025.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới